Được sự quan tâm chỉ đạo và định hướng của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, nhìn chung công tác bổ trợ tư pháp, trong đó, có các hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ tốt hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, đảm bảo tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đại diện đơn vị đấu giá phát biểu kiến nghị về những bất cập, tồn tại |
Tuy nhiên, thực tế gần đây đã cho thấy vẫn còn rất nhiều tồn tại, bất cập liên quan đến lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề này nhằm kịp thời nắm bắt, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Nhân dân.
Theo đó, trong lĩnh vực hoạt động luật sư, Đoàn ĐBQH đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư theo hướng tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề luật sư được tham gia các vụ việc ở tòa sơ thẩm (cấp huyện, thành phố) để có điều kiện trau dồi, nâng cao kỹ năng hành nghề. Đề nghị bổ sung Tiêu chí trụ sở trong khoản 3 Điều 32 Luật Luật sư để đảm bảo hoạt động cũng như tính quy mô của một tổ chức hành nghề luật sư.
Thực tế hiện nay cho thấy, đội ngũ công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về Bổ trợ tư pháp còn ít, phải kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác, chưa được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác Bổ trợ tư pháp.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đãi ngộ thu hút người làm tại các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt tại các văn phòng, đơn vị mới thành lập.
Đại diện Sở Tư pháp Lâm Đồng cũng đề nghị bổ sung nội dung: trợ giúp viên pháp lý là đối tượng được miễn đào tạo, tập sự trong Luật Luật sư. Vì khi được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định việc đào tạo, tập sự tương tự như quy định về luật sư trong Luật Luật sư.
Ông Vũ Văn Thúc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng: Liên quan đến lĩnh vực hoạt động luật sư, dư luận cũng đặt ra vấn đề về đạo đức của luật sư trong quá trình hành nghề. Đây là một trong những yếu tố cũng rất quan trọng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt hơn. Đoàn Luật sư tỉnh hiện đã có 70 đảng viên, Sở Tư pháp đã đề xuất, kiến nghị nhiều lần đến Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh thành lập tổ chức cơ sở đảng nhưng chưa được thành lập. Hiện nay, các đảng viên sinh hoạt riêng lẻ tại các tổ chức Đảng địa phương nơi cư trú. Đề nghị tỉnh quan tâm để sớm thành lập tổ chức cơ sở đảng đối với Đoàn Luật sư tỉnh nhằm hướng đến nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động luật sư.
Liên quan đến hoạt động công chứng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 40 tổ chức hành nghề công chứng; trong đó, có 4 Phòng công chứng và 36 Văn phòng công chứng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 6 Văn phòng công chứng được thành lập mới; hiện toàn tỉnh có 85 công chứng viên đăng ký hành nghề, hoạt động công chứng cũng đóng vào ngân sách nhà nước đạt gần 50 tỷ đồng tính từ năm 2020 đến tháng 6 năm 2023. Trên cơ sở những bất cập, Đoàn ĐBQH cũng ghi nhận các ý kiến và kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các luật có liên quan theo hướng chuyển thẩm quyền chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến bất động sản cho các tổ chức hành nghề công chứng.
Đại diện Sở Tư pháp cũng đề nghị xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu công chứng liên thông trên toàn quốc; trong đó, xây dựng các trường thông tin theo mẫu để việc cập nhật thông tin công chứng được thống nhất và dễ tra cứu, đồng thời, có chế tài đối với việc không cập nhật hoặc cập nhật không đúng, không đủ…
Về hoạt động thừa phát lại, đơn vị liên quan đã kiến nghị sớm ban hành Luật Thừa phát lại; sửa đổi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, tránh nhầm lẫn giữa việc lập Vi bằng với các hoạt động thuộc lĩnh vực công chứng. Cần xây dựng, ban hành các biện pháp chế tài, xử phạt răn đe nghiêm khắc đối với các hành động gây nguy hiểm đến thể chất và tinh thần của người làm nhiệm vụ tống đạt, nhất là khi tống đạt các văn bản tố tụng. Kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xem xét hướng dẫn cụ thể nội dung quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP trong việc ghi nhận mục đích, căn cứ pháp lý của sự kiện, hành vi lập vi bằng...
Trong hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua, đã tiến hành tổng số 734 cuộc, đấu giá thành 729 cuộc với tổng số tiền thù lao dịch vụ thu được gần 6 tỷ đồng, nộp thuế vào ngân sách hơn 615 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế hoạt động đấu giá còn nhiều bất cập, cụ thể nhất gần đây liên quan đến đấu giá khu vực Thủy Tạ - Đà Lạt cho thấy còn nhiều bất cập, lỏng lẻo trong đấu giá. Cơ quan chức năng cũng kiến nghị với Đoàn ĐBQH và cơ quan có thẩm quyền cần xem xét việc quy định mức thù lao đấu giá cụ thể vì chúng ta đã thừa nhận dịch vụ đấu giá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy nên để doanh nghiệp tự thoả thuận hoặc định giá.
Thực tế hoạt động cho thấy, việc tiếp cận tài sản công đối với các doanh nghiệp tư nhân để đấu giá là khó khăn hơn so với các Trung tâm đấu giá Nhà nước đang song hành. Kiến nghị Bộ Tư pháp cần sửa đổi các quy định về niêm yết, thông báo tại địa điểm tổ chức cuộc đấu giá. Chỉ nên quy định nơi niêm yết tại trụ sở của tổ chức đấu giá, nơi có tài sản đấu giá. Tại Điều 37 Luật Đấu giá tài sản cần bổ sung “Nếu có thay đổi về địa điểm đấu giá thì tổ chức đấu giá chỉ cần thông báo bằng văn bản cho khách hàng tham gia đấu giá” vì trên thực tế nếu có thay đổi về địa điểm đấu giá cũng không làm ảnh hưởng đến cuộc đấu giá. Kiến nghị UBND tỉnh cần có cơ chế đặc thù khi đăng ký biến động đối với tài sản thi hành án theo hiện trạng thực tế. Đăng ký biến động theo kê biên hiện trạng và họa đồ đo vẽ. Cơ quan Thi hành án tiến hành đo vẽ cần ký biên bản giáp ranh và sử dụng họa đồ đo vẽ của cơ quan Thi hành án để đăng ký biến động cho người mua trúng đấu giá.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin