Giải pháp để người dân hài lòng về chất lượng bệnh viện

AN NHIÊN 06:12, 03/05/2024

Sở Y tế Lâm Đồng đã tiến hành rà soát đánh giá các nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 lĩnh vực y tế. Đồng thời, đề ra giải pháp khắc phục để nâng cao chỉ số PAPI đối với đánh giá của người dân về Chất lượng bệnh viện công lập tuyến huyện.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CHỈ SỐ PAPI LĨNH VỰC Y TẾ CÔNG

Theo kết quả đánh giá năm 2023 chỉ số PAPI đối với đánh giá của người dân về "Chất lượng bệnh viện công lập tuyến huyện năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng" cho thấy: Tỷ lệ người trả lời đồng ý với mức độ Hoàn hảo cho 10 tiêu chí đánh giá, Lâm Đồng đang xếp vị trí 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỷ lệ này thấp hơn so với năm 2022 (Lâm Đồng xếp vị trí 12/63 tỉnh, thành).

Sở Y tế Lâm Đồng đã phân tích các nguyên nhân cụ thể đối với 10 tiêu chí được đưa ra để người dân đánh giá về Chất lượng bệnh viện công lập tuyến huyện năm 2023 bao gồm: Người bệnh không phải nằm chung giường; phòng bệnh có quạt máy; nhà vệ sinh sạch sẽ; cán bộ y tế trực thường xuyên; thái độ phục vụ bệnh nhân tốt; chi phí khám, chữa bệnh hợp lý; không phải chờ đợi quá lâu; khỏi hẳn bệnh khi xuất viện; bác sĩ không chỉ định điểm mua thuốc; hài lòng với dịch vụ y tế bệnh viện.

Hiện nay, tổng số giường bệnh tại các bệnh viện trong toàn tỉnh là 2.895 giường, tăng 160 giường so với năm 2022. Trong đó, bệnh viện công lập là 2.670 giường bệnh và bệnh viện tư nhân là 225 giường bệnh. Để đáp ứng nhu cầu nằm viện, đảm bảo mỗi người bệnh khi vào viện đều có giường bệnh nằm, các cơ sở khám, chữa bệnh đều kê tăng số giường bệnh nên số giường thực kê cao hơn số giường bệnh theo kế hoạch giao. Hiện số giường thực kê tại các bệnh viện trong toàn tỉnh là 3.483 giường. Tuy nhiên, hiện nay, tại một số bệnh viện, do số lượng người bệnh đông nên đôi khi vẫn còn xảy ra tình trạng có buồng bệnh trong các khoa người bệnh nam, nữ còn phải nằm chung phòng. Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng thêm giường bệnh đảm bảo không để xảy ra tình trạng nằm ghép và nằm chung phòng nam nữ. Phấn đấu chỉ tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt 3.295 giường bệnh, đạt chỉ tiêu 24 giường bệnh/10.000 dân.

Với khí hậu tại tỉnh Lâm Đồng, hiện nay các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh hầu hết không trang bị quạt máy tại các phòng bệnh; chỉ có các huyện có khí hậu nóng như Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh phòng bệnh mới có trang bị quạt máy; do vậy với tiêu chí này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chỉ số đánh giá của người dân đối với hệ thống y tế tại tỉnh Lâm Đồng.

Tại một số bệnh viện, mỗi phòng bệnh đều có nhà vệ sinh, do đó rất thuận tiện cho người bệnh, hơn nữa mỗi phòng bệnh có ít người bệnh nên nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, khô ráo. Tuy nhiên, hiện nay, tại một số đơn vị như Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, hầu hết các khoa chỉ có một khu nhà vệ sinh sử dụng chung cho toàn bộ người bệnh trong khoa nên số lượng người bệnh đông, nhà vệ sinh sử dụng liên tục kèm theo ý thức giữ vệ sinh của một số người bệnh, người nhà người bệnh chưa cao nên nhà vệ sinh chưa được sạch sẽ. Ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch xây dựng thêm nhà vệ sinh, tăng cường hộ lý thường xuyên có mặt tại các nhà vệ sinh.

Hiện nay, 100% các đơn vị trong toàn ngành Y tế tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác thường trực, cấp cứu theo 4 cấp: Trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính và bảo vệ. Hàng tuần, các đơn vị đều có lịch trực và được giám đốc đơn vị phê duyệt, cán bộ y tế đảm bảo thường trực theo quy định. Các đơn vị trong ngành chú trọng hoạt động đảm bảo sự hài lòng của người dân về sử dụng dịch vụ y tế. Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh đối với các đơn vị trong toàn ngành Y tế Lâm Đồng năm 2023 đều đạt trên 90%. Trong đó, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú là 96,73% và tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngoại trú là 94,53%. Đối với tiêu chí đánh giá Tỉ lệ người dân (có người thân hoặc bản thân) đi điều trị ở bệnh viện tuyến quận, huyện đã phải “chung chi”, Sở Y tế tỉnh chưa ghi nhận phản ánh về nội dung này. Để nâng cao chỉ số hài lòng của người bệnh về chi phí khám, chữa bệnh hợp lý, ngành Y tế tỉnh không ngừng tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, tập trung phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, ngành Y tế đẩy mạnh việc quản lý và chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngay từ tuyến y tế cơ sở. 

Hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh trong ngành Y tế đã và đang áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng quy trình tiếp đón và khám, chữa bệnh, tăng cường nhân lực để giảm tối đa thời gian chờ khám của người bệnh. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện tuyến tỉnh số lượng người đến khám đông nên vẫn còn tình trạng người bệnh phải chờ lâu khi đi khám, chữa bệnh. Trong năm 2024, ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức khám, chữa bệnh từ xa, tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh; tiếp tục cải tiến quy trình tiếp đón, tăng cường nhân lực đón tiếp và bác sỹ khám bệnh để giảm thiểu tối đa tình trạng người bệnh phải chờ lâu khi đi khám, chữa bệnh.

Các bệnh viện đã kiện toàn hội đồng quản lý chất lượng bệnh viện, tổ quản lý chất lượng, triển khai các nội dung của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện đến các khoa, phòng trực thuộc và triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện. Trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận phản ánh của người dân về tình trạng bác sĩ kê đơn và chỉ định điểm mua thuốc. Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Đến nay, hệ thống y tế công lập trên toàn tỉnh có hàng triệu đơn thuốc được liên thông lên hệ thống Đơn thuốc quốc gia.

• GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NÂNG CAO CHỈ SỐ PAPI 

Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng trực tiếp chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC) ngành Y tế Lâm Đồng. 

Các Phó Giám đốc Sở Y tế cùng với giám đốc các đơn vị được giao phụ trách, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về CCHC. Tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Lãnh đạo các đơn vị gương mẫu trong việc thực hiện các nội dung trong công tác CCHC, đặc biệt các nội dung liên quan đến sự hài lòng của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Lãnh đạo các phòng thuộc Sở Y tế căn cứ các nội dung trong công tác CCHC theo lĩnh vực được giao, đôn đốc các đơn vị thực hiện, tham mưu đánh giá kết quả thực hiện gắn với việc bình xét thi đua khen thưởng hàng năm của đơn vị.

Ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục tổ chức các diễn đàn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế, ngoài các buổi làm việc trực tiếp tại các đơn vị, định kỳ cuối năm, Sở Y tế còn lấy phiếu khảo sát sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế. Qua việc tiếp thu ý kiến của nhân viên y tế, Sở Y tế và các đơn vị, tổ chức có liên quan cùng phối hợp để có phương án nhằm giảm bớt khó khăn, động viên kịp thời lực lượng y tế các tuyến, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tiếp tục xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực mới có chuyên môn tay nghề cao, giữ chân những nhân viên y tế hiện tại cũng như nâng cao chất lượng phục vụ, khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.