Thống kê tỷ lệ che phủ rừng 54,37% toàn tỉnh năm 2023 chưa đạt theo chỉ tiêu 55% của nghị quyết HĐND tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, công tác quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2023 đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình trạng phá rừng trái pháp luật và lấn, chiếm đất lâm nghiệp toàn tỉnh chưa ngăn chặn triệt để. Các vụ phức tạp, nổi cộm vẫn còn xảy ra, khối lượng lâm sản thiệt hại tăng 3%; chưa xác định đối tượng vi phạm chiếm 21,5%.
Bên cạnh đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng triển khai nhiều biện pháp, nhưng tính chủ động ứng phó trước khô hạn và nắng nóng kéo dài tại một số địa phương còn thấp; đã xảy ra 1 vụ cháy gây thiệt hại tài nguyên rừng và hầu hết các vụ cháy chưa tìm ra thủ phạm.
Với công tác trồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; quản lý, phục hồi rừng bị phá chưa hiệu quả, còn để đối tượng canh tác diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm.
Về phía các địa phương trong tỉnh đã tổ chức theo dõi và công bố hiện trạng rừng theo quy định. Tuy nhiên, quy trình cập nhật chưa đảm bảo, công tác tuần tra, kiểm tra biến động rừng còn chậm; việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý điều tra, giám sát tài nguyên rừng còn hạn chế.
“Một số địa phương chưa chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ che phủ rừng được các địa phương đưa vào nghị quyết không sát thực tế, dẫn đến vượt chỉ tiêu, nên không tiếp tục phấn đấu. Ngược lại, một số địa phương đưa chỉ tiêu quá cao, kết quả thực hiện không đạt…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng phân tích.
Đáng nói thêm, một số doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng không bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ, hoặc có bố trí lực lượng không có nghiệp vụ. Do đó còn thiếu linh hoạt xử lý tình huống phát sinh. Công tác đấu tranh với đối tượng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất lâm nghiệp chưa thường xuyên, liên tục, dẫn đến tác dụng phòng ngừa chưa cao.
Bởi vậy toàn tỉnh cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị và sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân để triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời, cần tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng, tránh mất cân đối giữa lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng với nhiệm vụ được đảm nhận...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin