Ðà Lạt: Cần nhân rộng Mô hình Phân loại rác thải tại nguồn

VIẾT TRỌNG 06:30, 21/05/2024

Đây là khuyến nghị của Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường khi kết thúc Dự án thí điểm Mô hình Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Phường 2, TP Đà Lạt.

Vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn ở Phường 2, TP Đà Lạt
Vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn ở Phường 2, TP Đà Lạt

HÌNH THÀNH THÓI QUEN 

Tên đầy đủ của Dự án thí điểm này là “Xây dựng Mô hình Thu gom, phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy” do Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng UBND TP Đà Lạt thực hiện trên địa bàn Phường 2, Đà Lạt từ tháng 7/2022 đến cuối năm 2023 vừa qua.

Nằm trên địa bàn trung tâm Đà Lạt, Phường 2 hiện có trên 3980 hộ dân, trên 16 ngàn nhân khẩu với 18 tổ dân phố; dân cư chủ yếu sinh sống bằng buôn bán, làm dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…, thu nhập bình quân đầu người nơi đây trên 60 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, người dân trên địa bàn Phường 2 lâu nay luôn có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường. Một ước tính, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn phường khoảng 0,5 kg/người/ngày; tuy nhiên, đường phố nơi đây được giữ gìn sạch đẹp, người dân không vứt rác ra đường, bỏ rác đúng giờ theo quy định (từ 17 giờ đến 19 giờ hàng ngày); tích cực tham gia Phong trào ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” làm sạch đường phố, trồng hoa, cây xanh quanh nhà. 

Để triển khai Dự án thí điểm Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở đây, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường đã phối hợp với địa phương tổ chức 18 lớp tập huấn với sự tham gia của hầu hết các hộ dân sinh sống trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ và cấp phát 3.982 thùng đựng rác thải sinh hoạt có 3 ngăn; phát 1.700 kg túi đựng rác thải phân loại; phát hơn 4.586 tờ rơi, 970 cuốn sổ tay hướng dẫn cho các hộ dân và cán bộ quản lý.

Đơn vị chức năng cũng phối hợp với địa phương tổ chức các đợt ra quân bảo vệ môi trường; thành lập tổ giám sát cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn.

Các hộ dân được hướng dẫn cụ thể phân loại rác thải sinh hoạt thành 3 loại: rác thải thực phẩm (vỏ trái cây, rau, thức ăn thừa…); rác thải có khả năng tái sử dụng (giấy, chai nhựa, kim loại...) và rác thải rắn sinh hoạt khác (rác thải vô cơ không có khả năng sử dụng hoặc tái chế, chai lọ thủy tinh, bóng đèn, quần áo cũ…). Mỗi loại rác thải được bỏ vào các ngăn riêng của thùng rác; đưa ra điểm tập kết rác trong khu vực theo lịch thu gom tùy theo loại rác thải nào.

Với 72 điểm tập kết rác trên địa bàn phường, thành phố có trang bị 1 thùng lớn dung tích 600 lít có nắp đậy để chứa rác thải. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ và có đủ phương tiện cho việc phân loại rác, Dự án đã hỗ trợ thêm 144 thùng lớn loại 660 lít có bánh xe lăn, mỗi điểm tập kết thêm 2 thùng để thu gom riêng 3 loại rác đã được phân loại. Toàn bộ số rác tại điểm tập kết rác được Công ty Cổ phần Đô thị Đà Lạt thu gom riêng cho từng loại rác theo các ngày trong tuần đã thống nhất trước với cộng đồng dân cư.

Rác thải sinh hoạt sau khi được vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố (tại xã Xuân Trường, Đà Lạt) được xử lý theo từng loại, trong đó rác thải thực phẩm được dùng như là nguyên liệu để sản xuất phân vi sinh bón cho cây trồng. Để sản xuất phân vi sinh, Dự án đã cử người tập huấn chuyển giao công nghệ về ủ phân cho cán bộ, nhân viên nhà máy. Với số rác thải có khả năng tái sử dụng được thu gom để tái chế; lượng rác thải sinh hoạt còn lại, vì không có khả năng sử dụng hoặc tái chế nên được đốt bằng hệ thống lò đốt; tro từ việc đốt chất thải này được chôn lấp tại bãi trong khuôn viên nhà máy.

Đánh giá sau thời gian triển khai thí điểm, Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, toàn bộ 100% các hộ dân trên địa bàn Phường 2, Đà Lạt đều biết và áp dụng rất tốt quy trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình.

• NÊN TRIỂN KHAI RỘNG RA TOÀN THÀNH PHỐ 

Vẫn còn những bất cập mà Dự án thí điểm chỉ ra, đó là một số gia đình kinh doanh nhà trọ trên địa bàn dù đã thực hiện phân loại nhưng chưa bỏ rác đúng màu túi theo quy định. Và cũng do lượng rác thải phát sinh của các hộ này nhiều, túi lại nhỏ nên không chứa hết được số rác thải.

Cùng đó, một số hộ gia đình vẫn mang nhầm túi, như các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật chỉ thu gom rác thải thực phẩm đựng trong túi màu xanh nhưng lại mang ra điểm thu gom túi màu vàng vốn chỉ dùng cho rác thải sinh hoạt khác. 

Cũng do việc cấp phát túi đựng căn cứ theo danh sách các hộ gia đình có tên do Phường quản lý nên một số hộ gia đình đi thuê nhà trọ không được phát túi, vì vậy các hộ gia đình này vẫn để chất thải lẫn vào trong các túi ni lông có nhiều màu khác nhau, gây nhầm lẫn cho việc thu gom. Còn các nhân viên đi thu gom, dù đã thống nhất màu túi và ngày thu gom nhưng khi các hộ gia đình để rác không đúng theo hướng dẫn vẫn cứ thu gom đưa lên xe chở rác.

Để duy trì nền nếp phân loại rác thải tại nguồn, Dự án đã đề nghị UBND Phường 2 tiếp tục tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các hộ dân trong thời gian đến, việc vận động thông qua các cuộc họp dân; tăng cường giám sát việc phân loại rác, bỏ rác đúng giờ, đúng túi theo màu quy định, đúng lịch thu gom đã thống nhất. 

Dự án cũng đề nghị Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt nên thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại theo hướng dẫn trong sổ tay hướng dẫn phân loại chất thải tại nguồn; phối hợp với UBND các phường trên địa bàn thành phố để xây dựng các điểm tập kết rác thải sinh hoạt sau phân loại phù hợp với đặc điểm của từng tuyến phố; thu gom đúng ngày theo quy định. 

Với Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh - đơn vị quản lý Nhà máy xử lý rác TP Đà Lạt, Dự án đề nghị cần tiếp tục sử dụng rác thải thực phẩm đã phân loại để làm phân vi sinh (compost); chôn lấp rác thải hợp vệ sinh; đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi chôn lấp và thường xuyên phun chế phẩm để xử lý chất thải và khử mùi tại đây.

Dự án trong dịp này đã đề nghị UBND TP Đà Lạt tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nhân rộng mô hình thu gom phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn thành phố để thuận tiện cho đơn vị thu gom bố trí nhân lực và phương tiện thu gom phù hợp với chất thải đã phân loại.

Thành phố cũng cần thường xuyên giám sát và chỉ đạo đơn vị thu gom, đơn vị xử lý rác thải sinh hoạt thực hiện tốt công tác thu gom rác thải sinh hoạt đã được phân loại; xử lý rác thải sinh hoạt đã phân loại theo công nghệ phù hợp; nghiên cứu đầu tư các điểm tập kết rác thải sinh hoạt sau khi phân loại để thuận tiện cho công tác thu gom; đầu tư thêm phương tiện thu gom và kiểm tra thường xuyên công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại.

Trung tâm Công nghệ và Dữ liệu kiểm soát ô nhiễm môi trường trong dịp này cũng đề nghị UBND TP Đà Lạt cần sớm nghiên cứu ban hành quy định bắt buộc người dân phải thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt cần thu gom rác thải sinh hoạt đã phân loại theo hướng dẫn, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh phải xử lý rác thải sinh hoạt đã phân loại theo yêu cầu, cụ thể đó là làm phân composst, đốt, tái chế và xử lý hợp vệ sinh.