Mong mỏi một cây cầu

CHÍNH PHONG - HỒNG THẮM 11:02, 14/05/2024

(LĐ online) - Cây cầu treo Thanh Hà bắc qua suối Cam Ly kết nối 3 thôn xã Đông Thanh với thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) đã bị dòng nước lũ cuốn trôi vào tháng 6/2023. Từ đó đến nay, hàng trăm hộ dân phải vất vả chở con đi học, vận chuyển nông sản và đi chợ hằng ngày ra khu vực thị trấn Nam Ban bằng đường vòng rất xa, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt của bà con Nhân dân. 

Cây cầu treo Thanh Hà bị nước lũ cuốn trôi thành cầu, chỉ còn 4 trụ sắt hai bên cầu

DÂN PHẢI ĐI ĐƯỜNG VÒNG THÊM 4KM

Theo phản ánh của người dân địa phương, cây cầu treo Thanh Hà nối địa phận xã Đông Thanh qua thị trấn Nam Ban được xây dựng từ năm 2000 do nguồn vốn từ Đan Mạch hỗ trợ.

Cây cầu treo trên dài hơn 23m, rộng 1,7m và thân cầu bằng sắt, hai bên có 4 trụ sắt lớn cùng dây cáp đỡ cầu. Từ khi cầu được xây dựng, vận hành đã rút ngắn khoảng cách đáng kể, giúp hàng trăm hộ dân ra thị trấn Nam Ban đi từ 4 tới 5km xuống còn khoảng 300 tới 500m.

Theo thống kê từ xã Đông Thanh, phía bên kia cầu có hơn 2.000ha đất trồng cà phê, cây ăn trái của người dân 3 thôn Thanh Hà, Thanh Trì và Đông Hà với hơn 4.000 nhân khẩu. Mỗi ngày (khi cầu còn hoạt động) có đến hàng trăm lượt người và phương tiện (xe máy và xe đạp) qua lại để vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất cũng như chở con em mình đi học, đi chợ tại khu vực thị trấn Nam Ban.

Người dân thôn Thanh Hà phải chở nông sản, đưa con đi học bằng đường vòng gần 5km ra thị trấn Nam Ban từ khi cầu treo bị lũ cuốn trôi

“Trải qua 23 năm sử dụng, dù nhiều lần hư hỏng nhẹ nhưng cây cầu nối 3 thôn xã Đông Thanh qua thị trấn Nam Ban đã góp phần quan trọng trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản và phục vụ cho con trẻ đến trường. Tuy nhiên, tới tháng 6/2023, mưa lũ đổ về dữ dội đã đánh sập cây cầu hoàn toàn. Nhà tôi và hàng trăm hộ dân thôn Thanh Hà phải đi đường vòng ra chợ Nam Ban, vận chuyển hàng hóa hàng ngày đi xa thêm gần 5km. Các thôn khác thì phải đi vòng từ 2 tới 3km làm bà con tốn nhiều công sức hơn”, ông Đỗ Khắc Bột (58 tuổi), có đất canh tác và nhà ở ngay sát mép cầu Thanh Hà bên phía xã Đông Thanh, chia sẻ.

Còn theo anh Phạm Văn Điệp, người dân thôn Thanh Hà cho biết, những vấn đề khó khăn trong đi lại hàng ngày các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương quan tâm tháo gỡ.

“Gần 1 năm nay, tôi phải đi xa hơn từ 4 tới 5km để đưa con học ngoài thị trấn Nam Ban. Không chỉ có gia đình tôi mà nhiều gia đình trong thôn cũng có con đi học ngoài thị trấn và mỗi ngày đưa đi đón đều bất tiện hơn nhiều với trước đây”, anh Phạm Văn Điệp nói và cho biết thêm, hiện nay xã Đông Thanh chưa có chợ nên bà con Nhân dân đều phải đi đường vòng qua chợ Gia Lâm và chợ Nam Ban. Ngoài đi đường nhựa vòng ra đường ĐT.725, người dân cũng đi đường vòng qua 1 cây cầu treo khác trên suối Cam Ly để qua khu vực thị trấn.

Người dân đi đường vòng từ 3 thôn xã Đông Thanh ra thị trấn Nam Ban qua 1 cây cầu treo khác trên suối Cam Ly

• MONG MUỐN CÓ MỘT CÂY CẦU BÊ TÔNG

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Thế - Chủ tịch UBND xã Đông Thanh, cho biết: Qua các cuộc họp, người dân đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng từ khi cây cầu treo bị lũ cuốn trôi tháng 6/2023 tới nay phải vất vả đi đường vòng thêm 4 - 5km để ra khu vực thị trấn Nam Ban, ra đường ĐT.725 để lên TP Đà Lạt.

“Đêm 29/6/2023, cây cầu treo và thành cầu bị nước cuốn trôi xuống hạ lưu khoảng 100m. Từ đó đến nay, nhu cầu đi lại cấp thiết, chính đáng của cả ngàn hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu để lưu thông thuận tiện qua thị trấn Nam Ban là rất lớn. Vừa qua, từ kiến nghị của xã, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng của huyện Lâm Hà đã về đo đạc, khảo sát để xây mới cầu treo Thanh Hà bằng cầu bê tông với nguồn vốn từ Trung ương”, ông Thế thông tin.

Theo Chủ tịch UBND xã Đông Thanh, quá trình khảo sát, các đơn vị chức năng huyện Lâm Hà đã làm việc với 6 hộ dân có đất hai bên đầu cầu dự kiến và đã thống nhất bằng văn bản diện tích người dân hiến đất để Nhà nước thực hiện dự án xây cầu Thanh Hà nối xã Đông Thanh và thị trấn Nam Ban. Liên quan tới cây cầu bị cuốn trôi nêu trên, UBND huyện Lâm Hà cũng có phương án làm lại cầu treo Thanh Hà (dành cho người và xe máy đi qua) với số vốn khoảng 2 tỷ từ nguồn vốn địa phương. 

Người dân đi lại trên cầu treo Thanh Hà nguy hiểm trước khi bị lũ cuốn trôi tháng 6/2023. Mong mỏi của hàng trăm hộ dân tại đây là được xây một cây cầu bê tông, xe ô tô có thể lưu thông thuận tiện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

“Cây cầu treo hoạt động từ 23 năm trước, khổ cầu hẹp chỉ dành cho xe máy và người đi bộ lưu thông cho tới khi bị lũ cuốn trôi. Hiện nay, nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản bằng xe ô tô qua cầu của hàng trăm hộ dân rất cấp thiết nên mong muốn người dân và chính quyền xã Đông Thanh chúng tôi là được UBND huyện Lâm Hà cùng các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng xem xét, tạo điều kiện để có một cây cầu bê tông xe ô tô, máy cày,... có thể lưu thông 2 chiều qua thị trấn Nam Ban ngắn nhất, đáp ứng nhu cầu đi lại, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai”, ông Thế kỳ vọng.

Được biết, sau khi UBND huyện Lâm Hà có tờ trình lên các sở, ngành và UBND tỉnh Lâm Đồng xin chủ trương xây dựng cầu Thanh Hà bằng nguồn vốn Trung ương, hiện nay Sở Giao thông Vận tải đang tiếp tục rà soát các hạng mục cầu treo, cầu sắt yếu, cầu hư hỏng không thể sử dụng trên địa bàn cả tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét đề nghị các bộ, ngành liên quan bố trí cấp nguồn vốn nâng cấp, làm mới.