Đơn Dương báo cáo nội dung phản ảnh của Báo Lâm Đồng

ĐÔNG ANH 14:14, 06/05/2024

(LĐ online) - UBND huyện Đơn Dương đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh các nội dung mà Báo Lâm Đồng phản ánh qua bài viết Những ngọn đồi bị “bức tử” tại vựa rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng đăng tải ngày 24/4. Báo cáo được gửi đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng và một số cơ quan, đơn vị liên quan.

2 xe vận chuyển đất từ thôn Pró trong đi ngang qua Trường THCS xã Pró vào sáng 19/4
2 xe vận chuyển đất từ thôn Pró Trong đi ngang qua Trường THCS xã Pró vào sáng 19/4. Ảnh cắt từ Video clip

Theo báo cáo này, UBND huyện Đơn Dương xác định có 11 vị trí tại 2 thị trấn D’ran, Thạnh Mỹ và 4 xã Tu Tra, Ka Đơn, Ka Đô, Pró có hoạt động “san gạt, cải tạo mặt bằng”. Ở hầu hết các vị trí này, UBND huyện Đơn Dương đều xác định chủ sở hữu các thửa đất đều “không có văn bản cho phép san gạt, cải tạo mặt bằng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; có một vài vị trí thì đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, còn lại đa số thì chưa lập thủ tục xử lý.

Báo cáo của UBND huyện Đơn Dương chỉ xác định một số xe máy đào, xe ô tô dùng để san gạt, cải tạo mặt bằng tại một vài vị trí nhưng chưa xác định rõ việc vận chuyển đất đi nơi khác như Báo Lâm Đồng đã phản ảnh.

Trong nội dung kết luận của báo cáo, UBND huyện Đơn Dương cho rằng: “Thông tin phản ảnh của báo chí về việc san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất đá trái phép là có diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ lẻ, diện tích đất tác động thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình, cá nhân" (!?).

Đối với các phương tiện vận chuyển khoáng sản qua xã Tu Tra và Ka Đơn phần lớn là xuất phát từ 2 đơn vị đã được cấp phép khai thác khoáng sản là Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng Việt Tân và Công ty TNHH THC.

2 xe chở đất từ thôn P ró Trong (xã P ró) đến đổ tại đường Nguyễn Văn Linh (thị trấn Thạnh Mỹ) vào trưa 11/4. Ảnh cắt từ Video clip
2 xe chở đất từ thôn Pró Trong (xã Pró) đến đổ tại đường Nguyễn Văn Linh (thị trấn Thạnh Mỹ) vào trưa 11/4. Ảnh cắt từ Video clip

Liên quan đến việc vận chuyển đất từ mỏ đá đi phục vụ Dự án đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ, ông Lê Hữu Chiến – Giám đốc Công ty TNHH Hưng Nguyên, đã có phản hồi và cung cấp chứng từ về hợp đồng mua bán đất với Công ty TNHH THC để thực hiện dự án này.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/5, trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Trước đây, trong phê duyệt thì Dự án đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ sử dụng nguồn đất nơi khác để thi công. Tuy nhiên, đến hiện tại do nhiều nguyên nhân nên nguồn đất này đang bị bế tắc, không thể khai thác sử dụng. Do đó, Công ty Hưng Nguyên đã chủ động tìm mua nguồn đất khác để phục vụ thi công công trình. Việc mua đất theo đơn giá thị trường như thế này sẽ làm tăng chi phí đầu tư các hạng mục công trình Dự án, vì nếu sử dụng nguồn như được phê duyệt trước đây thì đơn vị thi công chỉ phải đóng phí tài nguyên, thuế khoáng sản.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Tịnh, để chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý về khoáng sản, đất đai, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xác minh các nội dung Báo Lâm Đồng phản ánh; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan trong công tác quản lý khoáng sản, đất đai.

Ngoài ra, UBND huyện cũng đã giao cho Phòng Nội vụ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các xã, thị trấn: Tu Tra, Ka Đơn, Ka Đô, P’ró, D’ran, Thạnh Mỹ.

Một xe chở đất từ một ngọn đồi thuộc xã Pró chạy ngang qua cánh đồng trồng rau của người dân
Một xe chở đất từ một ngọn đồi thuộc xã Pró chạy ngang qua cánh đồng trồng rau của người dân. Ảnh cắt từ Video clip

UBND huyện Đơn Dương cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn liên quan kiểm tra, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác, vận chuyển đất trái phép mà không xử lý triệt để; đồng thời, có trách nhiệm lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với các vị trí san gạt, cải tạo mặt bằng, vận chuyển đất nếu có đối với phần diện tích đã tác động theo kết quả đã đo đạc.

Công an huyện tiếp tục phối hợp với các phòng, cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn xác minh, làm rõ hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyên đất để xử lý nghiêm theo quy định. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ hoạt động đổ cát xuống lòng sông Đa Nhim để xịt rửa, sau đó bơm hút lên bãi tập kết của Công ty TNHH Lê Văn Oai Lâm Đồng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian thực hiện các nội dung trên chậm nhất đến ngày 20/5/2024 phải gửi báo cáo kết quả về UBND huyện.

UBND huyện Đơn Dương chỉ đạo Công an huyện xác minh, làm rõ hoạt động đổ cát xuống lòng sông Đa Nhim để xịt rửa, sau đó bơm hút lên bãi tập kết của Công ty TNHH Lê Văn Oai Lâm Đồng. Ảnh cắt từ Video clip

Khu vực khai thác đất tại thôn Ka Đô cũ (xã Ka Đô) mà Báo Lâm Đồng phản ánh dùng để làm “phôi cát” chở về đổ xuống tại một đoạn bờ sông Đa Nhim qua địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ để rửa lấy cát, UBND huyện Đơn Dương xác định khu vực tác động thuộc một phần các thửa đất số 638, 639; tờ bản đồ số 27, xã Ka Đô; diện tích đã tác động 1.976 m². Chủ sử dụng đất là bà Nguyễn Thuỳ Linh (trú tại thôn Giãn Dân, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương).

Về quy hoạch sử dụng đất, phần diện tích đất trên được quy hoạch là trồng cây hàng năm khác và một phần là đất lâm nghiệp. Tại đây, không có văn bản cho phép san gạt, cải tạo mặt băng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Qua xác minh, vào khoảng tháng 6/2023, do có nhu cầu lấy mặt bằng sản xuất nông nghiệp nên bà Linh có tiến hành san gạt, cải tạo mặt bằng tại khu vực nói trên. Đến khoảng tháng 2/2024, thì có tiếp tục đào hồ và san gạt, cải tạo khu vực đất xung quanh thuộc thửa đất số 639.

Bà Linh có nhờ ông Nguyễn Hữu Tuấn (bố ruột của bà Linh) thực hiện hoạt động nói trên nhưng không xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngày 12/4/2024, ông Nguyễn Hữu Tuấn có sử dụng 1 máy đào bánh xích và 1 xe ô tô tải để tiên hành san gạt, cải tạo mặt bằng không phép. UBND xã Ka Đô đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thùy Linh về hành vi làm biến dạng địa hình.