Nợ thuế thuê đất gia tăng, bài toán cần sớm có lời giải

DIỄM THƯƠNG 06:14, 14/06/2024

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ thuế, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều phương án đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền nợ thuế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thuê đất trên địa bàn tỉnh vẫn nêu lý do khó khăn không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước, chây ỳ nợ thuế. Vậy đâu là lý do các doanh nghiệp này nợ thuế?

Một góc Khu du lịch Thung lũng Tình yêu
Một góc Khu du lịch Thung lũng Tình yêu

Theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, thời gian gần đây, số doanh nghiệp nợ thuế quá hạn vẫn tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuỷ điện, bất động sản, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… Do khoản nợ lớn và kéo dài nên các doanh nghiệp phát sinh tiền chậm nộp hàng tháng theo quy định. Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng cũng vừa ban hành thông báo về việc công khai danh sách người nộp thuế, nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước. Trong 2 kỳ thông báo gần đây, số doanh nghiệp nợ tiền thuê đất ngày càng tăng trong khi tình trạng này trước đây chưa từng xảy ra.

Từ đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cùng kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại chính sách cho thuê đất để nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, bởi doanh thu không đạt để trả tiền thuê đất cũng như các khoản lương nhân công và tái sản xuất. Một số doanh nghiệp nợ thuế nhiều kỳ liên tiếp với số tiền rất lớn như: Công ty TNHH Bảo Nghi, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (nợ hơn 21 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Trồng trọt Tuấn Thiện, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc (nợ hơn 13 tỷ đồng); Công ty Cổ phần dịch vụ Thương mại Lâm Đồng, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc (nợ hơn 13 tỷ đồng),…

Được biết, nguyên nhân được cho là mức giá cho thuê đất của tỉnh Lâm Đồng mới thay đổi quá cao, người thuê đất không có lãi nên không thể nộp nổi khoản chi phí này. Cụ thể, chính sách tiền thuê đất tại Lâm Đồng thay đổi khi ngày 22/1/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 02 thay thế Quyết định 37 ban hành năm 2015, quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024. Nội dung nguyên tắc, phương pháp xác định giá cho thuê đất theo Quyết định 02 đã khiến tổng số tiền thuê đất của DN tăng cao nhiều lần.

Đơn cử như Công ty TNHH Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (TTC Lâm Đồng). Năm 2020, TTC Lâm Đồng thuê diện tích mặt nước hồ Đa Thiện tại Khu du lịch Thung lũng Tình yêu có diện tích 14,6 ha, số tiền tạm tính khi đó là 6,07 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Quyết định 02, số tiền này đã tăng gấp hơn 5 lần, lên tới 31,8 tỷ đồng/năm và tổng số tiền Cục Thuế tỉnh truy thu từ năm 2020 đến 2023 lên đến gần 96,5 tỷ đồng.

Hay Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist), đơn vị đang thuê diện tích có khách sạn Dream tại Phường 1, TP Đà Lạt. Khuôn viên khách sạn này có diện tích 3.177 m2, năm 2014, Công ty ký hợp đồng thuê đất của Nhà nước và tiến hành sửa chữa do khách sạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong giai đoạn 2015 - 2019, số tiền thuê đất DN phải nộp gần 730 triệu đồng/năm, tới giai đoạn 2020 - 2024, áp dụng theo Quyết định 02 thì khoản tiền này đã tăng hơn 12 lần, lên tới gần 9 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, mật độ cho phép xây dựng khu vực này chỉ chiếm 43% diện tích đất. Khách sạn có 42 phòng ngủ tiêu chuẩn 3 sao, nếu công suất hoạt động tới 70% thì tối đa doanh thu khách sạn chỉ đạt 8,2 tỷ đồng/năm.

Tương tự, Công ty Cổ phần Hoàng Gia Đà Lạt phản ánh từ năm 1993 thuê 62 ha đất trên Đồi Cù bên hồ Xuân Hương Đà Lạt để làm sân golf trong thời hạn 50 năm. Trong chu kỳ 2007 - 2011, số tiền thuê đất trong diện tích này chưa tới 2,2 tỷ đồng/năm. Nhưng tới năm 2022, giá thuê đất tại Đồi Cù tăng lên hơn 87 tỷ đồng/năm và năm 2023 đã là hơn 137 tỷ đồng/năm, gấp 62 lần năm bắt đầu thuê. Trong khi năm 2023 sân golf chỉ đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm, chưa kể các chi phí vận hành.

Trước tình trạng giá thuê đất tăng cao như trên đã dẫn tới tình trạng số DN nợ thuế ở Lâm Đồng gia tăng. Theo số liệu của Cục Thuế Lâm Đồng, đến tháng 2/2024, trong tổng số tiền hơn 115 tỷ đồng nợ thuế trên 90 ngày của 107 DN nộp thuế, chỉ có 19,5 tỷ đồng là tiền thuê đất. Tuy nhiên, tới Thông báo số 2230, ngày 23/4/2024 của Cục Thuế Lâm Đồng thì khoản nợ tiền thuê đất đã tăng tới trên 69 tỷ của 123 DN đóng thuế trên địa bàn.

Một số doanh nghiệp kiến nghị rằng nguyên nhân xuất hiện tình trạng này là do tỉnh Lâm Đồng mới thay đổi chính sách áp giá tiền cho thuê đất để các doanh nghiệp làm dự án kinh doanh du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng dược liệu... Trong số đó, giá cho thuê đất tăng cao gấp nhiều lần mức giá cũ, khiến doanh thu của các doanh nghiệp không đủ để nộp tiền thuê đất. Trước đó, nhiều doanh nghiệp thuê đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cùng kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại chính sách cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh, bởi doanh thu không đạt để trả tiền thuê đất cũng như các khoản trả lương nhân công và tái sản xuất.

Ông Đinh Minh Quý - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng cũng cho biết: Vào tháng 2/2024, Hiệp hội DN tỉnh Lâm Đồng đã chuyển kiến nghị của DN tới HĐND, UBND tỉnh xem xét lại chính sách cho thuê đất để nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, bởi doanh thu không đạt để trả tiền thuê đất.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 11/6, ông Nguyễn Văn Trãi - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận, thông tin giá thuê đất hàng năm của một số DN trên địa bàn tăng mạnh, căn cứ các quy định thì về mặt nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất của cơ quan thuế hoàn toàn chính xác. 

Cũng theo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế cơ quan thuế các cấp đã thực hiện biện pháp đôn đốc thu, nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách nhà nước, còn nhiều vướng mắc trong công tác thu nợ thuế bất động sản, nên để nợ thuế dây dưa, kéo dài.

Nợ thuế thuê đất vẫn đang có chiều hướng tăng, đặt ra nhiều vấn đề cho cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp, bài toán này cần sớm có lời giải?!