Chủ động phòng, chống bệnh dại từ chó, mèo

CHÍNH THÀNH 05:57, 16/04/2024

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, trong năm 2023, cả nước có 82 người chết vì bệnh dại. Và chỉ 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 ca tử vong trên người, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023, trong khi số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng đã lên tới trên 70.000 người, trên động vật có 53 ổ bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố.

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại, thường là chó, mèo
Bệnh dại là bệnh lây truyền từ virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại, thường là chó, mèo

Theo báo cáo của các địa phương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế thì từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không phát hiện ổ bệnh dại trên động vật và không có người tử vong do bệnh dại. Hiện theo thống kê tổng số chó nuôi của tỉnh Lâm Đồng năm 2022 là 125.220 con/66.340 hộ. Năm 2023 là 126.648 con/71.350 hộ. Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tổ chức tiêm phòng miễn phí cho toàn bộ đàn chó, mèo nuôi của tỉnh.

Về kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo của tỉnh năm 2022 đã tiêm được 79.081/125.220 con, đạt 63,15% so với tổng đàn, trong đó người dân tự tiêm 1.885 con. Năm 2023, đã tiêm được 80.907/126.648 con, đạt 63,88% so với tổng đàn, trong đó người dân tự tiêm 6.943 con). Tuy nhiên, theo thống kê một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo năm 2023 đạt thấp, như: Đơn Dương 12,6%, Lâm Hà 26,6%, Bảo Lâm 41,4%. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cũng thực hiện công tác tuyên truyền để người dân tự mua vắc xin tiêm phòng hoặc mang đến các cơ sở khám, điều trị để tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi.

Riêng năm 2024, Lâm Đồng dự kiến mua 74.500 liều vắc xin dại để phân bổ cho các địa phương triển khai tiêm phòng. Về công tác điều tra, xử lý ổ dịch, theo báo cáo từ đầu năm 2024 tới nay, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng và Cát Tiên lấy mẫu bệnh phẩm chó nghi mắc bệnh dại gửi Chi cục Thú y vùng 5 xét nghiệm xác định bệnh, kết quả mẫu đều âm tính với vi rút dại.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống bệnh dại nhưng theo đánh giá của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dại có thể phát sinh cao do các tỉnh tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng đang có ổ bệnh dại trên động vật và có người chết vì bệnh dại (Đắc Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai). Bên cạnh đó, Lâm Đồng có địa bàn rộng, số lượng chó nuôi nhiều và có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên tập quán chăn nuôi và quản lý chó nuôi còn gặp nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, hằng năm, căn cứ theo nhu cầu và đăng ký sử dụng vắc xin của từng địa phương, đơn vị sẽ phân bổ vắc xin dại, đồng thời hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật để Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo. Trong thời gian triển khai tiêm phòng, Chi cục luôn phối hợp theo dõi, cập nhật tiến độ tiêm phòng định kỳ theo tuần, tháng. Sau đó đánh giá sơ kết vào cuối đợt, tổng kết vào cuối năm, qua đó biểu dương những địa phương làm tốt, phát huy những nhân tố tích cực, cũng như chỉ ra điểm hạn chế, tồn tại để khắc phục cho những lần tiêm phòng tiếp theo.

Theo chỉ đạo từ UBND tỉnh Lâm Đồng ngay từ đầu năm, đối với bệnh dại, tiêm vắc xin cho đàn chó, mèo phải bảo đảm tỷ lệ đạt trên 70% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu của Chương trình quốc gia Phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030. UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình và tiêm vắc xin phòng bệnh dại; không thả rông chó, mèo, khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn cho người xung quanh (chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Liên quan tới bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp trên cả nước, Bộ Y tế thông tin: Bệnh dại là bệnh lây truyền từ virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại (thường là chó, mèo) khi tiếp xúc với phần da bị tổn thương của người (thường là chó, mèo). Bệnh rất nguy hiểm, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Điều đáng nói là bệnh dại hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng tránh được. Vì vậy, để chủ động phòng, chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Kịp thời đưa người bị chó, mèo nghi dại cắn đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị. Đồng thời, truyền thông, hướng dẫn trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.