Nước sạch cho người dân nông thôn nâng cao chất lượng cuộc sống

QUỲNH UYỂN 06:22, 19/12/2023

Nước là sự sống. Nguồn nước sinh hoạt tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Sau 25 năm, kể từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai (1998), từ chỗ chỉ có khoảng 31% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 96,15% hộ dân nông thôn tương đương với 201.965/210.056 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. 

Công trình nước sạch sẽ đảm bảo cho các nhu cầu sinh hoạt của gia đình, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Ảnh: Chính Thành
Công trình nước sạch sẽ đảm bảo cho các nhu cầu sinh hoạt của gia đình, đặc biệt các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Ảnh: Chính Thành

Từ nhiều năm qua, việc đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhiều dự án công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được ưu tiên đầu tư cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhiều chương trình, dự án cấp nước theo Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 134, 135; Chương trình Cấp nước nông thôn từ vốn vay Ngân hàng Thế giới; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, chương trình chống hạn; các nhà máy nước thành thị mở rộng đầu tư đấu nối sang khu vực nông thôn lân cận quanh các thị trấn. Thực hiện chính sách xã hội hóa cấp nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn như: Nhà máy Nước Ghềnh Đá (Cát Tiên), Nhà máy Nước Đạ R’sal, nhà máy nước do tư nhân đầu tư, các công trình nhỏ lẻ (giếng đào, giếng khoan) do người dân tự đầu tư... 

Theo đó, đã có 37.708 hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn nước máy (chiếm 17,95%); trong đó 18.558 hộ sử dụng nước sinh hoạt từ 277 công trình cấp nước (216 giếng khoan, 61 công trình cấp nước tự chảy), chiếm 8,83%; ngoài ra, còn có 18 xã đã đấu nối với các nhà máy cấp nước đô thị theo Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” và 3 nhà máy do doanh nghiệp đầu tư cấp nước cho khoảng 30.800 hộ dân. Có thể thấy, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng đem lại hiệu quả thiết thực, tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong sinh hoạt. 

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng lấy mẫu nước sinh hoạt của người dân 
phục vụ công tác kiểm định
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng lấy mẫu nước sinh hoạt của người dân phục vụ công tác kiểm định

Trong 277 công trình cấp nước tập trung nông thôn, có 7 công trình hoạt động bền vững, 91 công trình hoạt động tương đối bền vững, 75 công trình hoạt động kém bền vững, 104 công trình không hoạt động (87 giếng khoan, 17 công trình nước tự chảy). Hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước nông thôn tập trung mới chỉ đạt 63,32% công suất thiết kế (18.558 /28.727 hộ theo thiết kế); hiệu quả sử dụng và mức độ bền vững không cao. 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới công trình bị hư hỏng, hiệu quả sử dụng thấp, không hoạt động là do: công trình được đầu tư từ nhiều năm, thiếu đồng bộ, xuống cấp, nguồn nước suy giảm, mực nước ngầm hạ thấp, một số công trình đã ngưng hoạt động nhiều năm liên tục không còn khả năng phục hồi; do công tác quản lý vận hành, không thu tiền sử dụng nước, thu không đủ bù chi (hiện có 201 công trình thu không đủ bù chi) dẫn đến không có kinh phí chi trả tiền điện, sửa chữa nhỏ và thay thế máy bơm bị hư hỏng. Một số công trình được giao về UBND cấp xã, tổ cộng đồng quản lý mới chỉ dừng lại ở việc giao công trình, chưa xây dựng phương án quản lý, vận hành cho từng công trình dẫn đến khi công trình bị hư hỏng không được sửa chữa kịp thời; đội ngũ quản lý chưa được chi trả tiền công hợp lý nên trách nhiệm chưa cao. Hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn nông thôn của tỉnh hiện nay nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên ý thức sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước còn nhiều hạn chế. Đây cũng là những khu vực đầu nguồn, có địa hình phức tạp, thường xuyên bị tác động bởi thiên nhiên, công tác vận hành chưa tốt nên nhanh bị hư hỏng, xuống cấp.

Hiện nay, đã có 69 công trình được khắc phục, sửa chữa, nâng cấp. Còn lại 86 công trình chưa được khắc phục, sửa chữa, nâng cấp; nguyên nhân chủ yếu do nguồn nước suy giảm, kinh phí có hạn nên chỉ sửa chữa nhỏ để duy trì hoạt động.

Để nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước tập trung nông thôn, theo ông Nguyễn Thành Nam (Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng) thì cần điều chỉnh cơ chế chính sách, cơ cấu đầu tư các công trình; tiến hành kiểm tra, rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cấp nước nông thôn phù hợp với đời sống. Trong đó, ưu tiên các giải pháp: Phục hồi, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung sẵn có; xây dựng các nhà máy cấp nước liên khu vực có công suất lớn trên 500 m3/ngày đêm để thuận tiện cho việc kiểm soát chất lượng nước, thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành, lấy nước từ các công trình hồ chứa thủy lợi đảm bảo tính ổn định về trữ lượng và chất lượng nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Hạn chế xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ, các công trình cấp nước tập trung có quy mô dưới 50 m3/ngày đêm. Đối với những vùng dân cư phân tán, không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước tập trung và có điều kiện đặc biệt khó khăn về nguồn nước nên hỗ trợ người dân mua sắm thiết bị hoặc xây dựng bể chứa nước quy mô hộ gia đình, tích trữ nước trong mùa mưa để sử dụng vào mục đích ăn uống trong mùa khô, kết hợp với mô hình thủy lợi, ao, hồ nhỏ để chủ động nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Khuyến khích người dân nông thôn tự mua sắm các thiết bị lọc để xử lý nguồn nước đảm bảo sức khỏe. Thay đổi nhận thức của người dân về thói quen dùng nước và ý nghĩa của nước sạch đối với chất lượng cuộc sống. Hoàn thiện các chính sách để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân trong đầu tư xây dựng, quản lý công trình cấp nước cho người dân nông thôn.