(LĐ online) - Hàng chục hộ dân sinh sống tại Thôn 7 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) đang bị ảnh hưởng vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
Nguồn nước giếng sinh hoạt của người dân tại Thôn 7 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) đang bị ô nhiễm |
Từ phản ánh của người dân sinh sống tại Thôn 7 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), qua ghi nhận thực tế cho thấy, nguồn nước sinh hoạt từ giếng đào, giếng khoan của bà con bơm lên đang bị đục không thể sử dụng.
Bà Phan Thị Hướng (ngụ Thôn 7, xã Lộc Ngãi), lo lắng: “Giếng khoan của gia đình tôi sâu hơn 40 mét. Nhiều năm qua, gia đình sử dụng nguồn nước này để ăn uống, sinh hoạt. Thế nhưng, gần 1 năm nay, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, không thể sử dụng. Nguồn nước ô nhiễm đang khiến cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn”.
Tương tự là trường hợp của gia đình bà Phan Thị Nhuệ, khi nguồn nước gia đình bà bơm từ giếng đào sâu hơn 20 mét lên bể chứa bị vẩn đục, không thể sử dụng. Để có nguồn nước tắm rửa, giặt giũ, gia đình bà Nhuệ phải đi chở nước từ giếng khoan cách nhà hơn 500 mét. Còn nước uống thì gia đình phải mua nước bình về sử dụng.
Ông Bế Văn Thắng – Trưởng Thôn 7 (xã Lộc Ngãi), cho biết: “Toàn Thôn 7 có 280 hộ dân, với 1.200 nhân khẩu. Từ trước đến nay, nguồn nước sinh hoạt của bà con đều dựa vào giếng đào và giếng khoan. Thế nhưng, gần 1 năm qua, nguồn nước giếng của hàng chục hộ dân trong thôn bị chuyển màu. Đến nay, đang có hơn 80 hộ dân bị ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Nguồn nước giếng của bà con đều xuất hiện màu vàng, pha lẫn bùn đất nên không thể sử dụng. Vì vậy, người dân trong thôn rất cần sự quan tâm, can thiệp kịp thời của chính quyền, cơ quan chức năng để có được nguồn nước sinh hoạt an toàn sử dụng lâu dài đảm bảo sức khỏe cho bà con”.
Cũng theo ông Thắng, để khắc phục tình trạng nguồn nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm do hoạt động khai thác bauxite gây ra, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã đầu tư khoan 2 giếng khoan (mỗi giếng sâu 100 mét) cung cấp nguồn nước cho bà con; đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ dân nơi đây 8 triệu đồng mua bồn lọc nước. Tuy nhiên, đến hiện tại, 1 trong 2 giếng khoan cũng xuất hiện màu vàng không thể sử dụng. Giếng khoan còn lại thì bị quá tải không đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện tại, Công ty Nhôm Lâm Đồng đang tiếp tục khoan thêm 1 giếng để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Một trong 2 giếng khoan do Công ty Nhôm Lâm Đồng khoan sâu 100 mét để cung cấp nước cho người dân |
Ông Trương Hoài Minh – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: Tình trạng nguồn nước sinh hoạt của người dân Thôn 7 (xã Lộc Ngãi) bị ô nhiễm do tác động của việc khai thác quặng bauxite đã được địa phương quan tâm chỉ đạo khắc phục. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với Công ty Nhôm Lâm Đồng tiến hành nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho bà con như khoan giếng, hỗ trợ người dân mua bồn lọc nước. Trước những phản ánh của người dân về nguồn nước đang bị ô nhiễm, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục kiểm tra. Tới đây, huyện sẽ làm việc với Công ty Nhôm Lâm Đồng để bàn giải pháp lâu dài nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho bà con.
Theo Công ty Nhôm Lâm Đồng, khu vực khai thác quặng bauxite tại xã Lộc Ngãi giai đoạn 2 (2020 - 2024) có tổng diện tích 320 ha. Đến hiện tại, Công ty đã được bàn giao diện tích đã bồi thường, giải phóng mặt bằng là 257 ha và đã triển khai khai thác gần xong toàn bộ diện tích này, hiện chỉ còn khoảng 0,8 ha đang tiến hành khai thác. Trong quá trình khai thác quặng tại khu vực này thì có tình trạng nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân xung quanh bị đục, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương để tìm nguyên nhân.
Theo đó, trong đợt mùa mưa năm 2021, Công ty Nhôm khai thác quặng tại tiếp giáp với khu vực dân cư sống dọc tuyến đường Thôn 7. Do có sự chênh lệch độ cao giữa vị trí tại điểm khai thác với khu vực nhà dân nên khi có mưa, nước mặt tại phần đã bóc phủ thực bì đổ dồn đọng lại vị trí đã khai thác tạo thành hố chứa nước, ngấm xuống lòng đất thông qua tầng mạch nước ngầm làm một số giếng của nhà dân bị đục, màu vàng đỏ nhạt không thể sinh hoạt hàng ngày được.
Tính đến nay, Công ty đã triển khai nhiều biện biện pháp khắc phục và hỗ trợ người dân. Toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân/tổ chức tiếp giáp khu vực khai thác mỏ bị đục nước đã được Công ty hỗ trợ kinh phí mua hệ thống xử lý lọc nước theo đúng cam kết với 80 trường hợp (78 hộ dân, 2 trường học), số tiền là 640 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm 2022, Công ty đã hỗ trợ kinh phí cho xã Lộc Ngãi khoan 2 giếng mới, lắp đặt hệ thống dẫn nước từ 2 giếng khoan đến toàn bộ các hộ dân nêu trên với số tiền là hơn 1 tỷ đồng. Tổng số tiền mà Công ty đã hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân/tổ chức thuộc Thôn 7 (xóm 2, 3) liên quan đến đảm bảo nguồn nước sinh hoạt là 1,647 tỷ đồng.
Theo đại diện Công ty Nhôm Lâm Đồng, với diện tích còn lại chưa đến 1 ha thì chỉ trong khoảng 1 tuần là Công ty sẽ hoàn tất việc khai thác tại khu vực này. Hiện tại, Công ty vẫn đang tiến hành gửi mẫu nước của giếng khoan số 3 đi kiểm định, khi đã đảm bảo tiêu chuẩn thì sẽ bàn giao để người dân trong khu vực có đủ nguồn nước sinh hoạt.
Trước đó, vào tháng 6/2021, khi xuất hiện tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị đục, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã đề nghị Nhà máy nước Bảo Lâm khảo sát để lắp đặt và cung cấp nước máy sinh hoạt cho người dân tại khu vực này. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thì Nhà máy nước Bảo Lâm trả lời do từ Nhà máy nước tới khu vực Thôn 7 (xã Lộc Ngãi) có chiều dài khoảng 5km với số hộ đấu nối khoảng 200; đồng thời, điểm đấu nối ở vị trí bất lợi, chênh lệnh địa hình 30m chiều cao, do đó, không đủ khả năng cấp nước. Chính vì vậy, phương án tối ưu nhất hiện nay vẫn là khoan giếng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Về lâu dài, Công ty vẫn đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để có các giải pháp đảm bảo an toàn về nguồn nước cho người dân tại đây.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 5/10 vừa qua, tại buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội với cử tri xã Lộc Ngãi, đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến nguồn nước sinh hoạt tại Thôn 7 bị ô nhiễm. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Bảo Lâm nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Từ đó, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và Công ty Nhôm Lâm Đồng giải quyết thấu đáo các ý kiến, kiến nghị liên quan đến nguồn nước sinh hoạt cho bà con.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin