Để làm tốt công tác chống hạn, các cơ quan chuyên môn huyện Đạ Tẻh chủ động tham mưu cho các cấp chính quyền kịp thời điều hành ứng phó với diễn biến của hạn hán; hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất sát với tình hình thực tế, sản xuất đúng lịch thời vụ.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế khả năng tưới tiêu của hệ thống kênh, mương, hồ Đạ Tẻh |
Theo UBND huyện Đạ Tẻh, năm 2024, dự báo tình hình hạn hán trên địa bàn sẽ diễn biến phức tạp. Tuy mực nước các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện đến thời điểm cuối tháng 11/2023 đã tích đến mực nước thiết kế nhưng tình hình thời tiết năm 2024 được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, mực nước các hồ chứa lớn trên địa bàn như Đạ Hàm, Tố Lan, Thạch Thất sẽ sớm cạn kiệt, nhiều khả năng không đủ nước tưới cho vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2024.
Mặt khác, tuy hồ chứa nước Đạ Tẻh đã được nâng cấp, kho nước có thể bảo đảm phục vụ diện tích tưới của công trình, nhưng đơn vị khai thác cần tăng cường điều tiết nước tưới trên các tuyến kênh để phục vụ sản xuất, đặc biệt, quan tâm đến diện tích tưới khu vực cuối các tuyến kênh; trong đó, kênh ĐN20 xã Triệu Hải (50 ha), ĐN12 xã Quảng Trị (40 ha), ĐN9A xã Quảng Trị (50 ha), ĐN8, ĐN6-6, ĐN6-1 xã Mỹ Đức (90 ha), kênh NN8-1, NN8-12-4 thị trấn Đạ Tẻh (35 ha), kênh dẫn nước từ cuối kênh Nam tưới cho khu vực Thôn 1, xã An Nhơn (40 ha). Diện tích dự báo ước tính bị ảnh hưởng do hạn hán gây ra tại khu vực này sẽ khoảng 305 ha.
Đặc biệt, tại các khu vực không có công trình thuỷ lợi như thôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal với 950 ha, chủ yếu diện tích chè, cà phê, cây ăn quả; cánh đồng lúa Đạ Lây 200 ha; Tiểu khu 538, xã Quốc Oai khoảng 100 ha cà phê, cây ăn quả dưới tán rừng; đồi đất đỏ Thôn 8, xã Mỹ Đức với 80 ha cây ăn quả dự báo sẽ bị hạn do thiếu nguồn nước để bơm tưới. Như vậy, tổng diện tích dự báo ước tính bị ảnh hưởng tại các khu vực này khoảng 1.300 ha. Ngoài ra, hiện thời tiết trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã bắt đầu bước vào cao điểm của mùa khô, hàng ngàn ha trồng dâu phục vụ nuôi tằm của người dân rất cần được tưới thường xuyên, bổ sung nguồn nước.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, để chủ động công tác phòng, chống hạn trên cây trồng, vật nuôi trong mùa khô 2024, đơn vị đã chỉ đạo cho các đơn vị triển khai sớm các phương án ứng phó với hạn hán hiệu quả, tiết kiệm. Trong đó, chú trọng điều tiết, trữ nước; thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế trên địa bàn huyện.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện có kế hoạch điều chỉnh mùa vụ, cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nước trong mùa khô. Ưu tiên nguồn nước sinh hoạt phục vụ Nhân dân, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo Nhân dân không sản xuất các loại cây trồng chịu hạn thấp ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và trồng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao; sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Cụ thể, quyết liệt thực hiện chỉ đạo, tuyên truyền Nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa cả năm sang 2 vụ lúa và 1 vụ bắp hoặc rau màu trên diện tích khoảng 1.100 ha; trong đó, diện tích sản xuất theo mô hình 2 lúa + bắp vụ Đông Xuân 2023 - 2024 phải đạt 800 ha.
Đặc biệt, các đơn vị chức năng phải thực hiện việc điều tiết nước tưới từ công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất theo đúng lịch đã được UBND huyện ban hành theo Kế hoạch 195/KH-UBND của UBND huyện về tổ chức sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, vụ Hè Thu, vụ Mùa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2024. Thực hiện triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán gắn với mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của người dân trong quản lý thiên tai. Đơn vị, địa phương, cá nhân để xảy ra thất thoát nguồn nước thuỷ lợi, nước sinh hoạt, sử dụng nguồn nước lãng phí hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác điều tiết nước gây thiệt hại trong sản xuất, thì lãnh đạo đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn huyện cũng đã tiến hành sửa chữa kịp thời các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng; nạo vét các tuyến kênh mương, các khe rạch để dẫn nước tưới. Trung tâm Nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp che, phủ gốc, bơm tưới đối với cây công nghiệp; tận dụng tối đa các nguồn nước có sẵn từ khe rạch, đào hồ, ao dự trữ nước tưới. Về nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của Nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện quản lý và khai thác hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn đã được giao quản lý; phân công trách nhiệm cụ thể cho viên chức của đơn vị trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả các công trình; kịp thời sửa chữa các hư hỏng nhỏ, hạn chế tối đa việc gián đoạn cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân; xây dựng quy trình vận hành, quy chế phối hợp trong công tác quản lý cho từng công trình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin