Ba thế hệ gắn với dòng ánh sáng

DIỆP QUỲNH 02:54, 03/01/2024

Cầu Đất, Xuân Trường, Trạm Hành, vùng đất với những đồi chè, vườn hồng bát ngát, nơi ấy, những người công nhân ngành điện đang gắn bó mỗi ngày với ánh sáng. Và, có một gia đình rất đặc biệt của Điện lực Đà Lạt, nơi ông, cha, con nối tiếp nhau gắn bó với nghề.

Anh Chính (bìa trái) và 2 vợ chồng con gái Thuỳ Diễm - Doãn Tân
Anh Chính (bìa trái) và 2 vợ chồng con gái Thuỳ Diễm - Doãn Tân

Anh Đặng Văn Chính là người gốc Xuân Trường, Đà Lạt. Năm 1987, anh Chính tốt nghiệp trường điện và trở thành công nhân của tổ điện Cầu Đất. Với anh Chính, việc trở thành người công nhân ngành điện vô cùng đơn giản, dễ dàng. Bởi, anh nối nghiệp cha anh, một người thợ điện thuộc lớp đầu tiên của ngành điện Lâm Đồng, đó là cụ Đặng Văn Tâm.

Ông Nguyễn Nho Chí Quang, thôn Trường Xuân 1, xã Xuân Trường vẫn còn nhớ cụ Đặng Văn Tâm. Ông Quang kể lại, khi ông còn bé, những năm 1960, mỗi khi nhà hỏng điện, mọi người đều chờ cụ Tâm đến sửa chữa. Cụ Tâm là người thợ điện của ngành điện khi ấy, quản lý nguyên vùng Xuân Trường, Trạm Hành. Vùng đất thủ phủ cây chè, cà phê Arabica còn ghi dấu người thợ cao niên. 

Và tới năm 1987, anh Đặng Văn Chính trở thành thợ điện, nối nghiệp người cha ngay trên mảnh đất quê hương. Anh Chính kể, cha tôi là thợ điện công tác tại tổ điện Cầu Đất, đến tôi cũng vào làm việc tại tổ điện Cầu Đất. Từ năm 1987 đến nay, anh Chính đã gắn bó với ngành điện 36 năm. Và thế hệ thứ 3 trong gia đình anh, cô con gái Đặng Thị Thuỳ Diễm đã nối tiếp ông nội và người cha, trở thành cán bộ quản lý khách hàng tại tổ điện Cầu Đất từ năm 2014. Vậy là 3 thế hệ trong một gia đình, ông - cha - con gái đã gắn bó với địa chỉ thân thuộc ấy.

Anh Đặng Văn Chính chia sẻ, là con trong một gia đình có cha là thợ điện của ngành điện Đà Lạt khi ấy, anh đã gắn bó suốt đời mình với dòng ánh sáng trên mảnh đất ven đô. Anh bảo, thời cha anh còn trẻ, còn công tác, vùng Xuân Trường, Trạm Hành đã có điện. Nhưng chỉ có điện ngay vùng trung tâm xã, dọc theo con quốc lộ. Những bóng đèn sợi đốt đỏ quạch trong đêm, mang lại chút ánh sáng nhạt nhoà. Khi ấy, đèn điện là ưu tiên cho những gia đình sống khu chợ, khu ven lộ. Công việc của cha anh rất vất vả vì lưới điện cũ nát, thường xuyên phải sửa chữa, bảo dưỡng. Các gia đình thường xuyên gọi “ông Tâm thợ điện” vì máy móc sử dụng điện trong nhà đã cũ thường xuyên hỏng hóc. Cũng vì vậy, anh quyết theo học trường điện lực và về nối nghiệp cha, tiếp tục công việc giữ gìn nguồn sáng ngay trên mảnh đất quê. 

“Ngành điện thay đổi mỗi ngày, cũng như sự thay đổi của mảnh đất Xuân Trường, Trạm Hành. Đời sống thay đổi theo từng luồng điện sáng” - người thợ điện Đặng Văn Chính tâm sự. Trước đây, chỉ những nhà ven chợ, ngay khu trung tâm mới có điện. Nhiều cụm dân cư xa xa tự kéo cột về, mắc điện để sử dụng. Đường dây xa, không đạt chuẩn, nguồn điện đến với các gia đình vừa đắt, vừa kém chất lượng, hay hư hỏng. Tới năm 1990, thôn Đất Làng có điện lưới, các thôn Trạm Hành 1, Trạm Hành 2, Trạm Hành 4, tới năm 1995 mới có điện lưới về thôn. Nhiều xóm xa hơn, sâu hơn, thưa dân cư mãi tới những năm 2000 mới được phủ kín điện lưới quốc gia. “Cha tôi đã mất năm 2004, ở tuổi 78. Rất tiếc vì ông đã không kịp thấy sự thay đổi của ngành điện cũng như đời sống của bà con Xuân Trường. Trước đây, khi điện hỏng là phải có người chạy lên tổ điện báo, ông cụ và các chú, các bác đồng nghiệp chạy xuống sửa chữa. Nay thì hầu như đều quản lý trên hệ thống, đường dây có hư hỏng là chúng tôi nhận được tín hiệu ngay. Ở các hộ dân, có hư hỏng cũng chỉ cần 1 cuộc điện thoại, vài phút sau là công nhân điện có mặt. Trước đây tưới cà phê phải dùng máy nổ, giờ bà con chuyển sang dùng điện, vừa tiết kiệm lại sạch sẽ, hiệu quả”, anh Chính tâm tình. Sự thay đổi của đời sống, sự thay đổi của ngành điện cũng là niềm tự hào của các thế hệ trong gia đình anh. Cô con gái Thuỳ Diễm hiện đang làm công tác quản lý, dịch vụ khách hàng hoàn toàn bằng hệ thống máy tính, rất hiện đại và chính xác nếu so với thời ghi sổ, chép tay của ông nội và cha cô. Và chồng cô cũng là một người thợ điện tại tổ điện Cầu Đất, anh Nguyễn Doãn Tân. 

Điều xuyên suốt các thế hệ trong gia đình anh Chính là sự quen thuộc với khách hàng. Đều là con em của vùng Xuân Trường - Trạm Hành, anh Chính gần như quen hết gần 5 ngàn khách hàng do tổ quản lý. Chỉ cần nhận điện thoại, anh đã hình dung ra ngay đó là địa chỉ nào, xóm Đình hay khu suối. Anh gắn bó với khách hàng bằng tinh thần của người thợ điện, bằng sự gắn bó của người con Xuân Trường với làng xóm, bằng sự tự hào về nghề nghiệp đã gắn bó với 3 thế hệ trong gia đình anh.