Trong chương trình tiếp và làm việc với doanh nghiệp hằng tháng của tháng 5 vừa qua (20/5/2024), nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; có 2 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch kiến nghị tạo điều kiện để tiếp tục hoạt động ổn định, là Công ty TNHH Tam Anh và Hợp tác xã (HTX) Du thuyền Hồ Tuyền Lâm.
Ban Giám đốc HTX Du thuyền Hồ Tuyền Lâm kiến nghị tạo điều kiện để được tiếp tục hoạt động dịch vụ trên mặt nước hồ Tuyền Lâm |
• TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG HƠN 1 NĂM
Ông Tưởng Hữu Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Tam Anh Đà Lạt, đang vận hành Khu du lịch (KDL) Đồi Mây (thôn Tuý Sơn, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) trên đất thuê của ông Trần Như Tiến (thực hiện hoạt động du lịch nông thôn với thời hạn 10 năm), gồm 2 phần đất (có giấy chứng nhận sử dụng và đất không có giấy tờ). Hơn một năm nay, bà Đặng Thị Huệ có đơn kiện KDL Đồi Mây chiếm dụng đường đi trên phần đất không có giấy tờ. Vụ việc tranh chấp lối đi chung kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, canh tác và kinh doanh phát triển điểm du lịch nông thôn của doanh nghiệp tại KDL Đồi Mây Đà Lạt.
Tại chương trình tiếp và làm việc với doanh nghiệp tháng 5, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết: Thành phố đã giao cho xã Xuân Thọ rà soát hồ sơ, đo vẽ, kiểm tra lại hiện trạng, ranh giới đất của 2 hộ dân và phần đất tranh chấp. Chính quyền xã Xuân Thọ đề nghị dời thời hạn giải quyết đến 31/5/2024.
Về nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Tam Anh Đà Lạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc, giải thích: Tranh chấp đất đai mà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có căn cứ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng ở trường hợp này là tranh chấp phần đất chưa có giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, đây là đất doanh nghiệp thuê của người dân, nên thực chất là tranh chấp đất của 2 hộ dân, vì vậy thẩm quyền giải quyết là của chính quyền xã Xuân Thọ. Theo đề nghị của UBND xã Xuân Thọ về thời hạn giải quyết, ông Phúc đề nghị doanh nghiệp Tam Anh chờ kết quả xác minh của xã.
Ngày 24/5/2024, UBND tỉnh ra văn bản, yêu cầu UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương kiểm tra kiến nghị của Công ty Tam Anh Đà Lạt về việc giải quyết lối đi chung tại thửa đất số 86, tờ bản đồ số 28, thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt; có văn bản trả lời đến doanh nghiệp kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 15/6/2024, đồng thời gửi UBND tỉnh theo dõi.
• NGƯNG HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ TRÊN MẶT NƯỚC HỒ TUYỀN LÂM
Cũng tại chương trình tiếp và làm việc với doanh nghiệp tháng 5, HTX Du thuyền Hồ Tuyền Lâm kiến nghị được nhanh chóng ký kết hợp đồng thuê mặt nước do Ban Quản lý KDL Quốc gia (BQL KDLQG) Hồ Tuyền Lâm quản lý để tiếp tục kinh doanh.
Theo phản ánh của HTX Du thuyền Tuyền Lâm, ngày 23/4/2024, Ban BQL KDLQG Hồ Tuyền Lâm gửi Thông báo 159/TB-BQL yêu cầu chấm dứt hoạt động dịch vụ trên mặt nước hồ Tuyền Lâm từ 25/4/2024. Ông Phạm Anh Đức - Chủ tịch HĐQT HTX Du thuyền Hồ Tuyền Lâm, cho biết: Mặc dù ban đầu là hoạt động tự phát, đến năm 2009 mới chính thức thành lập HTX, nhưng các dịch vụ trên mặt nước hồ Tuyền Lâm (chở khách vào các điểm du lịch, chèo thuyền kayak…) rất hấp dẫn du khách. Suốt 30 năm hoạt động, HTX đã tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, thú vị riêng của Đà Lạt; công tác bảo đảm an toàn luôn được HTX chú trọng, chưa để xảy ra sự việc đáng tiếc nào. HTX đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, được Liên minh HTX tỉnh cấp giấy chứng nhận là HTX điển hình tiên tiến…
Ông Chế Vũ Vũ - Phó Ban quản lý KDLQG Hồ Tuyền Lâm, cho biết: Theo quy định hiện nay, việc thuê mặt nước hoạt động dịch vụ, HTX phải đấu thầu theo luật với BQL KDL Hồ Tuyền Lâm. Còn theo ông Nguyễn Văn Gia - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải: Từ khi có quy định quản lý hoạt động Bến Du Thuyền thì chất lượng phương tiện thuỷ nội địa và người lái đã được công nhận. Theo quy định mới, bến neo đậu tàu thuyền bị dỡ bỏ và phải có công bố khu vực thủy nội địa. Tuy nhiên, việc quy định hoạt động thủy nội địa phải có khảo sát vùng mặt nước có công bố vùng hoạt động thủy nội địa.
Vấn đề ở đây là: Theo quy định hiện hành, HTX Du thuyền Hồ Tuyền Lâm muốn được tiếp tục hoạt động phải tham gia đấu thầu quyền thuê mặt nước với BQL KDLQG Hồ Tuyền Lâm. Nhưng, muốn khai thác các hoạt động trên mặt nước, BQL KDLQG Hồ Tuyền Lâm phải thực hiện đề án khai thác mặt nước và phải có công bố khu vực thủy nội địa. Tuy nhiên, cũng theo quy định, BQL KDLQG Hồ Tuyền Lâm không được quyền thu tiền dịch vụ…
Ông Phạm Anh Đức, bày tỏ trăn trở: Nhiều năm nay, HTX đã thực hiện ký kết hợp đồng thuê mặt nước và kinh doanh an toàn. Các văn bản, chủ trương và hướng giải quyết của UBND tỉnh ban hành là để đảm bảo an toàn. Nhưng 56 thành viên HTX Du thuyền Hồ Tuyền Lâm, sau Thông báo 159/TB-BQL của BQL KDLQG Hồ Tuyền Lâm về yêu cầu chấm dứt hoạt động dịch vụ trên mặt nước hồ Tuyền Lâm không có việc làm, bị ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các gia đình và nguy cơ phải bồi thường các hợp đồng đã ký trước đó về cung cấp dịch vụ vận chuyển khách trên hồ; thậm chí là nguy cơ HTX phải giải thể, thiệt hại hàng chục tỷ đồng đầu tư phương tiện nếu không biết thời hạn giải quyết là khi nào…
Tại chương trình làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính phối hợp với BQL KDLQG Hồ Tuyền Lâm sớm hoàn thành đề án và khu vực bến thuyền; đồng thời, xác định rõ thời điểm hoàn thành các thủ tục để nhanh chóng công bố khu vực thủy nội địa an toàn, thông báo cho đơn vị và tổ chức thực hiện đấu thầu… Đối với HTX Du thuyền Hồ Tuyền Lâm, ông Phúc đề nghị, do không thể tiếp tục các hoạt động kinh doanh trên mặt nước hồ Tuyền Lâm, nên HTX cố gắng thương lượng với đối tác để giải quyết các hợp đồng đã ký hoặc chuyển hoạt động thuê dịch vụ trên mặt hồ sang các hoạt động du lịch khác…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin