Có một thực tế là nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã ở Việt Nam hiện rất lớn. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự sinh tồn của các loài động vật này. Lâm Đồng là tỉnh miền núi, diện tích rừng lớn, là địa phương có nguồn động vật rừng đa dạng nên việc thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã gần đây được đặc biệt quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức.
Tuần tra quản lý, bảo vệ rừng Lộc Bắc |
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các huyện, thành phố quán triệt thực hiện “5 không”: Không săn bắt, không vận chuyển, không buôn bán, không nuôi nhốt, không sử dụng, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn góc từ động vật hoang dã.
Chính quyền và ngành chức năng cũng tăng cường quản lý, kiểm soát các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã; nghiêm cấm việc gây nuôi động vật hoang dã không rõ nguồn gốc hoặc có nguồn gốc săn bắt từ tự nhiên; tổ chức rà soát, kiểm tra các điều kiện về an toàn trại nuôi, vệ sinh môi trường, thú y tại các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn để phòng tránh dịch bệnh cho người, động vật và bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra các nhà hàng, quán ăn, các chợ, các địa điểm kinh doanh, trưng bày động vật hoang dã; kiểm soát tình trạng vận chuyển, buôn bán chim hoang dã di động bằng xe gắn máy trên các tuyến đường nội thị, khu vực chợ, đền, chùa và các điểm tham quan du lịch trên địa bàn.
Các hoạt động tăng cường tổ chức quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và động vật hoang dã nói riêng cũng được triển khai quyết liệt song song với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng. Trong đó công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tầm quan trọng của bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp.
Có thể thấy rằng, suốt thời gian dài qua, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng của các loài động vật, thực vật hoang dã ngoài tự nhiên là do việc săn bắt, buôn bán và tiêu thụ không bền vững các sản phẩm từ động vật hoang dã. Theo các chuyên gia, tình trạng săn bắt, giết hại, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh dịch từ động vật sang người.
Tại Lâm Đồng, Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, đơn vị thực hiện dự án là WWF phối hợp với Ban Quản lý Dự án VFBC Bidoup - Núi Bà và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng như Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức nhiều hoạt động phối hợp, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của động vật hoang dã và đa dạng sinh học; các hoạt động để tuyên truyền để giảm cầu tiêu thụ động vật hoang dã bằng cách tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kêu gọi người dân, các hộ kinh doanh khách sạn, nhà hàng… không buôn bán thịt động vật hoang dã, kêu gọi người dân thay đổi hành vi và quan niệm xã hội nhằm giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Đặc biệt, là các hoạt động thời gian gần đây như liên tục tổ chức hội thảo, tuyên truyền, toạ đàm trong học sinh, sinh viên, giới trẻ để nâng cao nhận thức và kêu gọi giới trẻ chung tay tham gia các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã; trong cộng đồng các dân tộc thiểu số sống gần rừng để ngăn chặn tình trạng săn bắt, giết hại động vật hoang dã; các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, các khách sạn, nhà hàng… để giảm cung, giảm cầu thịt động vật hoang dã. Các hoạt động này bước đầu cũng đã nhận được sự quan tâm và góp phần đáng kể vào việc nâng cao nhận thức của người dân và kêu gọi cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, lên án các hành vi buôn bán, giết hại, ăn thịt động vật hoang dã.
Ngành Kiểm lâm tỉnh và một số địa phương cũng có nhiều hoạt động cho thấy đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp về vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và nhiều trường hợp đã bị xử lý nghiêm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền và răn đe. Trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện các trường hợp người dân và cả các tổ chức kinh doanh du lịch tự nguyện giao nộp động vật hoang dã đang nuôi nhốt do chưa nhận thức đúng mà mua về, hay những trường hợp người dân cứu động vật hoang dã khỏi bị săn bắt…
Theo báo cáo của ngành Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xảy ra 44 vụ vi phạm đến động vật hoang dã, trong đó có 45 vụ phức tạp, nổi cộm. Cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm. Điều này cho thấy, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng công tác này vẫn còn cần phải quan tâm và nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là vẫn cần phải có một sự thay đổi mạnh mẽ quyết liệt, đặc biệt là trong hành vi của từng cá nhân mới có thể góp phần bảo vệ và duy trì ổn định quần thể động vật hoang dã.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin