Ðạ Tẻh: Tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn

HOÀNG SA 06:25, 16/07/2024

Thời gian qua, UBND huyện Đạ Tẻh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị UBND các xã, thị trấn và cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân và người dân; đồng thời, vận động Nhân dân cùng giám sát hoạt động khoáng sản, không khai thác, chế biến khoáng sản trái phép, mua, bán, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển, tập kết khoáng sản không rõ nguồn gốc hợp pháp.

Huyện Đạ Tẻh tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn
Huyện Đạ Tẻh tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, triển khai thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 191; đồng thời, huyện đã xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các huyện với huyện Đạ Tẻh. 

Bên cạnh đó, từ năm 2023 đến nay, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý và bảo vệ khoáng sản như: Văn bản số 178 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện; Văn bản số 262 về việc siết chặt, chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện; Văn bản số 666 về việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện; Văn bản số 548 về việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và triển khai các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. 

Ngoài ra, năm 2023, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đạ Tẻh; đồng thời, kiểm tra định kỳ hàng quý hoặc đột xuất các địa bàn có khoáng sản chưa khai thác, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn nếu có phát sinh, xử lý các hành vi vi phạm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, để tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công khai đường dây nóng để tiếp cận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tái diễn trên địa bàn quản lý nhưng không chủ động đề xuất, tham mưu các biện pháp xử lý hoặc không có biện pháp xử lý hữu hiệu, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Qua đó, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện và xử lý đối với 3 trường hợp có hành vi vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản. Các trường hợp vi phạm chủ yếu như tự ý chuyển mục đích đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp; khai thác cát lòng sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền; khai thác đất san lấp trái phép. Đối với các trường hợp vi phạm, các đơn vị chức năng đã tiến hành tịch thu các phương tiện vi phạm; đồng thời xử phạt với số tiền 62,5 triệu đồng. 

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, mặc dù huyện Đạ Tẻh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trên địa bàn, tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản vẫn còn có một số sai phạm, nhất là khai thác không đúng thiết kế, công suất, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra. Việc lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để vận chuyển, mua bán, khai thác khoáng sản vẫn còn xảy ra nhưng chưa phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Nguyên nhân là do việc áp dụng các quy định để quản lý, bảo vệ khoáng sản liên quan đến nhiều luật. Cụ thể, Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Môi trường, Đầu tư..., còn chồng chéo, có điểm chưa rõ, gây khó khăn trong công tác quản lý, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý trong hoạt động khoáng sản còn hạn chế; việc quản lý địa bàn của chính quyền địa phương ở một số nơi thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản còn hạn chế, vì lợi nhuận nên chưa nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản và các quy định có liên quan trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Trong thời gian đến, huyện Đạ Tẻh sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về khoáng sản đất đai, bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan đối với các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn; đồng thời xử lý nghiêm các tồn tại, vi phạm theo quy định.