Phòng, chống thiên tai những tháng cuối năm 2024

VĂN VIỆT 06:06, 26/06/2024

Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, áp thấp nhiệt đới từ Biển Đông phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ, khả năng đổ bộ vào đất liền 4 - 6 cơn bão, nên cần chủ động các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại xảy ra…

Công ty Thủy điện Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, ngăn lũ tạo điều kiện phát triển đa dạng hoá cây trồng, 
chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai cho hạ du
Công ty Thủy điện Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, ngăn lũ tạo điều kiện phát triển đa dạng hoá cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai cho hạ du

THỜI TIẾT CỰC ĐOAN TRÊN DIỆN RỘNG VỚI CƯỜNG ĐỘ CAO

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng, 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra hơn 30 đợt mưa lớn kèm theo lốc, sét, mưa đá. Cụ thể, vào chiều ngày 31/3, mưa đá xuất hiện trên địa bàn TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương gây ngập lụt cục bộ. Rồi từ ngày 17 đến ngày 28/5/2024 xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to khu vực phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng. Tổng lượng mưa trong 5 tháng đầu năm 2024 phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm và so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó 3 tháng đầu năm 2024, phổ biến ít mưa, thời kỳ bắt đầu mùa mưa vào nửa cuối tháng 5/2024- muộn hơn so với quy luật nhiều năm. 

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2024, khu vực phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng xảy ra 5 đợt nắng nóng, nhiệt độ phổ biến từ 35 đến 37 độ C. Riêng trong ngày 27/4/2024, nhiệt độ cao nhất tại Trạm Cát Tiên 39,1 độ C, vượt giá trị lịch sử 1,1 độ C. 

Diễn biến thủy văn 5 tháng đầu năm 2024, mực nước trung bình tháng trong tỉnh Lâm Đồng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 0,18- 0,38 m; lượng dòng chảy ở mức cao hơn từ 22,8- 41,5%. Riêng trên sông La Ngà (Trạm Đại Nga) có mức cao hơn từ 510 đến 1.335% do ảnh hưởng điều tiết của hồ đập thủy điện Đại Nga. Trên sông Cam Ly (Trạm Thanh Bình) trong tháng 4, tháng 5/2024, xuất hiện 5 trận lũ với đỉnh lũ từ trên báo động cấp I đến xấp xỉ báo động cấp II. Đến thời điểm cuối tháng 5/2024, mực nước các hồ thủy điện lớn trên sông Đồng Nai như: Hồ Đơn Dương, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3… đều dưới mực nước dâng bình thường từ 5 đến 10,9 m. 

“Kết thúc mùa mưa năm 2024, trên địa bàn Lâm Đồng có khả năng vào đầu tháng 12/2024, muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Trong 6 tháng cuối năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng có khả năng xảy ra từ 10 - 12 đợt mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa từ 100 - 250mm/đợt, cần đề phòng mưa lớn kèm theo giông, lốc, sét và gió giật mạnh…”, Đài Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng nhận định. Theo đó, mùa lũ chính năm 2024 trong tỉnh Lâm Đồng tập trung vào 3 tháng 8,9,10, khả năng kết thúc vào tuần cuối tháng 10. Riêng sông Đa Nhim có khả năng kết thúc vào tuần cuối tháng 12. Đỉnh lũ năm 2024 có khả năng trong 2 tháng 7, 8 trên các sông, suối nhỏ; 2 tháng 10, 11 trên sông Đa Nhim, Đồng Nai. 

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng nhận đinh rằng, những tháng cuối năm 2024, thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra trên diện rộng với cường độ cao, khó kiểm soát, gây nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. 

• PHỐI HỢP TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC PHƯƠNG ÁN

Để chủ động phòng, chống thiên tai những tháng cuối năm 2024, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng duy trì ca, kíp trực sẵn sàng chiến đấu và cứu nạn cứu hộ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án và tổ chức luyện tập; chuẩn bị lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai.

“Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị các phương án cơ động ứng cứu; xác định các khu vực trọng điểm thiên tai, sạt lở đất, đá, tuyến đê, kè, hồ, đập xung yếu, các khu vực ngập lụt, chia cắt để có biện pháp gia cố, khắc phục và ứng cứu hiệu quả…”, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng xác định các giải pháp hữu hiệu nhất. 

Ông Hoàng Sỹ Bích - Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh các giải pháp phối hợp, chủ động phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại xảy ra trên địa bàn. 

Đó là tổ chức trực ban 24/24 giờ trong ngày để nắm chắc diễn biến mưa, lũ, nhằm kịp thời chỉ đạo ứng phó hiệu quả, triển khai phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, đường đèo thường sạt lở để cảnh báo, đề phòng, kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng; kiểm tra, chặt hạ những cây dọc hai bên đường, khu dân cư có nguy cơ ngã đổ. Đặc biệt, với phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, diễn tập nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó thiên tai của cộng đồng; đồng thời, phối hợp cùng với lực lượng công an, quân đội và chính quyền tham gia cứu nạn, cứu hộ, chủ động khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra để sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân. Ngoài ra, tổ chức theo dõi, vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai theo quy trình vận hành liên hồ chứa; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ kinh phí, lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai…