Nỗ lực để khởi công cao tốc trong năm 2023

NGUYỄN NGHĨA 06:43, 13/10/2023

Lâm Đồng đang nỗ lực, tập trung để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, tháo gỡ những vướng mắc để có thể khởi công Dự án Cao tốc Bảo Lộc - Tân Phú vào cuối năm 2023.

Một đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn, đây cũng là đoạn cao tốc duy nhất hiện nay 
đã hoàn thành và đang sử dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Một đoạn cao tốc Liên Khương - Prenn, đây cũng là đoạn cao tốc duy nhất hiện nay đã hoàn thành và đang sử dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng, tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hiện nay liên danh nhà đầu tư đang hoàn thiện các thành phần hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi lần cuối theo góp ý của các sở, ngành liên quan, dự kiến tháng 10/2023 sẽ trình, đồng thời thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở tại Bộ Giao thông Vận tải và hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Hội đồng Thẩm định liên ngành Trung ương. Hiện nay, đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đã trình thẩm định hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án cho Bộ Tài nguyên và Môi trường; đã trình hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 4 đoạn điều chỉnh cục bộ hướng tuyến của Dự án Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng chiều dài khoảng 66 km, trong đó trên địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11 km (đi qua huyện Tân Phú); tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc). Điểm đầu dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của Dự án đường Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối dự án tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc.

Dự án có quy mô đầu tư xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012), vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn phân kỳ bố trí chiều rộng nền đường 17,0 m với 4 làn xe ô tô. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án dự kiến khoảng 455 ha, trong đó tỉnh Đồng Nai khoảng 81 ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374 ha. Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 186,21 ha, trong đó rừng tự nhiên 126,37 ha, rừng trồng 59, 85 ha. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng cần chuyển đổi 144,78 ha rừng (rừng tự nhiên 123,29 ha, rừng trồng 21,49 ha), tỉnh Đồng Nai 41,43 ha (rừng tự nhiên 3,08 ha, rừng trồng 38,36 ha) và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương mục đích sử dụng rừng vào tháng 7/2022. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn dẫn đến dự án chưa thể khởi công là do một số thủ tục liên quan đến đất rừng đang phải chỉnh sửa do thay đổi về hướng tuyến. Và vì dự án này đi qua 2 tỉnh là Lâm Đồng và Đồng Nai nên cũng gặp một số những khăn theo tiến độ đặt ra. Khó khăn, vướng mắc hiện nay là tổng diện tích đất rừng theo ranh giải phóng mặt bằng và bản đồ hiện trạng đất hiện nay của tỉnh Đồng Nai có sự chênh lệch khá lớn so diện tích rừng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định vào tháng 6 năm 2022. Nguyên nhân là do nhiều diện tích nằm trong phạm vi thu hồi đất của dự án hiện đang là đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm nhưng được quy hoạch thành đất rừng trong tương lai.

Bên cạnh đó, qua kết quả đo đạc, kiểm đếm của đơn vị tư vấn Khung chính sách thì phía tỉnh Đồng Nai phát sinh thêm diện tích 9,22 ha đất trồng lúa nên cần phải báo cáo HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua Nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích này để triển khai thực hiện dự án theo quy định. Dự án xây dựng đường bộ Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả chỉ là nhà đầu tư đề xuất dự án chưa phải là nhà đầu tư thực hiện dự án (chủ dự án); đồng thời việc chủ dự án tự trồng rừng thay thế là không khả thi và chưa phù hợp thực tế. 

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng thì nhận định, do diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích thay đổi nên phải điều chỉnh hồ sơ và trình lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặc đù sau điều chỉnh thì diện tích rừng được điều chỉnh giảm xuống so với hồ sơ ban đầu, nhưng vẫn phải điều chỉnh lại hồ sơ cho đúng nên mất thêm thời gian. Thêm nữa là dự án nằm trên 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng nên thẩm quyền giải phóng mặt bằng thuộc cơ quan cấp bộ.

Nói về lý do chậm tiến độ, Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, để tiến hành thi công dự án cần được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện, tiến độ báo cáo đang ở mức hoàn thiện cuối kỳ. Dự kiến tháng 10 này sẽ hoàn thiện báo cáo đánh giá khả thi Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc để thực hiện các thủ tục tiếp theo. Có thể trong tháng 1 hoặc tháng 2/2024 khởi công đoạn cao tốc.

Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là dự án giao thông vô cùng quan trọng đối với tỉnh Lâm Đồng, nên hiện tỉnh đang nỗ lực bằng mọi giá để khởi công trong năm 2023. Theo quy hoạch, 2 Dự án xây dựng đường Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là đoạn giữa và cuối của tuyến cao tốc từ Dầu Giây - Liên Khương, nhằm kết nối giao thông giữa Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Vì vậy, khi 2 dự án hoàn thành, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng sẽ tạo được động lực phát triển đột phá kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung thông qua kết nối thuận lợi giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp trong khu vực.