Thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Những vấn đề đặt ra (Bài cuối)

NGUYỆT THU 06:04, 20/05/2024

Bài cuối: Xử lý “điểm đen” tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ

 

Lâm Đồng là cửa ngõ kết nối với khu vực Tây Nguyên với diện tích tự nhiên khá lớn 9.773,54 km2. Trong đó, TP Đà Lạt là trung tâm chính trị, kinh tế, du lịch của tỉnh, thường xuyên tổ chức các hội nghị, lễ hội mang tầm vóc quốc gia; hàng năm thu hút lượng lớn khách trong và ngoài nước đến làm việc, tham quan, nghỉ dưỡng. Vì vậy, vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, được du khách, người dân quan tâm.

Đoàn ĐBQH giám sát tại khu vực hồ Đông Thanh ngay sau khi bị sạt lở
Đoàn ĐBQH giám sát tại khu vực hồ Đông Thanh ngay sau khi bị sạt lở

Được biết, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương và dự kiến đề xuất đầu tư cao tốc Nha Trang - Liên Khương, Liên Khương - Buôn Ma Thuột theo quy hoạch được duyệt (với tổng chiều dài các tuyến cao tốc khoảng 257,2 km). Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng cũng xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp 8 tuyến quốc lộ và 19 tuyến đường tỉnh, tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ và thuận lợi kết nối Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, các tỉnh miền Trung và TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, dự báo tình hình giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, tác động mạnh mẽ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Thống kê toàn tỉnh hiện còn khoảng 12 vị trí điểm đen, 30 điểm tiềm ẩn và 52 điểm bất cập trong tổ chức giao thông đường bộ. Các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông chủ yếu nằm tập trung trên các tuyến Quốc lộ, hầu hết các tuyến đường này đều đã được đầu tư đồng bộ.

Tuy nhiên, các tuyến đường có mật độ giao thông lớn, nhiều vị trí mặt đường, cầu, các nút giao hẹp, hạn chế tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông dần hình thành các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Ngoài ra, đối với quy định về giới hạn, phạm vi đất của đường bộ, đất và khoảng cách an toàn theo chiều ngang đối với công trình thiết yếu; hành lang chồng lấn giữa đường bộ công trình nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ còn xảy ra.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2023, số vụ tai nạn giao thông trên quốc lộ là 46,7%, tỉnh lộ là 9,3%, đường nội thị là 27,6%, cao tốc là 0,8%, đường giao thông nông thôn là 15,6%. 

Để khắc phục “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp như: Lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu phân luồng giao thông; bố trí gờ sơn nổi nhằm cưỡng chế giảm tốc độ; lắp đặt gương cầu, đinh phản quang; cải tạo nâng cấp nhiều tuyến đường… Sở Giao thông Vận tải đã đôn đốc các địa phương, đơn vị quản lý đường bộ tập trung triển khai công tác bảo đảm giao thông, rà soát kiểm tra điều kiện an toàn giao thông tại các nút giao thông, các đoạn tuyến, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; các đoạn tuyến đang thi công “hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, sơn vạch kẻ đường”... phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Bên cạnh đó, do hạ tầng giao thông đường bộ tỉnh đã được chú trọng đầu tư, phát triển, tuy nhiên, tiến độ một số dự án thi công công trình giao thông còn chậm dẫn đến ảnh hưởng về lộ trình lưu thông của các phương tiện giao thông đường bộ. Tình trạng ngập nước khi mưa lớn xảy ra trên một số tuyến đường vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến tốc độ lưu thông hạn chế, làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Được biết, ngành Giao thông đã thường xuyên phối hợp cùng Phòng PC 06, PC 08, Công an tỉnh Lâm Đồng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự vận tải hành khách, trật tự vận tải hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận tải…; Cảnh sát Giao thông các huyện, thành phố tham gia điều tiết giao thông tại một số tuyến đường chính, khu vực phức tạp, các ngã ba, ngã tư thường xuyên gây ra ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh, một số nơi có lưu lượng xe lưu thông lớn và các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông trong các dịp lễ, tết… Phối hợp cùng các UBND huyện, thành phố về việc ban hành quy chế thiết lập xử lý về các trường hợp vi phạm về hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Thực tế hiện nay cho thấy, các loại phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chưa phát triển kịp, chất lượng một số công trình chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường còn thiếu; nhiều tuyến đường chưa được cắm biển hạn chế trọng tải, cảnh báo nguy hiểm; việc quy hoạch, bố trí địa điểm dừng, đỗ xe còn ít; phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, chất lượng dịch vụ thấp nên phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa nhưng hệ thống biển báo và các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt chưa đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. 

Việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật trang bị cho lực lượng Thanh tra Giao thông còn ít, phương tiện còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu để nâng cao hiệu quả công việc; việc bố trí biên chế của lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải quá mỏng, trong khi địa bàn quản lý quá rộng, nhiệm vụ được giao nhiều lĩnh vực…; hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhất là hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, thường xảy ra trong thời gian ngắn, vào ban đêm, ngoài giờ hành chính nên khó phát hiện, xử lý triệt để.

     Bên cạnh đó còn nhiều phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm và quản lý theo quy định, trên thực tế, tình trạng khai thác cát trái phép được người dân phản ánh rất nhiều, đa số là các phương tiện tự chế, thô sơ, không được quản lý và người lái phương tiện không được đào tạo, sát hạch theo quy định, tiềm ẩn nhiều quy cơ mất an toàn. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc ghi nhận những điểm tồn tại, hạn chế mà Đoàn ĐBQH đã chỉ ra, đồng thời chỉ đạo các đơn vị như công an, giao thông, truyền thông… tăng cường tuyên truyền kỹ, hiệu quả về công tác chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Kiên quyết xử lý các điểm đen trên các tuyến quốc lộ về Đà Lạt, Lâm Đồng. Tăng cường kiểm định chất lượng xe, giấy phép lái xe và các điều kiện kỹ thuật cần thiết theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Gia - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết: Sở đã tổ chức rà soát, thống kê, phân loại hiện trạng hành lang an toàn đường bộ của các tuyến Quốc lộ 27, 28B, 55 và 27C. Hiện nay, công tác rà soát, thống kê, phân loại hiện trạng hành lang an toàn đường bộ của các tuyến Quốc lộ 27, 28B, 55 và 27C đã hoàn thành. Qua kết quả rà soát, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, trình Chính phủ xem xét, bố trí tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ thu hồi đất, các công trình nằm trong phạm vi đất bảo vệ, bảo trì đường bộ khoảng 47.197 triệu đồng và hành lang an toàn đường bộ khoảng 551.734 triệu đồng đối với 3 tuyến Quốc lộ 27, 28B và 55. 

Đối với tuyến Quốc lộ 27C, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng số tiền dự kiến đền bù tuyến trên là 178.484 triệu đồng. Do tình trạng giao thông trên các tuyến quốc lộ đang trở nên quá tải, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 20 mặc dù đã hoàn chỉnh theo quy hoạch với quy mô đường cấp III nhưng lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn, nhiều vị trí độ dốc cao tốc độ khai thác hạn chế. Các tuyến quốc lộ, đường tỉnh là các tuyến giao thông chủ đạo liên kết vùng nhưng có bề rộng nhỏ, hẹp với 2 làn xe cơ giới. Tình trạng tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ chiếm tỷ trọng lớn nên vẫn còn một số tồn tại, bất cập.

Giải pháp lâu dài được Đoàn ĐBQH gợi ý và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, học tập Mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện thí điểm từ đầu năm 2023. Theo đánh giá sơ bộ thì từ khi triển khai thí điểm mô hình, các cấp, các ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt triển khai nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, lồng ghép thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông với các nhiệm vụ chuyên môn, phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương. 

Trao đổi về mục đích, ý nghĩa của hoạt động giám sát này, Phó Trưởng Đoàn Nguyễn Tạo nhận định: Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các chính sách pháp luật về trật tự an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Đây là chuyên đề giám sát quan trọng vì được Đảng, Nhà nước coi là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Chuyên đề này có nội dung giám sát rộng trên cả 5 lĩnh vực giao thông như: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, hàng hải… với thời gian giám sát đánh giá khá dài 15 năm và đối tượng giám sát rộng. Có thể nói, chuyên đề giám sát này không chỉ mang ý nghĩa là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực đó như thế nào, mà quan trọng nữa là trong quá trình giám sát đã phát hiện những khó khăn, bất cập, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn. Kết quả giám sát đó cũng sẽ bổ trợ cho quá trình xây dựng luật pháp, nhất là đối với hai dự án luật liên quan đến giao thông là dự án Luật Trật tự an toàn giao thông và Luật Đường bộ sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV dự kiến vào tháng 5/2024.