Về năng lực xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm hiện nay tại tỉnh Lâm Đồng đang áp dụng đồng thời 2 mô hình xử lý cho các bệnh viện là mô hình xử lý tại chỗ và xử lý theo cụm.
Các cơ sở y tế trong ngành có phát sinh chất thải y tế trong quá trình hoạt động đều đã thực hiện lập kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; tổ chức quan trắc môi trường theo các văn bản hiện hành quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện định kỳ 6 tháng 1 lần, báo cáo về Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế. Các cơ sở y tế đều đã đăng ký và có mã số quản lý chất thải nguy hại theo quy định về quản lý chất thải y tế. Theo đó, Sở Y tế đã quán triệt, chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn và định kỳ kiểm tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế về việc quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Chất thải y tế tại các đơn vị được phân loại ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Từng loại chất thải y tế được phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ lưu chứa chất thải quy định áp dụng theo Thông tư 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 26/11/2021 về việc quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Hầu hết các cơ sở y tế đã bố trí túi nilon, thùng và hộp an toàn để phục vụ công tác thu gom, phân loại.
Chất thải rắn y tế lây nhiễm, rác thải sinh hoạt và rác thải y tế nguy hại sau khi được phân loại đều được các cơ sở y tế thu gom tối thiểu ngày hai lần và lưu trữ tại kho lưu trữ riêng theo từng loại chất theo quy định của Bộ Y tế. Đối với chất thải phóng xạ có chất thải phóng xạ của Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng không đáng kể, chủ yếu là I131 và P32 sẽ được trả lại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Đối với chất thải sắc nhọn được các đơn vị dùng hộp cứng để đựng vật sắc nhọn, khi đầy tới 3/4 thùng được đậy nắp và chuyển tới nơi tập trung. Thùng đựng vật sắc nhọn được dán nhãn màu vàng, có ghi “Không đựng quá vạch này”, có biểu tượng nguy hại sinh học. Các đơn vị đã thu gom tập trung chất thải nguy hại không lây nhiễm về khu vực dành riêng cho chất thải nguy hại không lây nhiễm, phân loại và lưu giữ tại kho riêng, định kỳ hợp đồng với các đơn vị có đủ tư cách pháp nhân để vận chuyển và xử lý.
Việc vận chuyển chất thải y tế đã được các cơ sở Y tế thực hiện đúng theo quy định tại Kế hoạch số 3876/KH-UBND ngày 26/6/2019 của UBND tỉnh về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Còn đối với chất thải y tế lây nhiễm các đơn vị trên địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Lộc hợp đồng với các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến lò đốt chất thải y tế trên địa bàn. Trung tâm Y tế các huyện tự xử lý chất thải lây nhiễm tại đơn vị nên không vận chuyển ra bên ngoài, chỉ thu gom chất thải lây nhiễm từ các cơ sở y tế trên địa bàn về Trung tâm Y tế xử lý theo quy định. Phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc Trung tâm Y tế các huyện thu gom và vận chuyển chất thải lây nhiễm về Trung tâm Y tế tuyến huyện xử lý tập trung. Các cơ sở y tế tư nhân thu gom và vận chuyển chất thải lây nhiễm về Trung tâm Y tế tuyến huyện xử lý tập trung. Đối với rác thải sinh hoạt từ bệnh viện, các đơn vị hợp đồng với công ty môi trường đô thị tại địa phương hàng ngày vận chuyển đến đơn vị xử lý theo quy định.
Việc xử lý chất thải rắn y tế đã được các cơ sở y tế thực hiện đúng theo quy định của UBND tỉnh về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đối với rác thải y tế lây nhiễm, các cơ sở y tế trên địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Lộc hợp đồng với các công ty môi trường đô thị xử lý bằng lò đốt chất thải y tế trên địa bàn. Đối với các cơ sở y tế trên địa bàn các huyện tự xử lý chất thải lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt trùng (Đức Trọng), nghiền hấp tiệt trùng (Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh) hoặc bằng phương pháp đốt (Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Cát Tiên). Các cơ sở hành nghề y tế tư nhân nhỏ lẻ trên địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Lộc hợp đồng với công ty công trình đô thị để vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế. Các cơ sở tại địa bàn các huyện (lượng chất thải phát sinh ít) hợp đồng với Trung tâm Y tế trên địa bàn để xử lý hoặc xử lý theo phương pháp thủ công. Đối với rác thải y tế nguy hại thì các bệnh viện, trung tâm y tế khi phát thải chất thải y tế nguy hại sẽ thu gom và tập trung lưu trữ tại kho của đơn vị sau đó hợp đồng với các đơn vị có tư cách pháp nhân được phép xử lý chất thải y tế nguy hại để xử lý.
Về năng lực xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm hiện nay tại tỉnh Lâm Đồng đang áp dụng đồng thời 2 mô hình xử lý cho các bệnh viện là mô hình xử lý tại chỗ và xử lý theo cụm. Cụ thể, mô hình xử lý tại chỗ các cơ sở y tế sử dụng công nghệ lò đốt chất thải gồm Trung tâm Y tế các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Cát Tiên (lò đốt tại Trung tâm Y tế Lâm Hà đang bị hỏng, hiện tại đơn vị dùng xăng để đốt chất thải lây nhiễm, tro xỉ sau khi đốt được chôn lấp tại hố bê tông có lót đáy và nắp đậy kín). Tuy nhiên, công nghệ lò đốt là buồng đốt hai cấp sử dụng nhiên liệu đốt là dầu DO. Hiện nay, các lò đốt hoạt động trong tình trạng gây ô nhiễm không khí rất lớn, với công suất nhỏ không đáp ứng được yêu cầu xử lý chất thải rắn nguy hại phát sinh tại bệnh viện. Ngoài ra, do lò đốt gần khu dân cư nên đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh. Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng xử lý bằng phương pháp hấp tiệt trùng và Trung tâm Y tế các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm xử lý bằng thiết bị nghiền hấp. Còn mô hình xử lý tập trung là các đơn vị y tế trên địa bàn TP Đà Lạt và Bảo Lộc hợp đồng với Công ty Cổ phần Dịch vụ Đô thị Đà Lạt để thu gom, vận chuyển, xử lý tập trung.
Về quản lý nước thải y tế có 7 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Đà Lạt) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế; trong đó, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện II Lâm Đồng thực hiện xử lý nước thải bằng công nghệ AAO, đạt tiêu chuẩn nguồn nước thải đầu ra. Có 11/12 TTYT huyện, thành phố đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế (Trung tâm Y tế Bảo Lộc chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trang bị hệ thống xử lý nước thải hoạt động từ năm 2009. Hiện đơn vị đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt cho nâng cấp sửa chữa hệ thống xử lý nước thải theo dự án của tỉnh.
Chất thải thông thường được các đơn vị trong ngành phân loại, thu gom và hợp đồng với công ty quản lý môi trường đô thị trên địa bàn xử lý theo quy định. Chất thải tái chế được các đơn vị trong ngành phân loại để vào kho riêng và hợp đồng với các đơn vị có giấy phép kinh doanh tái chế theo quy định.
Ngành Y tế Lâm Đồng xác định nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường những năm tiếp theo bao gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục các nguồn gây ô nhiễm môi trường; trong đó, tăng cường quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế; tăng cường xử lý nước thải, đẩy mạnh kiểm soát, quản lý chất thải lỏng tại các cơ sở y tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin