Gỗ cốp pha theo quy định chỉ gần 98 ngàn đồng/m2, nhưng trong thực hiện đề án do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư đã lập với giá hơn 2,2 triệu đồng/m2.
Đề án nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh |
Vụ việc được Thanh tra tỉnh chỉ ra ở Kết luận thanh tra về công tác đấu thầu và thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là Đề án).
Theo Kết luận thanh tra, giá trị ban đầu của Đề án là trên là 311 tỷ đồng, nhưng đến tháng 6/2022, UBND tỉnh ban hành quyết định 1171/QĐ-UBND phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện Đề án với tổng kinh phí sau điều chỉnh là hơn 305 tỷ đồng. Đề án do Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2024.
Sau khi lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trên cơ sở đề nghị của Sở TN&MT và báo cáo thẩm định của Sở Tài chính, tháng 8/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1425/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Đề án với tổng dự toán là 305,565 tỷ đồng, trong đó phần việc đã thực hiện hơn 2,5 tỷ đồng, phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu 302,9 tỷ đồng.
Đề án có tổng cộng 6 gói thầu, trong đó gói 1 và 2 được chỉ định thầu với quy trình rút gọn và có giá trị 100 triệu đồng/gói thầu. Gói thầu số 3 có giá trị hơn 101,5 tỷ đồng; Gói thầu số 4 có giá trị hơn 97,3 tỷ đồng; Gói thầu số 5 hơn 92,4 tỷ đồng; Gói thầu số 6 hơn 11,4 tỷ đồng. Các gói thầu này đều đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà thầu qua mạng với quy trình một giai đoạn, hai túi hồ sơ.
Qua kiểm tra tài liệu, hồ sơ 6 gói thầu thuộc Đề án, cho thấy Sở TN&MT thực hiện lập Hồ sơ mời thầu qua mạng (E-HSMT) và tổ chức lựa chọn nhà thầu theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Các Hồ sơ dự thầu qua mạng (E-HSDT) của các nhà thầu trúng thầu đều phù hợp với các E-HSMT và bảng dữ liệu dự thầu của bên mời thầu. Và trong quá trình thực hiện công tác đấu thầu, Sở TN&MT đã làm việc với đơn vị nhà thầu để làm rõ và giải quyết kiến nghị của nhà thầu.
Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy công tác lựa chọn nhà thầu, lập, thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Đề án còn hạn chế, sai sót. Cụ thể, khi thực hiện lựa chọn nhà thầu với Gói thầu số 3 (lần 1), chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu làm rõ hồ sơ dự thầu khi nhận thấy sự chưa rõ ràng của tài liệu chứng minh sự phù hợp về năng lực và kinh nghiệm tại E-HSDT của nhà thầu là chưa thực hiện đầy đủ quy trình xét thầu theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Cùng với đó, đơn vị tư vấn lập dự toán kinh phí - Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật thuộc Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội trong quá trình lập dự toán không căn cứ, áp dụng đơn giá vật liệu đúc mốc của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định, áp dụng đơn giá gỗ cốp pha tại hạng mục đúc mốc cao hơn quy định hơn 2,1 triệu đồng/m2 (đơn giá gỗ cốp pha do đơn vị tư vấn lập là hơn 2,2 triệu đồng/m2, trong khi tại Thông báo giá vật liệu xây dựng của Sở Xây dựng tại Văn bản số 2123/SXD-KTVLXDQLN&TTBĐS ngày 15/10/2021 về công bố giá vật liệu xây dựng quý IV/ 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là gần 98 ngàn đồng/m2). Từ đó dẫn đến dự toán hạng mục cắm mốc lớn hơn quy định hơn 18,8 tỷ đồng, trong đó chênh lệch 8.317 mốc là khoảng hơn 18 tỷ đồng; chi phí kiểm tra, nghiệm thu khoảng 767 triệu đồng.
Kết quả làm việc tại Biên bản ngày 22/2/2022, cho thấy Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở TN&MT không thực hiện rà soát về đơn giá vật liệu của dự toán các gói thầu là không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của UBND tỉnh. Việc lập, thẩm định dự toán kinh phí thực hiện các gói thầu cũng chưa chặt chẽ, sai sót trong quá trình lập, thẩm định dẫn đến dự toán kinh phí thực hiện Đề án lớn hơn quy định, tạo kẻ hở cho các nhà thầu hưởng lợi khi thi công các gói thầu 3, 4, 5 và nhà thầu giám sát thi công các gói thầu nêu trên.
Cùng với đó, qua kiểm tra thực tế tại một số khu vực thi công, các đơn vị thi công thực hiện đúc mốc chưa đảm bảo đầy đủ về chất lượng (chất lượng bê tông chưa đều, một số mốc chưa đảm bảo kích thước chiều dài thanh sắt). Và cắm mốc trên ranh giới do các đơn vị chủ rừng đề xuất nhưng chưa được UBND tỉnh phê duyệt là chưa phù hợp. Về phía chủ đầu tư - Sở TN&NT thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện Đề án; không thực hiện đầy đủ quy trình xét thầu theo quy định.
Từ thực tế trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành; các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Chủ tịch UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc; các đơn vị đầu tư, bên mời thầu nghiêm túc thực hiện lập, thẩm tra, thẩm định dự toán kinh phí thực hiện gói thầu theo đúng quy định.
Và, yêu cầu các nhà thầu tạm dừng thi công, nghiệm thu thanh toán các gói thầu số 3, 4, 5 của Đề án trước khi UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự toán kinh phí thực hiện Đề án. Kiểm tra, rà soát lại dự toán kinh phí thực hiện Đề án theo đúng quy định để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự toán gói thầu…
Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, xử lý, làm rõ trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan đến các tồn tại, sai phạm trong việc triển khai thực hiện Đề án.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin