Theo Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ, TP Bảo Lộc có hơn 4.284 ha thuộc ranh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đang gây nhiều khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… TP Bảo Lộc đang có những kiến nghị gửi UBND tỉnh để đề xuất Chính phủ, xem xét tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và Nhân dân.
Định hướng quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 là đô thị sinh thái, thông minh, đa chức năng |
• NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG GẶP KHÓ
TP Bảo Lộc được xác định là trung tâm kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, với 6 phường và 5 xã. Địa phương có tổng diện tích tự nhiên là 23.395,50 ha; dân số hiện tại hơn 162.500 người, chiếm 12,24% dân số toàn tỉnh.
Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quyết định 866). Kết quả rà soát của TP Bảo Lộc theo Quyết định 866 cho thấy, diện tích khu vực quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố là hơn 4.284 ha thuộc các xã, phường như: Đam B’ri, Lộc Phát, Lộc Tiến, Lộc Châu và Phường 2; trong đó, quy hoạch thăm dò quặng bauxite là 3.958 ha và hơn 230 ha quặng diatomit. Cụ thể, xã Đam B’ri có 2.144,97 ha/3.310,13 ha nằm trong quy hoạch, chiếm 65% diện tích tự nhiên; phường Lộc Phát có 897,21 ha/2.564,24 ha, chiếm 35% diện tích tự nhiên; phường Lộc Tiến có 797,94 ha/1.309 ha, chiếm 61% diện tích; xã Lộc Châu có 257 ha/3.531,54 ha, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên và Phường 2 có 34,05 ha/669,15 ha, chiếm 5% diện tích tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, qua rà soát cho thấy, phần lớn diện tích thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản theo ranh quy hoạch có dân cư tương đối đông. Điều đó đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh kế của khoảng 27.049/162.599 người, chiếm gần 17% dân số của TP Bảo Lộc. Trong đó, xã Đam B’ri có 6.640/10.354 người, chiếm 64,1% tổng dân số; phường Lộc Phát có 9.029/21.577 người, chiếm 41,8% và phường Lộc Tiến là 9.058/14.860 người, chiếm 61%... Phần lớn diện tích nằm trong quy hoạch khoáng sản là đất nông nghiệp màu mỡ mà người dân địa phương đang trồng chè, cà phê, dâu tằm và cây ăn trái mang lại thu nhập cao.
Cùng với phát triển nông nghiệp, diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản còn gây ảnh hưởng đến nhiều dự án, công trình trọng điểm của địa phương đã được phê duyệt từ trước chưa thể triển khai. Cụ thể, như Dự án Xây dựng Nhà máy cấp nước Bảo Lộc, công suất 15.000 m3/ngày đêm, diện tích 20.340 m² tại phường Lộc Phát; Dự án Đường dây điện 500 KV Bắc - Nam, đoạn qua TP Bảo Lộc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; Dự án Cải tạo, nâng cấp đường số 52 thuộc hẻm 2 Tản Đà (xã Đam B’ri); Khu du lịch thác Đam B’ri (xã Đam B’ri); Trung tâm Thể thao phường Lộc Phát; Khu dân cư Khu phố 7, phường Lộc Phát; một phần Chi nhánh Công ty Cổ phần Scavi (Phường 2); cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè Ô long, trường học, cơ sở tôn giáo trên địa bàn xã Đam B’ri và phường Lộc Phát; Dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ĐamB’ri; các Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Viết Xuân, Trần Tế Xương (xã Đam B’ri) và Dự án Nâng cấp trụ sở UBND xã Đam B’ri…
Đặc biệt, phần lớn diện tích cần thu hồi, giải tỏa để thực hiện Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, đoạn qua TP Bảo Lộc đều nằm trong diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản theo Quyết định 866. Trong đó, đặc biệt quan trọng là Dự án Khu tái định cư phường Lộc Phát với diện tích khoảng 23 ha và đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 27/10/2023. Đây là dự án được phê duyệt để phục vụ tái định cư cho người dân khi triển khai xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Tuy nhiên, hiện tại, phần lớn diện tích khu vực lập dự án khu tái định cư này đều nằm trong diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản theo Quyết định 866.
• KIẾN NGHỊ THÁO GỠ
Theo quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 thì Bảo Lộc được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 1194/QĐ-UBND ngày 16/6/2023, không thể hiện ranh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản. Theo đó, định hướng quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận là đô thị sinh thái, thông minh, đa chức năng. Trong đó, Bảo Lộc là đô thị trung tâm phát triển các chức năng của đô thị tỉnh lỵ. Vùng phụ cận phát triển theo định hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông nghiệp, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn không gian tự nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học; hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm TP Bảo Lộc.
Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Văn Phương, cho biết: Chỉ tiêu quy hoạch đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản đến năm 2030 được phân bổ so với số liệu theo Quyết định số 866 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy có sự chênh lệch rất lớn. Vì vậy, hiện nay, chưa có cơ sở để thể hiện ranh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vào quy hoạch sử dụng đất TP Bảo Lộc giai đoạn 2021 - 2030.
Theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa XI) về phát triển TP Bảo Lộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 xây dựng TP Bảo Lộc trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng từ 9,5-11%/năm. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, bền vững, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích phát triển các dự án công nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu, thân thiện với môi trường, các sản phẩm có lợi thế như trà, cà phê, lụa tơ tằm, trái cây đặc sản; khai thác, chế biến khoáng sản; các sản phẩm cơ khí, chế tạo kỹ thuật cao,… Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến sâu. Hơn nữa, Bảo Lộc có diện tích khá nhỏ (khoảng 230 km2) nên không khuyến khích các dự án khai thác bauxite, mà chỉ khuyến khích các dự án đầu tư chế biến bauxite.
Trên cơ sở đó, UBND TP Bảo Lộc báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở, ngành liên quan báo cáo, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, quyết định phù hợp vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương triển khai xây dựng các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng kỹ thuật ổn định đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong đó, TP Bảo Lộc kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét có văn bản báo cáo các bộ, ngành Trung ương theo hướng đưa vào khu vực hạn chế, cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Qua đó, tạo điều kiện để Bảo Lộc nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung triển khai thực hiện các dự án, công trình cấp bách, quan trọng như cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; Dự án Nhà máy cấp nước Bảo Lộc; Dự án Xây dựng trụ sở UBND xã Đam B’ri và các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
UBND TP Bảo Lộc cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chủ trì phối hợp với UBND tỉnh lập đề án triển khai khoanh định chính xác tọa độ khép góc các khu vực sẽ cấp phép khoáng sản; đồng thời, loại bỏ các khu vực không chứa khoáng sản hoặc khoáng sản không tập trung, phân tán ra khỏi quy hoạch. Cùng với đó, TP Bảo Lộc cũng đề nghị UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời hoạt động khoáng sản theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin