Thạc sĩ Chính sách công Huỳnh Hồ Đại Nghĩa - giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh, cho rằng, các bên liên quan ở Đà Lạt cần thêm những ý tưởng, cách tiếp cận mới để một mặt quản trị sự thay đổi, mặt khác tạo ra động lực thúc đẩy Đà Lạt phát triển bền vững.
Thạc sĩ Huỳnh Hồ Đại Nghĩa đưa ra mô hình quản trị sự thay đổi |
Đà Lạt là một thực thể, được cấu thành bởi nhiều yếu tố: Cảnh quan, môi trường, khí hậu và con người, cùng những hoạt động sống của con người. Chính sự thay đổi của các thành tố bên trong thực thể Đà Lạt đã tạo ra sự thay đổi của Đà Lạt. Thay đổi nào cũng có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Quản trị sự thay đổi không có nghĩa là tạo ra những rào cản, cản trở sự phát triển, mà tìm cách điều chỉnh nó để tạo ra sự hài hòa giữa các lợi ích, cùng hướng đến tương lai bền vững. Phải đặt Đà Lạt trong bối cảnh thay đổi chung của tỉnh Lâm Đồng, rộng hơn nữa là thay đổi của Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu, qua đó định vị thương hiệu cho Đà Lạt. “Từ chỗ nhìn ra những xu hướng của sự thay đổi, chúng ta mới đưa ra những mô hình, những lựa chọn phù hợp với thực tiễn đang diễn ra tại Đà Lạt. Nếu coi Đà Lạt như một công ty hay một tổng công ty thì chính quyền Đà Lạt chính là Hội đồng Quản trị. Hội đồng Quản trị phải xây dựng năng lực quản trị và chọn mô hình phù hợp để quản trị sự thay đổi, đồng thời, đưa ra những chính sách phù hợp với các bên liên quan”, Thạc sĩ Huỳnh Hồ Đại Nghĩa chia sẻ.
Tất nhiên, lựa chọn cách để thích ứng với sự thay đổi đang diễn ra tại Đà Lạt còn là trách nhiệm của các bên liên quan, người dân và cả những người thụ hưởng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của mình, anh đã đưa ra cách tiếp cận cho Đà Lạt để quản trị sự thay đổi và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là mô hình ngôi sao 6 cánh (gồm chiến lược, cấu trúc, hệ thống, phong cách, người lao động, kỹ năng) và tâm điểm là giá trị chung (tổ chức). Các yếu tố này, chịu tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Theo Thạc sĩ Luật Kinh tế Nguyễn Thị Thùy Dương, chuyên viên tư vấn luật Công ty Luật TNHH ASL (TP Hồ Chí Minh), các vấn đề pháp lý cũng là một chủ đề “nóng”, cần phải lưu ý với những ai đang kinh doanh hoặc có ý định kinh doanh ở Đà Lạt. Bởi những hoạch định chính sách, pháp luật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người kinh doanh. Nắm vững các kiến thức pháp luật là một trong những yêu cầu trọng yếu trong chiến lược kinh doanh toàn cầu. Dưới góc nhìn của một chuyên gia về lĩnh vực Digital marketing và AI marketing, cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm trong quản lý vận hành dự án khu đô thị và các khuôn viên ngoại vi, Thạc sĩ chuyên ngành Bisiness Analyst & Digital Transfornation Nguyễn Văn Thiện Khiêm (TP Hồ Chí Minh) tâm sự: “Chúng ta có thể dựa vào những cảm biến để đo những phản ứng của du khách khi đến tham quan Đà Lạt. Trên cơ sở đó, các bên liên quan sẽ nhận thấy những xu hướng du lịch để xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch đáp ứng sự thay đổi trong thói quen du lịch của du khách”.
Theo anh Nguyễn Hiền, người sáng lập và điều hành Phố Bên Đồi, sự phát triển của Đà Lạt là tổng hòa những cố gắng từ phía các nhà hoạch định chính sách, cộng hưởng những nỗ lực của các nhà tổ chức, doanh nghiệp và rất nhiều cá nhân. Việc đưa ra những góc nhìn đa chiều, từ góc độ hoạch định chính sách, xây dựng pháp lý đến sử dụng AI marketing là cần thiết, vì nó giúp các bên liên quan có thêm ý tưởng, giải pháp để cùng chung tay vì sự phát triển của Đà Lạt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin