Bài 2: Giữ rừng, cảnh quan đặc trưng Đà Lạt là điều người dân mong muốn nhất
Nên giữ và duy trì những đặc trưng chủ yếu của Đà Lạt mà không nơi nào có được như: rừng thông, không gian hồ nước, cảnh quan núi rừng và nhất là nền nhiệt độ... Đồng thời, cần tiếp tục giữ hồn cốt của đô thị Đà Lạt, những công trình di sản, những điểm nhấn di tích lịch sử đã hình thành, tồn tại nhiều thập kỷ cần tiếp tục được bảo tồn và phát triển sau điều chỉnh quy hoạch.
Các nhà chuyên môn, đại diện các tổ chức thành viên của MTTQ tham gia góp ý |
Kiến trúc sư, Thạc sĩ Trần Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh chia sẻ: Với góc độ phản biện, trong vai trò thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, tôi chỉ xin góp ý và lưu ý nhà đầu tư dự án, cơ quan chuyên môn về mặt pháp lý, mốc định hình, chiến lược phát triển đô thị. Bên cạnh những nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, của Trung ương… thì nhất thiết phải căn cứ vào Đồ án QHC.704. Cần phân tích và chỉ ra những mặt được và chưa được; Quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch tỉnh và Quyết định 257 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch… nếu không xác định gần nhất về pháp luật thì sẽ rất mơ hồ khi làm Đồ án điều chỉnh quy hoạch.
Phân vùng Đà Lạt có đô thị “di sản” Đà Lạt là cốt lõi phát huy tính chất du lịch, bảo tồn bản sắc, vì vậy đề nghị lựa chọn các giải pháp định hướng “thâm canh” phù hợp. Giải pháp về cây xanh, nguồn nước cho đô thị du lịch cần phải đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh một số hồ nước bị khô cạn, hồ cấp nước Suối Vàng - Đan Kia cho thành phố cũng không ngoại lệ.
Giải pháp cây xanh đề xuất tại quy hoạch mới chỉ tập trung theo vùng, trục... cần định hướng áp dụng cho toàn bộ đô thị Đà Lạt để giữ được cấu trúc “rừng trong thành phố” và góp phần hóa giải các bộn bề về kiến trúc đô thị không như mong muốn trong quá trình phát triển nóng vừa qua. Đề nghị dự báo dân số cần phải có tính thuyết phục hơn (căn cứ khoản 5, Điều 1 Quyết định 257/QĐ- TTg) vì không thể phát triển dân số trong vòng 10 năm (2035), dân số gấp 2 lần hiện tại và trong vòng 20 năm (2045), dân số gấp 3 lần hiện tại, như vậy tăng bình quân cơ học 10%/năm. Theo đồ án thì dân số tăng của từng khu vực đều tương đương (tỷ lệ tăng hầu như gấp 2 lần) là chưa phù hợp, cần giải thích rõ hơn tỷ lệ tăng dự kiến trong đồ án này là căn cứ vào cơ sở khoa học và thực tiễn như thế nào. Đề nghị trong đồ án cần có dự kiến về dân số tại các khu vực ở từng thời điểm theo quy định này một cách khoa học, cụ thể và phù hợp thực tiễn hơn.
Về cơ cấu quy hoạch vùng phụ cận và các đô thị vệ tinh (theo QHC.704), từ năm 2025 trở đi chỉ còn: Đô thị Thạnh Mỹ và D’ran (thuộc huyện Đơn Dương); đô thị Nam Ban (gồm thị trấn Nam Ban và 4 xã giáp ranh là: Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm và Nam Hà); huyện Đức Trọng sẽ là đô thị đối trọng của TP Đà Lạt (mới) và huyện Lạc Dương, thị trấn Lạc Dương (sau khi sáp nhập) không còn là đô thị vệ tinh trong vùng phụ cận (theo QHC.704).
Về cấp hạng đô thị, năm 2025, sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương thành TP Đà Lạt (mới), cấp đô thị bị giảm xuống Đô thị loại II, vì vậy cần so sánh với tiêu chí đô thị loại I hiện nay của Đà Lạt, để đánh giá các chỉ tiêu còn thiếu, dự báo khả năng đạt và vượt, hướng đến đô thị loại I (vào năm 2030); trong đó đặc biệt chú ý các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch (như số du khách, số ngày lưu trú, tổng số phòng nghỉ, tỷ lệ doanh số du lịch trong tổng thu của cả nền kinh tế Đà Lạt…), để TP Đà Lạt (mới) trở thành Đô thị Du lịch Quốc gia - thành phố di sản (vào năm 2045).
Kiến trúc sư Lê Tứ - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, với góc nhìn chuyên môn, trong vai trò thành viên của Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật của MTTQ, tôi xin góp ý như sau: Sản phẩm cần có sự tính toán, về sự phát triển vùng, đạt các tiêu chí hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài quy hoạch 704 còn có quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng, vì vậy cần làm rõ tính chất chung của vùng và tính chất riêng khi Đức Trọng đảm nhận trung tâm hành chính, chính trị của “thành phố Lâm Đồng” trực thuộc Trung ương sau năm 2045 để rành mạch hơn trong việc xác lập các điều kiện và bố trí nguồn lực phát triển cho cả 2 phân vùng (Đà Lạt + Lạc Dương; Đức Trọng + Đơn Dương + một phần Lâm Hà); ảnh hưởng phân bố đất đai, dân cư... Đề nghị đơn vị tư vấn và cơ quan có thẩm quyền thông tin cụ thể, khoa học hơn về cơ sở nào để chọn Trung tâm Hành chính tỉnh tại Đức Trọng như dự thảo đồ án Quy hoạch.
Về giải pháp đơn vị tư vấn đưa ra dành 20% cho xây dựng trong quỹ đất nông nghiệp sạch, tôi xin đề xuất giải pháp về cây xanh phải được đặc biệt quan tâm trong xây dựng đồ án… Đề nghị hướng đến đảm bảo bản sắc giữa vùng đất cũ và mới (sau quy hoạch). Cần có quy hoạch phân khu để có tính liên kết với nhau. Nhìn lại 10 năm qua, điểm nhấn vẫn chưa rõ nét trong quy hoạch chung.
Cuối cùng, kiến trúc sư Lê Tứ gửi gắm tâm huyết: “Kiến trúc đô thị là con đẻ của quy hoạch”, vì vậy người làm quy hoạch cần uốn nắn nó thì mới đạt được theo yêu cầu chung của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để hướng đến đạt các mục tiêu đề ra như đồ án quy hoạch tổng thể. Nên cố gắng giữ cấu trúc “Rừng trong thành phố, thành phố trong rừng”, đây là nét quý của Đà Lạt mà hiếm nơi nào có được. Đề nghị nên tính toán kỹ để đảm bảo cân bằng đất, đất rừng, nước trong khu vực quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận…
Xác định phạm vi vùng lõi đô thị là TP Đà Lạt (được phân chia thành 4 phân khu chức năng chính: Trung tâm lịch sử, khu đô thị phía Bắc, phía Đông và phía Tây); đồ án điều chỉnh phải bám sát quan điểm phát triển các khu đô thị vệ tinh gắn với quản lý theo địa giới hành chính của từng địa phương; các đô thị vệ tinh từng bước chia sẻ, giảm sức ép, áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm TP Đà Lạt.
Thống nhất việc đề xuất mở rộng không gian đô thị, dự báo phát triển dân số cần phải có tính thuyết phục hơn gắn với giải pháp, phương án tính toán gia tăng diện tích sử dụng đất so với Quy hoạch chung để đảm bảo phù hợp; trong đó, quỹ đất để phát triển, mở rộng không gian đô thị cần nghiên cứu từ nguồn: Đất phát triển đô thị hiện có; đất nông nghiệp, đất khác sử dụng không hiệu quả (tuyệt đối không tác động đến diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp).
Về tính chất đô thị, du lịch và di sản: Trong 7 tính chất đô thị, QĐ.257 có ý nhấn mạnh và xuyên suốt đến TP Đà Lạt (nói riêng) là Đô thị du lịch tầm quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản… Trong phương pháp nghiên cứu không nên tách rời 2 tính chất này thành các chiến lược khoanh vùng quy hoạch riêng biệt (Đà Lạt hoặc Lạc Dương), mà phải thể hiện đậm nét 2 tính chất này từ trong lòng đô thị, lan tỏa đến các vùng ngoại vi của TP Đà Lạt (mới). Đề nghị phần định hướng và chiến lược phát triển gắn kết và hòa quyện cả 3 yếu tố cấu thành một cách hữu cơ: (1) Nâng cấp đô thị và phát huy các giá trị đặc trưng về địa lý; (2) Phát triển du lịch tầm quốc gia trên nền tảng các giá trị đặc trưng về di sản tự nhiên và di sản văn hóa; (3) Bảo tồn và kiến tạo bản sắc quy hoạch, kiến trúc đô thị (mới) để trở thành đô thị di sản, tạo động lực phát triển kinh tế đô thị và kinh tế du lịch… Bởi thiếu 1 trong 3 yếu tố này, khó đạt ngưỡng định hướng phát triển cho TP Đà Lạt trở thành Đô thị loại I, TP du lịch quốc gia và Đô thị di sản có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Về bản sắc kiến trúc đô thị: Khi đề cập đến quy hoạch - kiến trúc Đà Lạt cần xác định giá trị di sản kiến trúc thời thuộc địa, sự giao thoa văn hóa kiến trúc Pháp - Việt và Dân tộc bản địa (cho cả vùng Đà Lạt và Lạc Dương hiện nay)... Trong định hướng phát triển, làm thế nào để Đà Lạt xanh hơn và Lạc Dương không bị giảm độ bao phủ rừng phải được làm rõ trong các định tính (du lịch canh nông, du lịch sinh thái dưới tán rừng…) và định lượng (diện tích cây xanh, mặt nước, diện tích đất rừng, mật độ xây dựng, mật độ cư dân và du khách…). Việc áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đối với nhà ở và công trình riêng lẻ cần phân loại và làm rõ: Mật độ gộp và Mật độ thuần trên các loại đất có chức năng xây dựng khác nhau; chỉ tiêu tầng cao và chiều cao kiến trúc đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh lưu trú, công trình chuyên dùng… Bài học kinh nghiệm về việc điều chỉnh chỉ tiêu từ QĐ36/UBND sang QĐ41 và bây giờ đề nghị điều chỉnh cả QĐ36 và QĐ41, sau khi có hiện tượng và sự cố ngập lụt, sạt lở đất.
Đối với huyện Đức Trọng, đề nghị phân tích, đánh giá việc chuyển dời Trung tâm Hành chính tỉnh từ TP Đà Lạt về Đức Trọng, có làm thay đổi tính chất là thành phố tỉnh lỵ, là Trung tâm Chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa… cấp tỉnh - theo QĐ.257/TTg, có khả năng sẽ tạo ra những xung đột giữa chiến lược phát triển đô thị, vị thế của thành phố trung tâm tỉnh lỵ và quan điểm của cộng đồng. Vì trong phần định hướng đô thị Đức Trọng lại nêu: Đến năm 2025, thành lập thị xã Đức Trọng, tính chất là trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Lâm Đồng. Ngay cả trong quy hoạch tỉnh, định hướng đến năm 2050, khi tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương, và Đà Lạt, Đức Trọng trở thành quận, cũng xác định Đà Lạt là quận trung tâm… Đây là vấn đề hệ trọng, cần phân tích về mặt học thuật chuyên môn và quy định quản lý quy hoạch…
Đối với huyện Đơn Dương, đề nghị trong phần định hướng và chiến lược phát triển chỉ đề cập đến 2 đô thị Thạnh Mỹ và D’ran, có yếu tố hình thành là 2 đô thị vệ tinh của Đà Lạt do là đô thị cửa ngõ của Đà Lạt (qua 2 Quốc lộ 20 và 27). Đối với việc quy hoạch cụm thương mại dịch vụ vui chơi giải trí tại D’ran, đề nghị xem xét đánh giá lại có phù hợp và hiệu quả hay không?
Mặt khác cần xem lại cơ sở để nhận định: Phát triển TP Đà Lạt trở thành thành phố đặc thù loại I cấp Quốc gia và huyện Lạc Dương phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 và thị trấn Lạc Dương sau khi sáp nhập trở thành thành phố vệ tinh của TP Đà Lạt.
Đề nghị làm rõ tính “sáng tạo” trong nội dung “chiến lược phát triển thành phố sáng tạo và nghệ thuật” - Chưa thấy rõ ở nội dung này cụ thể như thế nào? Riêng đối với sáng tạo về giáo dục - đào tạo chưa được thể hiện sự Sáng tạo ở khâu nào. Chưa có quy hoạch định hướng tập trung, nâng cao mà nội dung, quy định trong đồ án còn mang tính dàn trải và thiếu quy hoạch hệ thống đào tạo tập trung và liên kết, cụ thể: Kế thừa, giữ nguyên hầu hết các trường đại học hiện hữu như Đại học Đà Lạt, Đại học Yesrin, Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh,... Quy hoạch hệ thống làng đại học phía Bắc và Trung tâm đào tạo về du lịch, dịch vụ... tại Đà Lạt và Lạc Dương hiện tại. Quy hoạch hệ thống trường đào tạo nghề gắn hệ thống cụm công nghiệp chế biến, logistics ở phía Nam...
Có ý kiến đề nghị: Quy hoạch phát triển TP Đà Lạt đến 2045, tập trung cơ bản là phát triển các vùng phụ cận. Vì vậy, đề nghị đồ án cần xác định, định hướng rõ không gian phục vụ sản xuất nông nghiệp cần quy hoạch của từng khu vực cụ thể như thế nào? Hiện trạng và hướng phát triển, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với chức năng chính theo các phân khu (9 phân khu) theo như quy hoạch trong đồ án này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin