Lâm Hà: Quyết liệt phòng, chống hạn hán cho cây trồng

THÂN THU HIỀN 05:59, 26/03/2024

Trước dự báo về tình hình thời tiết có khả năng xuất hiện hạn hán trên diện rộng trong mùa khô năm 2024, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cùng cơ quan, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô trên địa bàn.

Nhiều ha cà phê tại xã Phú Sơn trong những ngày qua có hiện tượng héo do thiếu nước
Nhiều ha cà phê tại xã Phú Sơn trong những ngày qua có hiện tượng héo do thiếu nước

Qua tìm hiểu tại địa bàn xã Phú Sơn, từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, không mưa khiến nhiều ha diện tích cây cà phê bị ngả vàng, khô héo. Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Ngọc Sơn 1) cho hay: Gia đình có 2 ha cà phê, tuy nhiên những ngày gần đây nguyên nhân khiến gần 1,5 ha cà phê bị héo là thiếu nước tưới cho cây. Thay vì những năm trước, gia đình có thể chủ động được nguồn nước dự trữ tại hồ hoặc mua nước của các vườn sát bên để đáp ứng đủ cho diện tích cà phê bắt đầu ra bông đậu trái, thì năm nay hồ dự trữ nước của gia đình và các hộ xung quanh cũng không còn nước để tưới cây, lượng nước dự trữ của gia đình cũng chỉ tưới xong được đợt 1. Bà con bây giờ ai cũng đang mong chờ mưa xuống để kịp thời tưới cho cây trong thời điểm này. 

Ông Hà Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: Hiện địa phương có tổng diện tích cây nông nghiệp là 4.537 ha; trong đó cây cà phê là 4.215 ha. Để phòng, chống hạn hán, ngay từ cuối năm 2023, UBND xã đã triển khai hội nghị quán triệt cho các thôn, tuyên truyền Nhân dân về phòng, chống hạn hán, đào ao, hồ nhỏ, nạo vét kênh mương, tưới nước tiết kiệm, chia sẻ nguồn nước. Đến nay có khoảng hơn 10 ha cà phê không có nước tưới; 85% diện tích có nước tưới đợt 1; 65% diện tích có nước tưới đợt 2 và 55% diện tích có nước tưới đợt 3, còn các diện tích còn lại có tưới nhưng không đủ. Đặc biệt các thôn Lạc Sơn, Bằng Tiên 1, Bằng Tiên 2 thiếu nước trầm trọng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà, hiện nay, trên địa bàn các xã, thị trấn đang chịu ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, nhất là một số khu vực xa sông, suối tự nhiên, khu vực không có và khu vực xa hệ thống kênh tưới thủy lợi đang bị thiếu nước tưới cho cây trồng, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp.

Tính đến ngày 11/3, trên địa bàn huyện chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Đối với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là diện tích trồng cây cà phê) bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới khoảng 1.530 ha (chiếm 2,7% tổng diện tích gieo trồng 58.767 ha). Dự báo, nếu số ngày nắng nóng tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 4, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước tưới tiếp tục tăng thêm khoảng 1.830 ha.

Ông Hoàng Văn Dũng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho biết: Lượng nước tại các hồ chứa nước thủy lợi có dung tích chứa trên 10.000 m3 đang giảm từ 1/3 đến 1/2 so với đầu năm. Tuy nhiên, lượng nước này được bảo đảm đến cuối tháng 4. Các hồ chứa nước thủy lợi có dung tích chứa nhỏ dưới 10.000 m3, các ao, hồ nhỏ do người dân tự đầu tư hiện tại lượng nước đang giảm mạnh từ ½ đến ¾, một số hồ ở khu vực cao không có nguồn nước mạch đã hết nước hoàn toàn.

Tính đến ngày 11/3, tình hình lượng nước trên các hệ thống sông, suối lớn trên địa bàn huyện gồm sông Đạ Dâng, suối Đa Cho Mo, suối Cam Ly Thượng có xu hướng giảm nhanh từ đầu tháng 3 đến nay. Tuy nhiên, dự báo đủ lượng nước để cung cấp cho hai hệ thống thủy lợi trên địa bàn gồm hệ thống thủy lợi Đạ Đờn và hệ thống thủy lợi Cam Ly Thượng.

Nhận diện được tình hình hạn hán có thể xảy ra, ngay từ cuối năm 2023, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành thủy lợi, công ty thủy điện trên địa bàn xây dựng và triển khai phương án điều tiết, phân phối nguồn nước nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tưới cho cây trồng, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí nước; đồng thời nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước…

Ngoài ra, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, thu gom rác phụ phẩm nông nghiệp để tụ gốc cây nhằm giữ ẩm và hạn chế thoát hơi nước. Bên cạnh đó, chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tình huống chống hạn phát sinh và hỗ trợ người dân đào ao, đào giếng ở những nơi có điều kiện về nguồn nước, từ đó khai thác tối đa nguồn nước cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc cán bộ thủy nông phối hợp chặt chẽ với Ban Nhân dân thôn/tổ dân phố dùng nước trên địa bàn thường xuyên ứng trực tại các hồ đập, cống, trạm bơm, hệ thống kênh mương để kịp thời khơi thông giải phóng dòng chảy, đặc biệt là các điểm chia kênh, điểm tắc nghẽn nước; thông báo cụ thể lịch điều tiết nước theo kênh mương để người dân trên địa bàn chủ động tích trữ; điều tiết đủ lưu lượng nước tới cuối tuyến kênh, cuối khu tưới, đảm bảo phát huy hiệu quả công năng công trình thủy lợi...

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà nhận định: Một điều dễ dàng nhận thấy là năm nay nắm bắt được giá cả cà phê tăng cao, thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Lâm Hà đã chủ động đào ao, hồ nhỏ để tích trữ nước; tập kết máy bơm ống dẫn để tranh thủ tưới; áp dụng tưới tiết kiệm…

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân và quyết liệt trong công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước vào mùa khô, thời gian tới, UBND huyện Lâm Hà yêu cầu các xã, thị trấn, phòng, ban chuyên môn của huyện tăng cường theo dõi và cảnh báo về hạn hán giúp người dân chủ động sản xuất; thực hiện tốt công tác thông tin tình hình diễn biến thời tiết khô hạn, thiếu nước trong mùa khô để người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Cùng với đó, UBND huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, huy động Nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi trên địa bàn; đồng thời bố trí nhân lực, vật lực, phương tiện và kinh phí để thực hiện các biện pháp chống hạn và giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán gây ra trong mùa khô. Mặt khác, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, ưu tiên sử dụng các giống chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu hạn.