Nhiều diện tích cây trồng đang cần nước tưới khi mùa khô bắt đầu. Các ngành chức năng cũng như nông dân Lâm Đồng đang chủ động các phương án đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, chuẩn bị trang thiết bị và nguồn nước để ứng phó với mùa khô một cách hiệu quả.
Người dân cần chủ động các biện pháp tưới tiết kiệm nước, chủ động phương án tích trữ, điều tiết nước hợp lý trong mùa khô 2024 |
Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán thiếu nước mùa khô năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngay trong tháng 10/2023, đơn vị đã đôn đốc, đề nghị các địa phương xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán vụ Đông Xuân năm 2023-2024 và cả năm 2024. Trên cơ sở kế hoạch của các địa phương, đơn vị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh vào đầu tháng 1 để triển khai, thực hiện.
Theo dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 bắt đầu bước vào mùa khô, dự báo hiện tượng El Nino xảy ra với xác suất khoảng 85-95%, tổng lượng mưa đạt thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 15%, dòng chảy sông, suối thấp hơn trung bình nhiều năm từ 8 đến 40,5%. Từ tháng 2/2024 đến tháng 4/2024 vào cao điểm mùa khô, trạng thái El Nino tiếp tục duy trì, thời gian không mưa có khả năng kéo dài trên diện rộng, dòng chảy sông, suối thấp hơn trung bình nhiều năm.
Về tình hình tích nước tại hồ thuỷ điện, thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, dung tích trữ trong các hồ thủy điện, thủy lợi lớn còn khoảng 90% so với thiết kế, mực nước trong hồ thủy lợi phổ biến thấp hơn so với mực nước dâng bình thường từ khoảng 0,1 đến gần 1 m, đối với các hồ thủy điện thấp hơn từ 2 đến gần 3 m.
Trong khi đó, diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi vẫn còn khá lớn nên luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra hạn hán nếu trời không mưa và nắng nóng kéo dài. Cảnh báo khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra ở mức trung bình đến cao.
Căn cứ dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn thời hạn mùa của tỉnh, trên cơ sở báo cáo của các địa phương, đơn vị thì hiện nay các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có thể đáp ứng nhu cầu cấp nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu xuất hiện tình hình nắng nóng kéo dài, hạn hán có khả năng gây ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Cụ thể đối với cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp dự kiến có khoảng 9.274 ha đất sản xuất sẽ bị thiếu nước tại một số khu vực, trong đó đa phần thuộc các khu vực xa nguồn nước. Đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn dự kiến có khoảng 1.684 hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước.
Đơn cử tại huyện Lạc Dương, theo chỉ tiêu kinh - tế xã hội được giao năm 2024, trên địa bàn huyện có diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2023 - 2024 là 3.405 ha và diện tích cây trồng dài ngày là 7.284 ha. Huyện Lạc Dương dự báo nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho diện tích khoảng 300 ha thuộc các khu vực: tổ dân phố Bon Đưng I, II, Đăng Gia Dềt B, Đăng Kia, Hợp Thành thuộc thị trấn Lạc Dương; các Thôn 1, 4, 5, 6 và Tiểu khu 118 thuộc xã Đạ Sar, các Tiểu khu 120, thôn Đa Ra Hoa và Liêng Bông thuộc xã Đạ Nhim. Đối với cấp nước sinh hoạt dự báo có nguy cơ bị thiếu nước cục bộ cho khoảng 500 hộ dân thuộc xã Đạ Sar.
Còn tại huyện Lâm Hà, theo chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao năm 2024, trên địa bàn huyện có diện tích gieo trồng cây hàng năm trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 là 1.607 ha; diện tích cây trồng dài ngày là 52.315 ha. Địa phương này dự báo nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên diện tích khoảng 2.450 ha thuộc khu vực các xã, thị trấn: Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Tân Thanh, Đan Phượng, Hoài Đức, Đạ Đờn, Phúc Thọ, Phú Sơn, Phi Tô, Nam Hà, Mê Linh,... Trong đó, mỗi địa phương nêu trên có diện tích dự kiến bị ảnh hưởng trung bình từ 100 đến 200 ha. Đối với cấp nước sinh hoạt dự báo có nguy cơ bị thiếu nước cục bộ cho khoảng 600 hộ dân thuộc khu vực các xã: Tân Thanh, Phú Sơn, Phi Tô, Gia Lâm.
Như vậy, theo báo cáo, nhiều địa phương nhận định về cơ bản nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân vào đầu và giữa mùa khô đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nước dự báo xảy ra cục bộ tại nhiều khu vực nếu tình trạng hạn hán kéo dài. Đặc biệt là vào cao điểm mùa khô, mực nước các sông, suối xuống thấp đỉnh điểm thì các công trình cấp nước sinh hoạt nhiều địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu, gây nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cục bộ là khó tránh khỏi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh dự kiến, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên 68 tỷ đồng. Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước xảy ra, địa phương cần hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương trên 43 tỷ đồng và ngân sách tỉnh để thực hiện kịp thời các biện pháp ứng phó trên 20 tỷ đồng.
Để chủ động các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước vào mùa khô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên tục theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, nắm bắt tình hình sản xuất để chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán.
Các huyện, thành phố chủ động bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Các địa phương ngay từ đầu vụ tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý; nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ công trình thủy lợi; vận động bà con nông dân chủ động chuyển đổi một số chân ruộng thường xuyên bị hạn sang các loại cây trồng khác sử dụng nước tưới ít hơn. Đồng thời chủ động phương án tích trữ, điều tiết nước hợp lý trước khi hạn hán xảy ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin