Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dạo quanh một số nơi những tay chơi thú độc lạ trên địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Lộc hay các huyện Đức Trọng, Di Linh không khó để bắt gặp những con vật quen thuộc như chuột Hamster, nhím kiểng, chim kiểng, mèo, thỏ,… Nhưng thu hút người coi nhất có lẽ là những chú rồng Nam Mỹ hay rồng đất Việt Nam (còn gọi là kỳ tôm) có hình thù lạ mắt với bộ da màu lam ngọc, vàng óng, xanh lá cây hoặc nâu xám, điểm xuyết những hạt đỏ sặc sỡ.
Anh Nguyễn Đăng Khoa cùng một con Abino có giá vài triệu đồng |
• RỒNG NAM MỸ “BẠC TRIỆU”
Trên đường Đồng Tâm (Phường 4, TP Đà Lạt) tại một quán cà phê có nhiều cây và hoa, anh Hoàng - chủ nhân cặp rồng đất Nam Mỹ đang thảnh thơi cùng bạn bè nhấp ly cà phê, trò chuyện và cùng ngắm cặp thú cưng phơi nắng sáng sớm. Lâu lâu lại có một hai du khách ngang qua hiếu kỳ dừng lại ngắm nghía, xin được chụp hình cùng chú rồng “khủng” dài gần 1m và nặng gần 5 kg.
Anh Hoàng giải thích, loài bò sát oai vệ này có tên Iguana, một số người gọi là cự đà với 3 màu chủ đạo là xanh, đỏ và vàng. Trong đó, đặc biệt những con Abino với kích cỡ lớn có giá trị cao nhất với giá tới vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. “Loài này có sức đề kháng tốt, ít bệnh, trong khi thức ăn cũng đơn giản như rau muống, rau lang, bí ngô, cà rốt, chuối, mít và thường được cắt nhỏ. Tuy ngoại hình lạ lẫm, nhìn rất “ngầu” như vậy nhưng chúng hiền như cục đất nên tôi mua một cặp về nuôi đã được hơn 5 năm nay”, anh Hoàng cho hay.
Rồng Nam Mỹ chủ yếu được mua về từ nhỏ để nuôi lớn dần cho quen với chủ nuôi. Chúng có vẻ ngoài hung dữ, hầm hố nhưng chỉ ăn rau, củ, quả, bản tính hiền lành, thích không gian yên tĩnh |
Theo một số người nuôi bò sát làm thú cưng tại địa phương, các loài bò sát nhập ngoại, trong đó có rồng Nam Mỹ thường đắt giá do ngoại hình “độc lạ”. Ngoài ra, chúng cũng rất thông minh, dễ nuôi và thuần dưỡng. Khi nuôi chúng theo cặp trưởng thành, mỗi năm có thể đẻ một lần, trung bình mỗi lần trên 30 trứng và tỷ lệ nở đậu khoảng 50 - 60%. Tuy nhiên, do nền nhiệt độ trên một số vùng tại Lâm Đồng khá lạnh, việc nuôi sinh sản được chủ yếu diễn ra tại các địa phương có khí hậu nóng để đảm bảo con non nở và khỏe mạnh. Sau đó, con non tuỳ loại màu được bán với giá vài trăm ngàn tới trên dưới 1 triệu đồng để người chơi mua về nuôi, huấn luyện từ nhỏ.
Mặc dù số lượng người chơi rồng Nam Mỹ tại Lâm Đồng không nhiều nhưng đủ độ tuổi, từ học sinh đến trung niên và họ thường chơi theo nhóm để tiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Tại khu vực xã Lát, huyện Lạc Dương, anh Nguyễn Đăng Khoa (24 tuổi) cũng có thâm niên gần 10 năm nuôi rồng Nam Mỹ, chia sẻ, bản thân chủ yếu nuôi để giải trí cũng như mong muốn chúng đem lại may mắn cho chủ nhân vì hợp phong thủy. “Các chú rồng ít gây ồn ào, thích yên tĩnh nên không khiến người xung quanh khó chịu”, anh Khoa nhận xét và cho biết thêm, rồng Nam Mỹ chỉ lớn nhanh trong hai năm đầu nhưng sau đó sẽ chững lại, phát triển chậm. Thức ăn chủ yếu của rồng là các loại rau, củ rửa sạch nhằm tránh bệnh đường ruột do có thuốc bảo vệ thực vật. Để thuần và giúp chúng khỏe mạnh, hằng ngày, anh Khoa cũng để ý yếu tố nhiệt độ và độ ẩm môi trường nuôi để giúp thú cưng tiêu hóa thức ăn tốt hơn và tránh được các mầm bệnh. Nếu trời quá lạnh, phải dùng bóng đèn để thắp giữ độ ấm cho chúng.
Và khi đã nuôi được một con rồng to, đẹp, các chủ nhân lại hãnh diện đi giao lưu cùng bạn bè. Anh Khoa cho biết, niềm vui nuôi loài bò sát này còn là khi chứng kiến chu kỳ lột xác của từng con một. Sau mỗi lần lột xác, chúng dài ra và màu đẹp hơn.
Một cặp rồng đất, người dân còn gọi là con kỳ tôm với màu sắc rất đẹp |
• KỲ VỌNG NUÔI RỒNG ĐẤT THƯƠNG PHẨM
Khác với rồng Nam Mỹ, rồng đất hay còn gọi là con kỳ tôm (một số nơi gọi càng tôm) chắc có lẽ nhiều người biết tới nhiều hơn khi chúng sinh sống trong môi trường sông, suối, ao hồ khu vực núi, đồi ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, do người dân săn bắt trong môi trường hoang dã ngày một tăng nên con vật này đã và đang có nguy cơ suy giảm mạnh về số lượng.
Ông Nguyễn Văn Huy, một người chơi rồng đất làm cảnh tại huyện Bảo Lâm cho biết, ông mua 10 cặp rồng đất từ một trang trại nuôi rồng bán kinh doanh tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà hơn 1 năm nay. Điều mà ông thích nhất ở rồng đất so với rồng Nam Mỹ là giá hợp lý. Ngoài ra, dù được nuôi nhốt làm cảnh nhưng chúng khá nhút nhát, chỉ cần thấy động là chúng phóng nhanh vào lùm cây, hốc đá ẩn nấp. Bù lại khi nắng lên, chúng hoạt bát hẳn, màu sắc da biến đổi đa dạng, vây lưng dựng lên oai dũng nhìn rất đẹp mắt.
Một chú rồng đất Nam Mỹ kích cỡ trung bình nặng gần 5 kg, dài 70 cm được chủ nhân tắm nắng buổi sáng |
“Ngày trước, ở các con suối trên địa bàn các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên…, rồng đất nhiều, người dân không thèm bắt. Chúng thường nằm ngủ bám vào cành cây gần mặt nước suối nên ngay ở khoảng cách xa đã thấy chúng phản quang với ánh đèn pin rất dễ nhận biết. Là loài lưỡng cư nên chúng lặn rất giỏi. Rồng đất có thể thay đổi màu từ da xanh lục sang đỏ, vàng, đổi màu da theo thời tiết hay khi nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm. Giờ rất khó nhìn thấy chúng ở các con suối tự nhiên do nạn săn bắt quá đà đã làm cạn kiệt rồng đất tự nhiên”, ông Huy kể.
Theo quan sát, khác với rồng Nam Mỹ thân hình “hầm hố”, kích cỡ to lớn, rồng đất khi nuôi trưởng thành có chiều dài cơ thể tối đa khoảng 90 cm, có thể nặng 1 kg. Con đực có đầu hình tam giác, lớn hơn con cái. Do màu sắc da và gai trên lưng bắt mắt nên một số người dân mua về nuôi kiểng. Trong khi đó, do thịt rồng đất hương vị thơm, ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể nên các quán đặc sản thu mua và bán cho thực khách với giá cao nhưng cung vẫn không đủ cầu.
“Hiện nay nhiều nơi đã nhân giống rồng đất bán thương phẩm thành công với giá từ 500.000 tới cả triệu đồng/kg nên mình vừa chơi làm kiểng vừa mày mò học hỏi để nhân giống chúng. Nếu thành công tôi sẽ đăng ký với cơ quan chức năng để kinh doanh, tìm kiếm thêm nguồn thu nhập”, ông Huy cho biết.
Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thông tin, rồng đất là loài bò sát được xếp vào bậc V (nhóm sẽ nguy cấp), theo Sách đỏ Việt Nam nên rất cần được bảo vệ và phát triển nhằm bảo tồn nguồn gen và khai thác một cách hợp lý. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa ghi nhận cơ sở nào đăng ký nuôi số lượng lớn và nhân giống thành công bán thương phẩm loài rồng đất này.
Thời gian qua, rồng đất được nhiều nông dân các tỉnh như Khánh Hòa, Kiên Giang, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh,… nuôi sinh sản thành công để bán thương phẩm. Ngoài giá trị kinh tế, việc nhân nuôi thành công còn góp phần ngăn giảm bớt nạn săn bắt mang tính lạm sát con vật ngoài tự nhiên, bảo tồn giống loài có nguy cơ. Cơ quan chức năng khuyến khích người dân gây nuôi, khai thác rồng đất trên khía cạnh kinh tế và phải có giấy phép mua bán hợp lệ nếu nuôi số lượng nhiều. Giống như loài kỳ đà, nhím, heo rừng…, người dân muốn làm các thủ tục nuôi rồng đất có thể liên hệ Hạt Kiểm lâm các huyện, đơn vị chức năng để được hướng dẫn cấp phép nuôi theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin