“Khi tìm thấy ước mơ của mình và sống với nó, tôi đã cảm nhận được nguồn động lực mạnh mẽ trong tâm hồn. Tôi biết mình đang sống có mục đích và vì mục đích ấy, mỗi ngày tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”, đó là đề tựa cuốn sách mà một tác giả là người khuyết tật ở TP Bảo Lộc đã viết. Có lẽ đây cũng chính là khát vọng chung của những người không may mắn khi cơ thể không được lành lặn do dị tật bẩm sinh, bạo bệnh, tai nạn…
Những tấm gương vượt qua nghịch cảnh, dám ước mơ, thể hiện khát vọng bằng việc làm cụ thể của người khuyết tật ở TP Bảo Lộc |
Căn nhà gỗ của chị Vũ Thị Nguyệt Ánh (sinh năm 1979) tại phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc là nơi cất cánh cho những bức tranh bướm bay trên phố núi chợt nắng, chợt mưa. Cơn bạo bệnh lúc nhỏ đã làm đôi chân của chị ngày càng bị teo lại, di chuyển khó khăn. Nhưng bằng nghị lực, chị đã vươn lên, cố gắng gầy dựng một công việc phù hợp để ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Năm 2000, chị Nguyệt Ánh bắt đầu làm tranh bướm, đến nay, cơ sở tranh bướm của chị đã chủ động được nguồn nguyên liệu làm tranh bằng cách nuôi loài bướm Khế (tên khoa học là: Attacus Atlas). Theo chị Nguyệt Ánh, công việc này là đam mê phù hợp với sức khỏe và dạng tật của chị. Tranh bướm của chị Nguyệt Ánh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Không chỉ là một người làm tranh nổi tiếng, chị Nguyệt Ánh còn được các hội viên Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc tin tưởng bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Một trường hợp đặc biệt chính là anh Phạm Cường (sinh năm 1986); tuổi đôi mươi tai nạn giao thông làm anh bị chấn thương các đốt sống cổ, dẫn đến liệt tứ chi. Thời gian khoảng 16 năm nằm giường, anh Cường đã cố gắng tập luyện các đốt ngón tay, suy ngẫm để viết các cuốn sách Vượt qua nghịch cảnh (NXB Thanh niên, xuất bản năm 2020), cuốn sách “Hành trình ước mơ” (NXB Thanh niên, xuất bản năm 2021) và tập thơ hơn 300 bài “Khát vọng còn đây” (NXB Dân trí, xuất bản năm 2023).
Tại ngôi nhà vùng ven phường Lộc Tiến, mỗi trang viết của anh đều phải nhờ đến bố mẹ. Chỉ khi đêm đến, sau một ngày mưu sinh, bố mẹ mới hỗ trợ Cường lên xe lăn, ngồi vào máy tính, dùng đôi bàn tay chỉ còn 1, 2 ngón cử động được gõ vào bàn phím. Anh Cường tâm sự: Những ngày đầu, công việc viết sách của mình gặp muôn vàn khó khăn; vì lúc mạch cảm xúc đang trào dâng thì đôi tay không thể theo kịp. Thế là tắt suy nghĩ, hết mạch cảm xúc, mình đã khóc, rồi làm lại. Phải cố gắng tập luyện đôi tay của mình bằng chiếc xà bằng gỗ đặt ở đầu giường để chống lại bệnh teo cơ.
“Tận sâu trong tâm hồn tôi luôn có một sức sống mãnh liệt, nó thôi thúc tôi phải sống. Cái chết chẳng có gì đáng sợ bằng việc phải sống, dám sống và từ đó tôi bắt đầu đi tìm lý do để sống”. Anh Cường đọc cho tôi nghe cảm xúc khi con người anh ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết; giữa những tháng năm thanh xuân và sự đau đớn tột cùng vì sự sống phải nương nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Theo chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc, Hội có 169 hội viên, nhiều hội viên có công việc phù hợp với sức khỏe và dạng tật, chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình. Thời gian qua, Hội luôn được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Người khuyết tật tỉnh, các mạnh thường quân. Các hội viên luôn có tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống để vượt qua những khó khăn do các dạng tật ở cơ thể.
Không chỉ làm tranh, viết sách, nhiều hội viên của Hội kiếm tìm cho mình những công việc phù hợp với trình độ, dạng tật, hoàn cảnh gia đình. Như chị Phạm Thị Thu Nguyệt làm nghề thợ may; chị Nguyễn Thị Thương là nhân viên Khoa Dược Bệnh viện II Lâm Đồng; anh Nguyễn Đức Trọng là nghề in ấn, photo; anh Lê Văn Ngọc buôn bán và chăn nuôi; anh Trần Chí Thành với nghề sửa chữa xe gắn máy…
Hay như anh Lê Văn Trung (Sinh năm 1992, phường Lộc Sơn) đã cùng gia đình đầu tư cơ sở nuôi trồng, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Anh Trung bị dạng tật ở chân do một cơn bạo bệnh lúc tuổi còn thơ ấu. Đến nay, anh đã có một gia đình nhỏ, là trụ cột của gia đình nên anh quyết tâm phát triển kinh tế. Từng sản phẩm thành công, đến được với khách hàng chính là nỗ lực của chàng trai trẻ phải di chuyển bằng đôi nạng gỗ.
Anh Trung tâm sự: Trước đây mình cũng làm nhiều nghề lắm nhưng cái khó khăn nhất của mình chính là di chuyển. Vì vậy, vợ chồng mình động viên nhau mở một cơ sở nuôi trồng, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo ngay mảnh đất của gia đình. Qua đó, tự tạo công ăn việc làm cho chính bản thân và các thành viên trong gia đình. Dù bước đầu có nhiều khó khăn nhưng mình luôn nỗ lực để mang lại hiệu quả trong công việc, đỡ đần vợ con.
Không tự ti về bản thân mà nỗ lực vượt qua khó khăn, dạng tật để hòa nhập, tạo thu nhập, làm giàu chính đáng là khát vọng của những người khuyết tật ở TP Bảo Lộc; như chính 3 tiêu đề của tác giả Phạm Cường trong những cuốn sách, tập thơ đã xâu chuỗi, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, hướng đến tương lai: Vượt qua nghịch cảnh cho đến Hành trình ước mơ và rồi Khát vọng còn đây.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin