Những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đạ Tẻh đã chủ động liên hệ với các công ty trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu nhu cầu và lựa chọn những nghề mà thị trường đang thiếu, đào tạo học viên trên cơ sở hướng nghiệp và đăng ký theo nguyện vọng, sở thích với đa dạng nghề khác nhau.
Đào tạo nghề may công nghiệp cho học viên |
Xác định đào tạo nghề nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, UBND huyện Đạ Tẻh đã ban hành Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2020-2025 từ huyện đến cơ sở và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Theo đó, xuất phát từ thực tế, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trong huyện Đạ Tẻh đã phối với Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức các lớp dạy nghề, phù hợp với nhu cầu thực hiện cho người dân.
Anh Phạm Văn Toàn - Tổ trưởng Tổ đào tạo nghề, hướng nghiệp Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đạ Tẻh cho biết, trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các xã, thị trấn trong việc khảo sát nhu cầu học nghề của người dân và tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia học nghề.
Cụ thể, đơn vị đã cùng Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Đạ Tẻh tổ chức đào tạo nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 1 lớp chế biến món ăn với 25 học viên tham gia, sửa chữa và lắp đặt thiết bị điện 1 lớp với 21 học viên, may công nghiệp 1 lớp với 30 học viên, sản xuất chế biến đồ mỹ nghệ 2 lớp với 41 học viên, trồng dâu, nuôi tằm 1 lớp với 31 học viên và chăn nuôi gia cầm 1 lớp với 22 học viên. Đồng thời, mở 1 lớp may công nghiệp với sự tham gia của 26 học viên theo chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn huyện Đạ Tẻh năm 2023.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh tổ chức đào tạo nghề theo Kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Qua đó, đơn vị đã mở được 3 lớp trồng cây ăn quả lâu năm (sầu riêng) với 67 học viên tham gia, trồng dâu, nuôi tằm 1 lớp với 24 học viên.
Theo anh Phạm Văn Toàn, với đặc thù là một huyện thuần nông, do đó đối với địa phương, vấn đề tạo việc làm cho lao động nông thôn thông qua việc mở các lớp đào tạo nghề, khôi phục, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, du nhập nghề mới luôn được địa phương quan tâm thực hiện, qua đó góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định cho lao động.
Nhìn chung, các ngành nghề đào tạo tại huyện Đạ Tẻh trong những năm qua đã cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động tại địa phương. Số lượng lao động qua đào tạo nghề tăng dần, phần lớn lao động sau khi đào tạo nghề đều tự tìm việc làm và đã biết phát huy, vận dụng kỹ thuật vào sản xuất, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của gia đình. Các lớp đào tạo nghề đã kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành tại chỗ, bảo đảm cho học viên thành thạo các kỹ năng, qua đó thu hút các học viên tham gia. Sau khóa học, học viên được cấp chứng chỉ nghề để có điều kiện tìm kiếm việc làm và có mức lương ổn định hơn khi có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật.
Minh chứng dễ thấy nhất là qua các lớp về trồng và chăm sóc cây ăn quả lâu năm (sầu riêng), trồng dâu, nuôi tằm, nông dân huyện Đạ Tẻh đã kịp thời áp dụng vào đời sống sản xuất. Theo số liệu thống kê, hiện địa phương đang có khoảng 1.700 ha sầu riêng; trong đó, diện tích đang bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định từ năm thứ 6 trở lên là 900 ha, tổng sản lượng dự kiến hơn 20.000 tấn. Trong khi đó, diện tích dâu tằm toàn huyện Đạ Tẻh hiện có hơn 1.522,32 ha; trong đó, 97% sử dụng giống dâu S7-CB, TBL-03, năng suất lá dâu 25,5 tấn/ha/năm, tăng 13,6% diện tích và tăng 6 tấn/ha/năm năng suất so với năm 2019.
Để khắc phục những khó khăn và đào tạo nghề đạt hiệu quả, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chính sách, pháp luật trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách giải quyết việc làm; nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để người lao động có được việc làm sau đào tạo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, viên chức của trung tâm được phân công phụ trách công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cũng sẽ tích cực, chủ động trong công tác tuyển sinh và giảng dạy. Phát huy yếu tố nguồn lực con người, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, qua đó đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin