Sạt trượt đất ở Đà Lạt - cần sớm có giải pháp căn cơ

NGUYỄN NGHĨA 06:53, 31/05/2024

Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất trong mùa mưa, bão tại TP Đà Lạt đã trở nên nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của cả người dân và nhà nước. Việc cảnh báo, sơ tán và di dời dân để đảm bảo an toàn chỉ là biện pháp tạm thời, trong lâu dài cần phải tìm ra giải pháp mang tính chiến lược và toàn diện.

Hiện trường vụ sạt lở đất tại đường Yên Thế vào tháng 6/2023
Hiện trường vụ sạt lở đất tại đường Yên Thế vào tháng 6/2023

NGUY CƠ TIỀM ẨN

Sau những cơn mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt hay xảy ra sạt lở đất, sạt taluy và lở đường. Những khu vực này có một điểm chung là địa hình đồi núi, dốc cao và đất tơi xốp.

Để phòng tránh và ứng phó với tình hình này, trong thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã ban hành các hướng dẫn và chỉ đạo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, nhằm đảm bảo an toàn cho con người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2024. Tuy nhiên, cũng chỉ mới là biện pháp cấp bách tạm thời.

Mùa mưa năm 2023 có thể nói là một trong những mùa mưa có lượng mưa cao nhất. Mưa đã diễn ra liên tục và trên khắp địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều vụ sạt lở đất, sạt taluy và ngập lụt cục bộ đã xảy ra, đặc biệt là tại TP Đà Lạt dẫn đến tình trạng sạt lở đất ngày càng phức tạp.

Người dân TP Đà Lạt vẫn chưa thể quên vụ sạt lở taluy chắn đất xảy ra vào 2 giờ sáng ngày 29/6/2023 tại công trình ta luy chắn đất nằm ở hẻm 15/2 Yên Thế (Phường 10, Đà Lạt) khiến hàng ngàn khối đất đá đổ xuống đường Hoàng Hoa Thám làm 2 người thiệt mạng. Công trình nằm ở độ cao khoảng 30 m so với hẻm 38 Hoàng Hoa Thám. Vụ sạt trượt còn làm 5 người bị thương, một số căn nhà bị kéo sập và hiện vẫn chưa có giải pháp khôi phục .

CẦN SỚM CÓ GIẢI PHÁP CĂN CƠ 

Để tìm nguyên nhân và giải pháp, tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đã mời các chuyên gia và tổ chức các buổi hội thảo. Qua các buổi hội thảo, các chuyên gia có những đánh giá ban đầu về nguyên nhân gây sạt lở đất ở Đà Lạt. Một số nguyên nhân được đề cập bao gồm: Độ dốc và đặc tính đất. Đà Lạt được đánh giá là có địa hình đồi núi với độ dốc cao và đất tơi xốp. Điều này làm cho đất dễ bị xói mòn và sạt lở khi có mưa lớn; Sự tác động của hoạt động con người như khai thác rừng, tình trạng xây dựng không kiểm soát và sự thay đổi sử dụng đất không đúng quy định có thể góp phần làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất. Bên cạnh đó, thay đổi khí hậu toàn cầu có thể làm tăng tần suất và mức độ mưa lớn tại Đà Lạt, gây ra sạt lở đất.

Để giải quyết vấn đề sạt lở đất ở Đà Lạt, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng.

Các biện pháp theo như các chuyên gia đã đề xuất, tham mưu cho các cấp chính quyền tại các hội thảo do tỉnh, thành phố tổ chức mà tỉnh nhận định có thể áp dụng bao gồm: Tiến hành đánh giá rủi ro sạt lở đất để xác định các khu vực có nguy cơ cao và đưa ra các biện pháp quản lý hiệu quả; Kiểm soát hoạt động xây dựng trong đó cần thiết lập quy định nghiêm ngặt về xây dựng và quản lý sử dụng đất, đặc biệt là việc san gạt đất để đảm bảo không gây thêm nguy cơ sạt lở đất.

Chiến lược lâu bền theo các chuyên gia cũng đề xuất đó là cần quan tâm đến công tác bảo vệ và phục hồi môi trường, trong đó cụ thể là cần phục hồi các khu vực bị tổn thương, bảo vệ và tái tạo hệ thống thực vật có khả năng giữ chặt đất để hạn chế sạt lở; Nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường thông tin và giáo dục cộng đồng về nguy cơ sạt lở đất, cách phòng ngừa và ứng phó trong trường hợp xảy ra; Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật như xây dựng hệ thống thoát nước, hố ga, và các công trình chống sạt lở để giảm thiểu tác động của mưa lớn.

Việc xử lý vấn đề sạt lở đất ở Đà Lạt là vấn đề nóng đã được lãnh đạo tỉnh, thành phố và các sở, ngành liên quan liên tục phải xử lý và đối mặt. Tuy nhiên đến nay, biện pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này vẫn chưa thật sự được quan tâm. Và một mùa mưa nữa đã đến, mối lo về nguy cơ sạt lở vẫn hiển hiện. Vì vậy mà việc sớm có giải pháp căn cơ là vô cùng cấp thiết, không phải chỉ để bảo vệ an toàn cho người dân mà còn để bảo vệ sự phát triển bền vững của TP Đà Lạt.