Nâng cao chất lượng công trình xây dựng - yêu cầu cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu

NGUYỄN NGHĨA 05:57, 08/04/2024

Vấn đề quản lý chất lượng công trình xây dựng luôn là chủ đề nóng hổi và thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Những vụ sạt lở đất, sập nhà xảy ra trong mùa mưa năm 2023 vừa qua để lại những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản đã gióng lên hồi chuông cảnh báo và cho thấy tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. 

Các chuyên gia Nhật Bản tham gia khảo sát cùng chính quyền địa phương để bàn giải pháp khắc phục 
các sự cố sạt trượt đất tại TP Đà Lạt
Các chuyên gia Nhật Bản tham gia khảo sát cùng chính quyền địa phương để bàn giải pháp khắc phục các sự cố sạt trượt đất tại TP Đà Lạt

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Trước hết, phải khẳng định rằng, những năm qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm. Nhiều công trình bảo đảm về chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, công năng sử dụng, thiết thực phục vụ đời sống người dân cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình đảm bảo chất lượng thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp hiện nay.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh nổi lên có 2 sự cố công trình, và nhiều sự cố có liên quan đến công trình xây dựng do thiên tai gây ra. Cơ quan chức năng cũng đã thống kê tồn tại 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất. Năm 2023 cũng xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản do sự cố về sạt lở như vụ sạt trượt đất tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc làm một số người thiệt mạng và bị thương, một số căn nhà bị sập. Vụ thiệt hại rất lớn là sau trận mưa từ đêm 28 đến rạng sáng 29/6/2023 với lượng mưa lên đến 200 mm đã gây sạt lở, ngập lụt nhiều nơi, trong đó vụ sạt lở đất, sập bờ taluy nghiêm trọng tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP Đà Lạt làm 2 người chết, 5 người bị thương, ảnh hưởng nhiều ngôi nhà của người dân đến nay vẫn chưa thể khắc phục. 

Ngày 30/7/2023, xảy ra một số điểm sạt trượt đất, ngã đổ cây rừng, cây xanh tại đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận huyện Đạ Huoai) và vùi lấp trụ sở Trạm Cảnh sát Giao thông tại Km 103+300, Quốc lộ 20, khu vực nằm giữa đèo Bảo Lộc. Hậu quả vùi lấp 4 người (gồm 3 chiến sỹ công an và 1 người dân), hư hỏng 2 xe ô tô; vụ sạt trượt, nứt đất tại Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh huyện Lâm Hà và ngày 3/8/2023, lại xảy ra một vụ sụt lún đất làm đứt gãy đường tránh Quốc lộ 20 thuộc địa phận phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc…

Những vụ việc nêu trên cho thấy tình hình thiên tai, khí hậu hiện nay trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp và khó lường, vì vậy mà công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong giai đoạn hiện nay cần phải được quan tâm và nâng cao hơn nữa để đảm bảo an toàn sinh mạng, an toàn cộng đồng; dự báo và phòng ngừa các tai nạn, sự cố có thể xảy ra; đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo sự phát triển bền vững chung của ngành Xây dựng tỉnh Lâm Đồng.

• CẦN THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP

Quản lý xây dựng trước tình hình biến đổi khí hậu cực đoan đã trở thành một vấn đề cấp bách trong thời gian gần đây. Tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã tổ chức nhiều hội thảo và hội nghị chuyên đề nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia để tìm ra các giải pháp phù hợp. Các chuyên gia xây dựng đã đưa ra ý kiến chung rằng cần thiết phải có các giải pháp ngay lập tức và dài hạn.

Trước mắt, một giải pháp cần được thực hiện ngay bây giờ là tăng cường kỷ luật và quản lý trật tự xây dựng cũng như đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần tiến hành khảo sát và đánh giá các khu vực có nguy cơ sạt trượt và ngập lụt để tìm ra các giải pháp phù hợp cho từng trường hợp. 

Các chuyên gia cũng nêu ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn và đào tạo cơ quan quản lý xây dựng địa phương để thực hiện công tác cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng các công trình chống sạt trượt. Đồng thời, cần tổ chức các chiến dịch tuyên truyền và kêu gọi người dân tham gia vào công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý hệ thống thoát nước và bảo vệ môi trường.

Về phía Nhà nước, cần ưu tiên kinh phí để nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có, duy trì và bảo dưỡng hệ thống thoát nước thường xuyên. Quan tâm chỉ đạo việc thu gom bùn rác, làm sạch các hố ga, cống và kênh mương, đồng thời khơi thông dòng chảy để đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động hiệu quả.

Trong dài hạn, cần thuê các chuyên gia tư vấn có năng lực để khảo sát hệ thống cấp thoát nước, địa hình và điều kiện tự nhiên để đề xuất các giải pháp chống ngập cục bộ. Điều này bao gồm việc xây dựng bản đồ hiện trạng ngập úng, dự báo ngập úng đô thị theo giai đoạn quy hoạch, lập bản đồ cao độ nền toàn đô thị, và đồng bộ hóa các công trình thoát nước với hồ điều hoà, hồ chứa khác. Đặc biệt, phải có kế hoạch vận hành phối hợp với dự báo và cảnh báo sớm.

Ngoài ra, cần cải thiện chất lượng dự báo thời tiết và mưa tại các khu vực trên địa bàn tỉnh; rà soát và điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên và giới hạn tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, đầu tư vào công nghệ và nghiên cứu phát triển các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và chống chịu được biến đổi khí hậu.

Quản lý xây dựng trước tình hình biến đổi khí hậu cực đoan cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các chuyên gia và người dân. Vì vậy, cần xây dựng một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chung để theo dõi và đánh giá tình trạng xây dựng và quản lý đô thị, từ đó đưa ra các quyết định và giải pháp hiệu quả.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu và tác động của nó cũng rất quan trọng. Vì vậy, cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, diễn đàn và khóa đào tạo để tăng cường ý thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường và xây dựng bền vững.

Quản lý chất lượng công trình xây dựng là một vấn đề quan trọng, cần được quan tâm đúng mức. Chỉ có khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, chúng ta mới có thể đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, góp phần phát triển bền vững ngành Xây dựng.