Định hướng phát triển thoát nước: Bài toán nào cần giải?

NGUYỄN NGHĨA 04:33, 05/04/2024

Lâm Đồng hiện đang gặp một số thách thức và hạn chế trong việc triển khai định hướng phát triển thoát nước do chưa có quy hoạch thoát nước riêng, mà phải dựa vào các đồ án quy hoạch chung, tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, hiện tỉnh đang tiến hành triển khai theo định hướng phát triển thoát nước do Trung ương chỉ đạo.

Ngập úng cục bộ ở khu vực hồ Đội Có - Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) vào ngày mưa lớn
Ngập úng cục bộ ở khu vực hồ Đội Có - Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) vào ngày mưa lớn

THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG HẠN CHẾ

Trong thực tế, việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống thoát nước mặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua chủ yếu gắn liền đến việc nâng cấp, cải tạo, xây dựng đường giao thông đô thị. Trên thực tế những năm gần đây, các đô thị cũng đã nhận được sự quan tâm và đầu tư đồng bộ để đảm bảo hệ thống thoát nước mặt thông qua cống, mương, từ đó giảm thiểu tình trạng ngập úng. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm ngập cục bộ xảy ra khá thường xuyên tại TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng gây bức xúc cho Nhân dân. Tỉnh đã tổ chức khảo sát và đưa ra chủ trương cải tạo hệ thống suối, khôi phục các hồ điều hoà để điều tiết nước, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ ở 1 số điểm. Một số công trình cũng đã được triển khai trong năm 2023 mà điển hình là cải tạo suối Cam Ly...

Đối với hệ thống thoát nước thải riêng, toàn tỉnh hiện mới chỉ có duy nhất TP Đà Lạt có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ở đô thị với công suất 12.400 m3/ngày đêm, và mới đáp ứng khoảng 40% yêu cầu xử lý nước thải của thành phố. Nhà máy này do Xí nghiệp nước thải - Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng quản lý vận hành.

Và tại khu công nghiệp và khu vực nông thôn, có 1 nhà máy tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc với công suất 1.000 m3/ngày đêm.

• CẦN THÁO GỠ VƯỚNG MẮC ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Lâm Đồng, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh có kế hoạch đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP Bảo Lộc, giai đoạn 2026 - 2030 nâng cấp hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP Đà Lạt và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải các đô thị loại IV trở lên. Hiện tại thì chưa triển khai thêm dự án đầu tư xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thải mà chỉ đang lập đề xuất đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải TP Bảo Lộc (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với công suất 5.000 m3/ngày đêm.

Thực tế những năm qua, tỉnh cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ cho người dân để khuyến khích dân đấu nối vào hệ thống thoát nước. Cụ thể, theo Quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 26/6/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt đơn giá và kế hoạch đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý nước thải trên địa bàn TP Đà Lạt thì đơn giá dịch vụ xử lý nước thải là 6.261 đồng/m3; trong đó phần do các cá nhân, tổ chức trực tiếp sử dụng dịch vụ thanh toán 3.198 đồng/m3, nhà nước cấp bù 3.063 đồng/m3. Ngoài việc hỗ trợ đơn giá dịch vụ, khi thực hiện đấu nối, người dân còn được hỗ trợ giá các thiết bị lắp đặt. Tuy nhiên, quy định về quản lý hoạt động thoát nước tại địa phương đã được ban hành nhưng việc áp dụng trong thực tiễn còn nhiều hạn chế (như việc bắt buộc đấu nối, xử lý các sai phạm của người dân,...). 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì hiện nay địa phương thiếu quy hoạch thoát nước riêng, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn hẹp, cơ chế thu hút nhà đầu tư chưa hấp dẫn như chính sách huy động nguồn vốn đầu tư phát triển thoát nước chưa phù hợp với thực tiễn và chính sách ưu đãi công trình thoát nước chưa đáp ứng được các lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư, chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, mạng lưới thoát nước hầu hết đặt ngầm và những yếu tố lịch sử không đầy đủ tài liệu nên công tác khảo sát, thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại địa phương còn khó khăn... Để tháo gỡ những vướng mắc này, theo các cơ quan chức năng, cần thành lập đơn vị chuyên nghiệp thu thập dữ liệu, xây dựng quy hoạch, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong lĩnh vực này.