Những cơn mưa đầu mùa kèm gió mạnh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp tạm thời “giải khát” cho cây trồng nhưng cũng tạo ra nguy cơ xảy ra sự cố sạt trượt đất, bờ taluy, cây ngã đổ,...
Nhiều cây thông ngã đổ ra lòng đường ĐT722, đoạn qua địa bàn huyện Lạc Dương trong cơn mưa lớn chiều 3/4 |
Theo ghi nhận những cơn mưa đầu mùa diễn ra rải rác tại một số địa phương như: Bảo Lâm, TP Bảo Lộc, Cát Tiên, Di Linh,... từ khoảng giữa tháng 4 tới nay. Tại những địa phương trên, các cơn mưa giúp một diện tích lớn cây trồng tạm thời bổ sung nguồn nước tưới nhưng hệ thống sông, suối, kênh mương được bổ sung nguồn nước từ các cơn mưa đầu mùa là chưa đáng kể. Riêng nguy cơ xảy ra sự cố cây ngã đổ, đất sạt trượt một số địa bàn đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.
Đơn cử tại TP Đà Lạt sau cơn mưa đá và mưa lớn chiều 1/4 đã xảy ra sự cố sạt trượt đất tại tại Km 225, đèo Prenn. Tuy lượng nhỏ đất đá bị sạt lở tràn ra mặt đường không nhiều nhưng đây là tuyến đường cửa ngõ chính vào TP Đà Lạt đã ảnh hưởng tới tình hình lưu thông của các phương tiện. Ngay khi đánh giá nguy cơ sạt trượt, các đơn vị chức năng địa phương đã cho chặt hạ 10 cây thông nằm ở sát mép phía trên đỉnh mái ta luy dương, có nguy cơ ngã đổ để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua đèo.
Năm 2023, Lâm Đồng ghi nhận 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất,... làm 13 người chết; hư hỏng, thiệt hại 236 căn nhà, 336 ha cây trồng, ngập úng cục bộ tại một số nơi trên địa bàn TP Đà Lạt và Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai... ước tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 70 tỷ đồng. Với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trong năm 2023 nêu trên thì ngay từ đầu mùa mưa năm nay, ngoài các giải pháp phòng, chống thiên tai từ chính quyền địa phương các cấp thì người dân cần nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, tránh để xảy ra mất an toàn đáng tiếc về người và tài sản. |
Hay tại đường ĐT722 đi qua địa bàn huyện Lạc Dương trong cơn mưa lớn, kèm gió mạnh chiều 3/4 khiến ít nhất 4 cây thông 3 lá lớn ngã đổ ra lòng đường nhưng may mắn không có phương tiện hay người dân nào bị cây ngã trúng. Còn tại khu vực đèo Bảo Lộc (TP Bảo Lộc), cơ quan chức năng nhận định tình hình thời tiết được dự báo có những diễn biến phức tạp, cực đoan hơn năm 2023. Các vị trí sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trên đèo Bảo Lộc trong mùa mưa 2024 có nguy cơ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ đầu mùa, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các khu vực, vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, ngập úng trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân và hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả do mưa lũ gây ra. Riêng tuyến đèo Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam xem xét và sớm cho phép đầu tư đối với công trình xử lý 12 điểm có nguy cơ sạt lở.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan sớm tổ chức rà soát, kiểm tra khả năng tiêu thoát lũ của công trình, hạ du các hồ đập, chủ động nạo vét khơi thông dòng chảy, hệ thống kênh tiêu để đảm bảo tiêu úng, thoát lũ, tránh xảy ra tình trạng ngập úng, lụt cục bộ, sạt lở đất nhất là tại các khu vực dân cư trong mùa mưa lũ 2024. Đối với công trình, dự án đang thi công, ngành Nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý dự án trực thuộc; Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng; Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức kiểm tra, báo cáo đánh giá tổng thể an toàn công trình đang trong giai đoạn thi công; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; đảm bảo hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, mùa mưa bão năm nay, tỉnh đã xây dựng nhiều phương án ứng phó với lũ lụt, sạt lở đất. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt cho các địa phương chủ động trong việc phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở đất, không để bị động, bất ngờ. Về các biện pháp phòng, chống thiên tai lâu dài, vừa qua cuối tháng 3/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh. Đề án có mục tiêu cụ thể đến năm 2025, hoàn thành bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét cho các vị trí, khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp giảm thiểu rủi ro do thiên tai ở mức thấp nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin