Trả lại mặt nước cho hồ Vạn Kiếp Đà Lạt

THỤY TRANG 06:43, 13/10/2023

Bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích trong nhiều thập kỷ, vừa qua, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt đã có tờ trình đề nghị UBND TP Đà Lạt phê duyệt chủ trương phục hồi, trả lại mặt nước cho hồ Vạn Kiếp… 

 Một góc hồ Vạn Kiếp hiện hữu
Một góc hồ Vạn Kiếp hiện hữu
CÓ TÊN NHƯNG “KHÔNG HỒN”… 

Nằm trong chuỗi hồ nhân tạo làm nên phần “hồn” của phố núi Đà Lạt, nhưng sau nhiều thập kỷ khai thác sử dụng, cùng với sự thờ ơ, lãng quên của con người và các yếu tố lịch sử, hồ Vạn Kiếp đã biến mất hoàn toàn do bị bồi lắng, bị người dân chiếm dụng lập vườn trồng rau, hoa và xây nhà ở trái quy định. 

Công trình hồ chứa nước này nằm trên địa giới hành chính hai Phường 7 và 8, TP Đà Lạt, liền kề với khu cư xá Decoux, được hình thành vào đầu thập niên 1940 của thế kỷ trước. Theo các vị cao niên ở đây, ban đầu hồ không có tên riêng, đến đầu thập niên 1950, được đặt tên là Đa Thành, sau đó đổi thành hồ Vạn Kiếp. Còn theo Địa chí Đà Lạt (Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh 2008), hồ Vạn Kiếp có diện tích mặt nước 3 ha, lưu vực rộng 2 km2. Đây là 1/16 hồ nước nhân tạo của TP Đà Lạt cung cấp nước tưới cho cây trồng vào mùa khô, tiêu lũ vào mùa mưa và góp phần điều hòa khí hậu tiểu vùng. Vậy nhưng, trong nhiều thập niên qua, hồ bị xâm lấn, bồi lấp, đến nay chỉ còn lại cái tên mà “không có hồn”…

Ông Trần Vinh (67 tuổi, cựu học sinh Trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt, nay là Trường Đại học Yersin Đà Lạt), không nhớ chính xác hồ Vạn Kiếp hình thành từ năm nào, nhưng cho biết, trước năm 1975, thời còn đi học ở trường này, nhóm bạn của ông thường rủ nhau bơi lội ở đây. Lúc đó nước hồ trong vắt, phong cảnh rất hữu tình. Cũng theo ông Vinh, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hồ nước vẫn còn trong xanh, đến năm 1990, hồ Vạn Kiếp mới bị bồi lắng, bao chiếm. 

Đỉnh điểm, tháng 11/2014, bản thân tác giả cùng với một số đồng nghiệp là phóng viên các báo thường trú tại TP Đà Lạt - Lâm Đồng đã tận mặt chứng kiến một số hộ dân tại đường Tôn Thất Tùng (Phường 8, TP Đà Lạt), cho chở đất lấp hồ Vạn Kiếp để phân lô đất nền, lập vườn trồng rau, hoa; dựng nhà không phép. Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã không ít lần xử lý, buộc khôi phục lại nguyên trạng ban đầu, nhưng do nhiều yếu tố, hồ Vạn Kiếp sau đó đã biến mất hoàn toàn. 

Theo bản đồ quy hoạch phân khu B4 khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Thánh Mẫu - Vạn Kiếp, diện tích mặt nước hồ Vạn Kiếp là 12,43 ha. Trong đó, diện tích lòng hồ thuộc địa giới hành chính Phường 8 là 4 ha, Phường 7 là 8,43 ha. Đến nay, vẫn chưa thống kê được hết diện tích nhà kính, nhưng qua kiểm tra sơ bộ cho thấy đã có tới 90 hộ làm nhà trong lòng hồ Vạn Kiếp, trong đó Phường 8 có 40 hộ và Phường 7 khoảng 50 hộ.

KHÔI PHỤC, NÂNG CẤP HỒ VẠN KIẾP

Ngày 18/9/2023, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt đã có tờ trình đề nghị UBND TP Đà Lạt thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Sửa chữa, nâng cấp, khôi phục hồ Vạn Kiếp, với tổng vốn đầu tư hơn 282 tỷ đồng. 

Theo Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt, phố núi có nhiều suối, hồ là yếu tố cảnh quan tự nhiên quan trọng, trong đó hồ chứa nước Vạn Kiếp thượng nguồn suối Cam Ly là một trong những công trình quan trọng của khu vực nội ô TP Đà Lạt. 

Công trình chứa nước hồ Vạn Kiếp có nhiệm vụ chính là cắt giảm lũ, chống ngập lụt cho TP Đà Lạt, hiện nay, lòng hồ đã bị bồi lấp hoàn toàn. Theo quy hoạch thủy lợi TP Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 3834/QĐ-UB, ngày 30/12/2005, xác định mục tiêu đầu tư khôi phục hồ Vạn Kiếp ngoài nhiệm vụ tạo cảnh quan và bảo đảm môi trường tại khu vực, đồng thời, là công trình đầu nguồn của suối Phan Đình Phùng mùa mưa làm nhiệm vụ điều tiết, cắt giảm lũ cho nội ô TP Đà Lạt, về mùa khô xả nước lưu lượng 1.000 m3/ngày về suối Phan Đình Phùng. Lưu lượng xả hồ Vạn Kiếp cùng hồ Chiến Thắng, hồ Xuân Hương với tổng lượng 6.000 m3/ngày để giữ vệ sinh môi trường khu trung tâm thành phố.

Để từng bước chỉnh trang đô thị, việc đầu tư xây dựng Dự án Sửa chữa, nâng cấp, khôi phục hồ Vạn Kiếp là hết sức cần thiết. Mục tiêu khôi phục lại lòng hồ để điều tiết, cắt giảm lũ cho nội ô TP Đà Lạt, chống ô nhiễm, tạo cảnh quan môi trường, du lịch sinh thái và xả rửa môi trường nước hệ thống suối Phan Đình Phùng - Cam Ly. Quy mô đầu tư của dự án được chia làm 2 phần, trong đó phần giải phóng mặt bằng (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên 121 tỷ đồng), phần còn lại đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình, trong đó các hạng mục chính là nạo vét lòng hồ khoảng 5,4 ha, với dung tích chứa của hồ 189.000 m3; diện tích lưu vực 1,73 km2… Dự án cũng sẽ xây dựng hệ thống đường bê tông giao thông nội bộ quanh hồ rộng 3,5 m là chỉ giới công trình để chống lấn chiếm lòng hồ. 

Dự kiến, thời gian thực hiện Dự án Sửa chữa, nâng cấp, khôi phục hồ Vạn Kiếp trong vòng 5 năm. Khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập úng, chống ô nhiễm, tạo cảnh quan đô thị thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, góp phần đưa du lịch TP Đà Lạt trở thành ngành kinh tế động lực dựa trên thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên.