Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 ở Di Linh

NGỌC NGÀ 06:01, 23/04/2024

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (gọi tắt Nghị quyết 33) trên địa bàn huyện Di Linh, nhiều truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy, các giá trị vật thể, phi vật thể tiếp tục được bảo tồn, các thiết chế văn hoá - thể thao được quan tâm, đầu tư xây dựng, phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp, toàn diện.

28 dân tộc anh em cùng chung sống đã tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng cho huyện Di Linh
28 dân tộc anh em cùng chung sống đã tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng cho huyện Di Linh

Di Linh là địa bàn cư trú của 28 dân tộc anh em, gần 42% dân số toàn huyện là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó chủ yếu là bà con dân tộc K’Ho, chiếm 35,1% dân số. Huyện Di Linh là địa phương có số người đồng bào DTTS lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Ông K’Broi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh, khẳng định: Đây là yếu tố chính tạo nên bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, đặc biệt là văn hóa Tây Nguyên như cồng chiêng, dệt thổ cẩm và các lễ hội văn hóa đặc thù trên mảnh đất Di Linh. Tuy nhiên, trong dòng chảy của sự phát triển, những tài sản quý ấy đã có nơi, có lúc dường như bị “lãng quên”. Và việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33 đã góp phần giúp huyện Di Linh gìn giữ và phát triển những nét văn hoá đặc trưng, tạo nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. 

Huyện Di Linh thực hiện Nghị quyết 33 gắn chặt với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Nội dung này đã được huyện Di Linh cụ thể hoá thành nhiều hoạt động có hiệu quả. Đơn cử như, địa phương này đã xây dựng Khung tiêu chuẩn về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, địa phương đã đưa ra những mục tiêu và cách thức tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội cụ thể. “Đó là cơ sở quan trọng để đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền và chính người dân soi chiếu vào để thực hiện”, ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh nhận định. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 54 mô hình tại các thôn, tổ dân phố thực hiện nội dung này. Nếp sống văn minh dần được xây dựng, từng bước nâng cao chất lượng đời sống bà con và góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng huyện nông mới của huyện Di Linh.

Huyện Di Linh cũng từng bước tăng cường sự đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm: vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong 10 năm qua, từ huyện đến cơ sở đã tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, chương trình giao lưu văn nghệ, thu hút hàng ngàn người tham gia. Qua đó đã kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố điển hình của địa phương như: Già làng K’Tiếu - người có nhiều đóng góp trong truyền dạy cồng chiêng, nghệ nhân Da Cha Vũ Bảo; chị Ka Hem - thanh niên người đồng bào DTTS tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ của địa phương… Thông qua các hoạt động và những nhân tố tiêu biểu trên đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc trên địa bàn. Di Linh hiện có hàng chục câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng. Ngoài các câu lạc bộ, đội, nhóm, cồng chiêng của người dân tộc bản địa, còn có các đội cồng chiêng của người Mường tại xã Tân Lâm và Hòa Nam. Việc truyền dạy cồng chiêng còn được các trường học đưa vào thực hiện ở giờ ngoại khóa như tại Trường THCS Tân Thượng và Trường THCS Đinh Lạc.

 Bên cạnh đó, hàng năm huyện Di Linh cũng liên hệ để tổ chức khoảng 10 đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ người dân, nhất là bà con người đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. 

Huyện Di Linh cũng xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy văn hóa vùng đồng bào DTTS với những nhiệm vụ cụ thể như: Phục dựng Lễ hội truyền thống Loh Gùng của người K’Ho; Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của địa phương; Bảo tồn và phát huy giá trị các làng văn hóa truyền thống tiêu biểu để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch; Hỗ trợ các nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống… Đây là cơ sở quan trọng để tỷ lệ hộ gia đình văn hóa trên địa bàn huyện Di Linh được duy trì ổn định và tăng đều hàng năm. 


Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, soi đường cho mọi công việc nói chung, trong đó có công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ở huyện Di Linh điều này được thể hiện rõ trong việc nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo đó, huyện Di Linh cũng đã chú trọng chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc huyện. Trong đó tập trung các nội dung: cải tiến lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao vai trò trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính; xử lý nghiêm, chấm dứt các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ… Điều này góp phần củng cố, niềm tin của người dân với chính quyền địa phương được nâng lên. Đồng thời, nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đơn vị, doanh nghiệp. Riêng năm 2023, địa phương có 182/183 thôn, tổ dân phố được công nhận đạt danh hiệu văn hóa; 121/131 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt văn hóa và 19/19 xã, thị trấn đạt danh hiệu văn hoá. 

Huyện Di Linh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình, điểm vui chơi văn hoá, thể thao công cộng… như Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện với kinh phí hơn 38 tỷ đồng, Nhà thiếu Nhi huyện với kinh phí 9 tỷ đồng, Nhà thi đấu đa năng với kinh phí 18 tỷ đồng…để phục vụ nhu cầu của người dân. 

Ông Vũ Thành Công - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh, khẳng định: “Trong những năm qua, phong trào rèn luyện thể dục, thể thao trên địa bàn huyện đã và đang trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn, thu hút đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia”.

Hằng năm, huyện Di Linh tổ chức 20 - 30 giải thi đấu các môn thể thao từ cấp huyện đến cơ sở, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, Giải leo núi Brăh Yàng (xã Bảo Thuận) được huyện Di Linh phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức hàng năm, phát triển đội điền kinh “chân đất” tại xã Gia Hiệp... đã trở thành những “thương hiệu” của Phong trào thể dục, thể thao huyện Di Linh.

Trao đổi thêm về kết quả thực hiện Nghị quyết 33, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh cũng bày tỏ những lo ngại về việc một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự hiểu về vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng thiết chế văn hoá vẫn còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Và đặc biệt, những giá trị văn hoá đặc trưng chưa thực sự được phát huy và có nguy cơ bị mai một. 

Trước những vấn đề đang đặt ra, huyện Di Linh xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33 phù hợp với điều kiện của địa phương trong tình hình mới nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương.