Chậm giải ngân vốn đầu tư công - những nút thắt cần tháo gỡ (bài 1)

LÊ HOA  06:08, 18/06/2024

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 (bao gồm cả năm 2023 chuyển qua) là 7.983,966 tỷ đồng. Tính đến ngày 7/6/2024, số vốn đã giải ngân được 974,737 tỷ đồng, đạt 12,2% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 3,4% kế hoạch. Đó là chưa kể một số nguồn vốn chưa giải ngân được đồng nào.

Bài 1: Tiến độ giải ngân chậm hơn so với cùng kỳ

Nhìn chung tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của toàn tỉnh tính đến gần hết quý 2 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 với 3,4 điểm phần trăm. Trong đó tại một số thời điểm báo cáo, một số sở, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh. Vậy đâu là nguyên nhân?

Các dự án, công trình đầu tư công đều nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển bền vững
Các dự án, công trình đầu tư công đều nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Ì ẠCH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Theo báo cáo, đến ngày 7/6/2024, tổng số vốn chưa phân bổ chỉ còn 69,918 tỷ đồng; trong đó: Số vốn chưa phân bổ thuộc kế hoạch vốn năm 2024 là 0,8 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương), chiếm tỷ lệ 0,01% kế hoạch vốn năm 2024 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập thủ tục trình thẩm định, phê duyệt Dự án Xây dựng nhà xưởng phục vụ sơ chế, bảo quản cà phê tại huyện Di Linh; số vốn chưa phân bổ thuộc kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 69,118 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18,4% kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024, dự kiến phân bổ cho Dự án Mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám và điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng và Dự án Xây dựng, nâng cấp, cải tạo một số hạng mục và mua sắm trang thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng, do các dự án chưa được phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện bố trí vốn. 

Tính đến ngày 30/4/2024, 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh 9,1% đó là: Bảo Lâm 32%, Đam Rông 27,4%, Đạ Huoai 25,3%, Di Linh 21,8%, Cát Tiên 21,6%, Lạc Dương 17,9%, Đức Trọng 17,8%, Đà Lạt 12,1%, Đơn Dương 11,8%, Đạ Tẻh 9,7%. Đáng chú ý, 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh gồm Lâm Hà 8,4%, Bảo Lộc 7,3%. Đối với các sở, ngành, 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh đấy là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 100%, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 83,9%, Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội 55,2%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 39,1%, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng 35,2%, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 31,2%, Công an tỉnh 27,5%, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 16,6%. 

8 sở, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo 8,7%, Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh 7,3%, Sở Xây dựng 5,3%, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp 4,9%, Sở Giao thông Vận tải 0,6%, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng 0,2%; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị quản lý rừng. Riêng hai Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương chưa giải ngân.

Nếu đánh giá tình hình giải ngân theo nhóm dự án, thì các dự án dự kiến hoàn thành năm 2024 đạt 9,5% kế hoạch; các dự án chuyển tiếp, dự kiến hoàn thành sau năm 2024 đạt 12,5% kế hoạch; các dự án khởi công mới năm 2024 đạt 2,9% kế hoạch; 2 dự án cao tốc chưa giải ngân; phân cấp nguồn ngân sách tập trung, nguồn thu sử dụng đất cho các huyện đạt 25,7% kế hoạch; 3 chương trình mục tiêu quốc gia: đạt 26,9% kế hoạch; các nội dung khác đạt 4,2% kế hoạch.

• CHẬM DO ĐÂU?

Các dự án chưa có khả năng giải ngân được nhận định là do đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Trong đó, hai dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc chưa được phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, một số dự án chưa phê duyệt thiết kế - dự toán (đang trong giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn; quá trình lập, thẩm định thiết kế - dự toán) và đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp.

Một số dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, do người dân chưa đồng thuận về đơn giá, vị trí tái định cư để bàn giao mặt bằng; chưa phê duyệt hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng công trình; các địa phương còn lúng túng trong việc xác định đơn giá đền bù mặt bằng; chưa có quy định về việc thanh toán chi phí tư vấn khảo sát đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng trong chi phí tổng mức đầu tư dự án nên UBND cấp huyện phải sử dụng ngân sách huyện để thanh toán chi phí tư vấn đối với các dự án do đơn vị chủ đầu tư cấp tỉnh triển khai tại các địa phương.

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác, như: Một số dự án đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án do phát sinh khối lượng, công việc trong quá trình thực hiện; một số dự án thiếu nguyên vật liệu, đất đắp; một số dự án đang thực hiện, chưa đến điểm dừng kỹ thuật để nghiệm thu, giải ngân nên tỷ lệ giải ngân còn thấp; một số dự án gặp vướng mắc khi thực hiện do quy định về quy hoạch khoáng sản, vị trí đổ thải và quy định lập quy hoạch chi tiết đối với các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo công trình (trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc...) theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ; một số dự án mới được UBND tỉnh giao vốn, bổ sung vốn vào ngày 23/4/2024, chưa có khối lượng để giải ngân.

Ngoài ra, Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng (vay vốn ODA của Nhật Bản), theo quy định của nhà tài trợ, vốn ODA chỉ giải ngân cho gói thầu xây lắp, thiết bị, tư vấn quốc tế, nhưng hiện nay chưa có sự đồng thuận với nhà tài trợ về tư vấn quốc tế. Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa xác định được quỹ đất hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân để triển khai Trung tâm Giao dịch hoa...

(CÒN NỮA)