Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Tây Nguyên, có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội đa dạng, trong đó nông nghiệp và du lịch là hai lĩnh vực mũi nhọn. Tuy nhiên, trong những năm qua, Lâm Đồng gặp phải một số hạn chế về hạ tầng giao thông, gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đèo Prenn vừa được nâng cấp, mở rộng |
Nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đầu tư, nâng cấp và phát triển kết cấu hệ thống giao thông nhằm tăng tính kết nối nội tỉnh lẫn ngoại tỉnh. Các giải pháp này những năm gần đây đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần giải quyết các “điểm nghẽn” giao thông và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Qua đó, Lâm Đồng đã đề ra những chính sách và dành nguồn lực lớn để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, từ giao thông đối nội đến giao thông đối ngoại. Các tuyến quốc lộ được quan tâm kiến nghị để nâng cấp, bảo trì. Đặc biệt là tỉnh lộ kết nối với các tỉnh, thành lân cận đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng. Một số dự án trọng điểm đã được triển khai như: Cải tạo nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa nhằm cải thiện chất lượng và tăng cường an toàn giao thông; cải tạo và nâng cấp một số công trình trên Quốc lộ 20; nâng cấp mở rộng đèo Prenn; xây dựng đường ĐT.722...
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng với sự tham gia hiến đất của người dân. Ảnh: H.Sa |
Bên cạnh đó, tỉnh còn tập trung nguồn lực rất lớn, huy động sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân và các doanh nghiệp vào phát triển hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn. Từ đó, giao thông nông thôn trên địa bàn Lâm Đồng đã có những cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nông nghiệp, giao thương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Ngoài đường bộ, Lâm Đồng cũng đang tập trung vào phát triển hạ tầng vận tải đường sắt và hàng không. Từ năm 2022, tỉnh đã thúc đẩy triển khai dự án xây dựng đường sắt để mở thêm cơ hội vận chuyển hàng hóa và du khách nhanh chóng và tiện lợi hơn. Đồng thời, sân bay Liên Khương cũng đã và đang được tiếp tục nâng cấp và mở rộng để đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch và giao thương quốc tế, xây dựng Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng tăng cường đầu tư vào việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng nội tỉnh. Các dự án xây dựng đường sá và cơ sở vật chất mới cũng đã được triển khai. Nhiều tuyến đường vành đai kết nối đô thị, hoá giải tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, đồng thời mở thêm cơ hội kết nối giữa các khu dân cư ở các thành phố lớn của tỉnh cũng được quan tâm đầu tư. Có thể thấy rõ rằng, các trục đường hiện nay ở Bảo Lộc, Đà Lạt và các địa phương khác khá đa dạng, tăng tính kết nối và đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân di chuyển, thông thương.
Lâm Đồng thời gian qua cũng đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Chính quyền tỉnh đã thực hiện việc rút ngắn thời gian cấp phép, giảm thủ tục hành chính và tăng cường tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực giao thông.
Các nỗ lực này của tỉnh Lâm Đồng đã không chỉ giúp giải quyết những “điểm nghẽn” giao thông mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và du lịch của tỉnh. Với hệ thống giao thông ngày càng hiện đại và tiện ích, việc kết nối giữa các huyện, thành trong nội tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh, thành khác trong cả nước đã trở nên dễ dàng hơn, thu hút đầu tư và khách du lịch, tạo đà cho sự phát triển bền vững và đa dạng hóa nền kinh tế của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin