Lộ trình thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2030

AN NHIÊN 06:05, 11/10/2023

Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020, Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã từ nay đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Trạm Y tế thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm)
Chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Trạm Y tế thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm)

TÁC ĐỘNG CỦA THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ Xà

Lâm Đồng có 142 xã, phường, thị trấn chia làm 3 vùng. Số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã 142/142 xã. Có 140/142 Trạm y tế xã triển khai khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Trong đó, 128/142 Trạm y tế có bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm và 22 Trạm y tế xã có bác sỹ làm việc tối thiểu 2 buổi/tuần tại trạm theo lịch được thông báo trước. Có 1.263 trên tổng số 1.343 thôn, buôn, tổ dân phố có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. 

Từ năm 2012, toàn tỉnh có 26 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Năm 2020, có 44 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh công nhận lại xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến 2020. Thời hạn công nhận 3 năm kể từ ngày ký quyết định.

 Kinh nghiệm của tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp: Huy động các ngành, các cấp, huy động nguồn lực nhà nước và xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo và phát triển nhân lực để xây dựng các xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020 theo quyết định của Bộ Y tế với chất lượng ngày càng cao hơn, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân tại địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Y tế, các Trạm y tế nhằm đẩy mạnh hoạt động y tế cơ sở.

Theo đánh giá của Sở Y tế Lâm Đồng, toàn tỉnh có 142/142 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh công nhận xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 theo quyết định của Bộ Y tế, đạt tỷ lệ 100% so với mục tiêu, kế hoạch đề ra của địa phương với chất lượng ngày càng cao hơn. Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn từng bước được củng cố và hoàn thiện. Cơ sở vật chất của các trạm y tế từng bước được đầu tư, nâng cấp. Đội ngũ nhân viên y tế, y tế thôn bản luôn thực hiện tốt nhiệm vụ…

• KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ MỚI

Sở Y tế Lâm Đồng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030. 

Mục tiêu cụ thể: Năm 2023, phấn đấu 47 xã, 1 phường và 2 thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030. Năm 2024, có thêm 41 xã, 16 phường và 5 thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030. Năm 2025, phấn đấu 23 xã, 2 phường và 5 thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030.

Các xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã tiếp tục duy trì mức cao hơn về các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu năm sau cao hơn năm trước. Sau 3 năm được UBND tỉnh công nhận các xã, phường, thị trấn lập hồ sơ đề nghị thẩm định, công nhận lại.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu bao gồm: Ngành Y tế tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị hằng năm tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Bộ tiêu chí; đưa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, công tác dân số vào nghị quyết của đảng ủy, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội hàng năm của xã. Thường xuyên đôn đốc các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phấn đấu đạt và duy trì những kết quả đã đạt được, có kế hoạch để khắc phục các tồn tại của từng chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe và phòng, chống suy dinh dưỡng đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tập trung tại các địa bàn vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn mới. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cộng đồng việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng ngừa bệnh tật, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, hạn chế tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, chú trọng giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. 

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tiếp tục phát triển kỹ thuật nhằm đạt và tăng tỷ lệ triển khai các kỹ thuật đúng tuyến, vượt tuyến thông qua công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, chế độ luân phiên... Chú trọng phát triển danh mục kỹ thuật tại các trạm y tế, đặc biệt, quan tâm đối với 90 Trạm y tế thuộc vùng 3 để nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm khả năng chuyên môn thực hiện thường xuyên các dịch vụ kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe.

 Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý từ tuyến tỉnh đến trạm y tế, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán Bảo hiểm y tế. Tiếp tục triển khai và sớm hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở hiện có, nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế cơ sở, tăng cường y tế dự phòng. Cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe của người dân khi đi khám sức khỏe, khám, chữa bệnh vào sổ sức khỏe điện tử. Thực hiện lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi tình hình bệnh tật, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.

Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và chuyên môn. Tập trung hoàn thiện và phát triển một số nền tảng quan trọng trong phát triển ứng dụng công nghệ thông tin như: Hệ thống giám sát và quản lý dịch tễ; phát triển dữ liệu hồ sơ sức khỏe cá nhân; hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; các nền tảng phục vụ người dân; hệ thống hội họp trực tuyến…