Bài cuối: Lúng túng trong giải ngân các chương trình mục tiêu
3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), là xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có tổng số vốn đầu tư công là 504,104 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 135,5 tỷ đồng, đạt 26,9% kế hoạch.
3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), là xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có tổng số vốn đầu tư công là 504,104 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 135,5 tỷ đồng, đạt 26,9% kế hoạch |
Tổng số vốn đầu tư công thực hiện CTMTQG là 504,104 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 282,854 tỷ đồng, ngân sách địa phương 221,25 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/4/2024, giá trị giải ngân là 135,5 tỷ đồng/504,104 tỷ đồng, đạt 26,9% kế hoạch. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân 85,5/282,854 tỷ đồng, đạt 30,2% kế hoạch; nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 50,0/221,25 tỷ đồng, đạt 22,6% kế hoạch. Các khó khăn, vướng mắc trong việc chậm giải ngân các CTMTQG được xác định do các tiêu chí kỹ thuật ảnh hưởng phần lớn, dẫn đến những khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện.
Đối với CT MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM), nhiều xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2021, nhưng chưa đạt theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025. Các tiêu chí liên quan đến quy hoạch chậm triển khai làm ảnh hưởng đến việc công nhận kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu; phát triển các hình thức liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị còn hạn chế, kinh tế tập thể đã tăng nhanh về số lượng hợp tác xã nhưng nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao; nguồn lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít.
Thực tế, Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 có nhiều chỉ tiêu mới, yêu cầu cao hơn so với giai đoạn 2016-2020; một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, như: tỷ lệ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, tỷ lệ hỏa táng, tỷ lệ khám, chữa bệnh từ xa, tiêu chí về môi trường, hộ nghèo đa chiều, rất khó khăn trong quá trình thực hiện, hoàn thiện tiêu chí; Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ban hành chậm nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong cụ thể hóa, áp dụng thực hiện; Các địa phương chưa rà soát kỹ yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 để lập kế hoạch cụ thể hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định…
Chính vì vậy, giải pháp đưa ra, là cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ. Nội dung tập huấn chú trọng về giới thiệu, phổ biến các chủ trương, cơ chế chính sách trong xây dựng NTM, hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, quy định thẩm định, xét, công nhận,...; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành trên cả nước có các mô hình tiêu biểu, cách làm hay về NTM.
Đối với CTMTQG Giảm nghèo bền vững, việc lập kế hoạch thực hiện Chương trình của các địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng do các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời, chi tiết; một số nội dung còn chồng chéo, vướng mắc chậm sửa đổi, bổ sung; Quy định về hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị rất khó thực hiện khi đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (như quy định: các dự án, mô hình phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia là đối tượng hỗ trợ của các CTMTQG,...). Tỉnh cũng đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp để địa phương có căn cứ thực hiện hỗ trợ dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp.
CTMTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, hiện giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chậm, đặc biệt là nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân dẫn đến người dân vùng đồng bào DTTS chưa được thụ hưởng đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp và khoản 1 Điều 44 Luật Giáo dục thì Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn của Chương trình nên các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện không thể giải ngân nguồn vốn dù đã được phân bổ.
Nguyên nhân cũng được xác định là các cơ quan chủ chương trình còn chậm trong việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách; Một số văn bản sửa đổi bổ sung quy định và hướng dẫn được ban hành cơ bản đã tháo gỡ được vướng mắc, một số văn bản trả lời kiến nghị trong thực hiện CTMTQG chưa thực sự rõ ràng dẫn đến việc chỉ đạo gặp khó khăn; Vốn sự nghiệp được giao chi tiết theo lĩnh vực chi gây ra nhiều khó khăn cho địa phương khi phải trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh sửa đổi các nghị quyết phân bổ, giao vốn. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách nhà nước chưa có quy định cho phép địa phương được điều chỉnh vốn giữa các nội dung, thành phần, lĩnh vực đã được Trung ương giao. Do vậy địa phương không thể giải ngân được vốn sự nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin