Tăng cường quản lý chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm

AN NHIÊN 04:53, 10/10/2023

Trong 9 tháng qua, ngành Y tế Lâm Đồng đã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, Thanh tra Sở Y tế Lâm Đồng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phát hiện và xử phạt 71 đối tượng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. 

Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh, 
chế biến thực phẩm
Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm

THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT MỐI NGUY

Ngành Y tế Lâm Đồng được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Các mặt hàng này có tác động trực tiếp đến sức khoẻ con người nên được chính quyền và toàn xã hội quan tâm. Sở Y tế Lâm Đồng là đơn vị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với tất cả các cơ sở kinh doanh dược phẩm, thực phẩm trên địa bàn. Riêng đối với lĩnh vực thực phẩm hiện nay, công tác quản lý chất lượng thuộc trách nhiệm chung các ngành Y tế, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… UBND tỉnh giao cho ngành Y tế chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm vào các dịp cao điểm trong năm. 

Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng đã được ngành Y tế Lâm Đồng quan tâm và đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ người tiêu dùng, từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh. Ngoài việc tập trung thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng theo nhiệm vụ được phân công, ngành Y tế thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng trong các đợt cao điểm kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho Nhân dân, cung cấp thông tin để mọi người dân có thể nhận biết hoặc phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng để chủ động phòng tránh, xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng kém chất lượng.

Kết quả tiếp nhận hồ sơ công bố chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm qua đã tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm bao gói sẵn 790 hồ sơ tự công bố sản phẩm của các cơ sở sản xuất thực phẩm và đã đăng tải thông tin trên website của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Từ ngày 15/9/2022 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm. Các vụ ngộ độc thực phẩm đều được điều tra, xử lý nhanh chóng, kịp thời, góp phần giảm thiểu tối đa các hậu quả do ngộ độc thực phẩm gây ra. 

Sở Y tế đã giao trách nhiệm cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp Thanh tra Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra, đồng thời, hướng dẫn cho các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, thành phố về nội dung, yêu cầu kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị tham mưu để UBND các cấp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp kiểm tra các mặt hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Công tác giám sát mối nguy nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm với tổng số mẫu đã tiến hành giám sát là 199 mẫu. Gửi xét nghiệm tại phòng kiểm nghiệm 50 mẫu (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc nhóm giảm cân, đái tháo đường, sinh lý nam, huyết áp, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi). Kết quả có 49/50 mẫu đạt, 1 mẫu không đạt về chỉ tiêu chất lượng theo hồ sơ công bố. Thực hiện kiểm tra nhanh các mẫu thực phẩm ăn ngay như bún, bánh, chả, heo quay, mứt... kết quả 149/149 mẫu đạt.

Thanh tra, kiểm tra lĩnh vực an toàn thực phẩm với 25 đoàn (4 đoàn kiểm tra liên ngành, 5 đoàn thanh tra, 16 đoàn kiểm tra chuyên ngành). Kết quả thanh tra, kiểm tra 310 cơ sở phát hiện 27 cơ sở vi phạm bị xử lý hình thức phạt tiền hơn 242 triệu đồng. Hành vi vi phạm bị xử lý do sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc tiêu chuẩn đã công bố; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm… Ngoài ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã xử lý 1 trường hợp do đoàn kiểm tra Trung ương bàn giao lại với tổng số tiền phạt là 45 triệu đồng.

Sở Y tế đã giao trách nhiệm cho Trung tâm Kiểm nghiệm Dược - Mỹ phẩm tỉnh Lâm Đồng tổ chức lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (tại các điểm kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, sản xuất thuốc và các cơ sở điều trị). Kết quả thực hiện lấy mẫu kiểm tra 490 mẫu tại 95 cơ sở, có 100% mẫu đạt chất lượng, không phát hiện thuốc giả qua các mẫu kiểm nghiệm.

Công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp thanh tra, kiểm tra thực hiện 4 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra 86 cơ sở, phát hiện vi phạm xử lý 43 cơ sở, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 748 triệu đồng. Hành vi vi phạm bị xử lý do cơ sở không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở đã sử dụng thuốc, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc, hình dạng trên cơ thể người; niêm yết giá chưa đầy đủ; để lẫn sản phẩm không phải thuốc cùng với thuốc…

• TRUYỀN THÔNG BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

Nhằm quán triệt đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực Y tế, Sở Y tế cũng đã ban hành kế hoạch để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; trong đó có lồng ghép nội dung tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, mở 5 lớp tập huấn trong năm 2023 thực hiện việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho khoảng 800 lượt người trên địa bàn tỉnh tham dự. 

Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh tập huấn cho các hội viên tại Bảo Lộc với 6 lớp, 1.034 học viên. 

Sở Y tế đã ban hành kịp thời các văn bản khuyến cáo về các loại thuốc, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để các cở sở kinh doanh, người dân được biết, không buôn bán, sử dụng và kịp thời cung cấp thông tin tới cơ quan quản lý dược khi phát hiện các loại thuốc, mỹ phẩm có khuyến cáo của Cục Quản lý Dược. 

Công tác truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm được chú trọng thực hiện gồm: Chi cục đã phân phối tài liệu truyền thông phục vụ Tết nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội xuân năm 2023 và Tháng Hành động vì An toàn thực phẩm cho 12 huyện, thành phố với 722 băng rôn, 160 đĩa CD và 15 đĩa DVD tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Chi cục đã chủ động nắm thông tin từ hệ thống giám sát an toàn thực phẩm trong cả nước, cập nhật thông tin, cảnh báo sản phẩm thực phẩm không an toàn. 

Theo đánh giá của Sở Y tế, công tác thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa được chú trọng triển khai thực hiện và lồng ghép trong các đợt thanh, kiểm tra giúp người sản xuất và kinh doanh thực phẩm nâng cao nhận thức đồng thời hiểu và làm đúng theo các quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn, thông qua đợt kiểm tra nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của Nhà nước về việc kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các chủ cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt sự phối hợp thanh tra, kiểm tra thường xuyên và thống nhất giữa các ban, ngành có liên quan. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dược phẩm khắc phục các tồn tại như: kinh doanh hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Tiến hành thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm.