Bảo Lâm: Xử lý không triệt để thông tin báo chí phản ánh

NGUYỄN THÀNH 07:31, 15/07/2024

(LĐ online) - Một số vụ việc Báo Lâm Đồng phản ánh trong thời gian qua dù đã được chỉ đạo xử lý nhưng các cơ quan chuyên môn và UBND huyện Bảo Lâm đều chậm xử lý hoặc xử lý mang hình thức chiếu lệ, không triệt để.

BÁO CÁO “QUA LOA”

Khu vực đào múc, vận chuyển đất mà Báo Lâm Đồng phản ánh
Khu vực đào múc, vận chuyển đất mà Báo Lâm Đồng phản ánh. Ảnh chụp tháng 5/2024

Mới đây nhất, ngày 8/7, UBND huyện Bảo Lâm đã có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát thông tin phản ánh của Báo Lâm Đồng liên quan đến bài viết Tiếp diễn tình trạng đào múc, vận chuyển đất không phép đăng ngày 16/5.

Báo cáo này được thực hiện theo văn bản chỉ đạo ngày 17/5 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Bảo Lâm kiểm tra, xác minh thông tin và làm rõ việc khai thác, đào múc, vận chuyển đất không phép, không rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện Bảo Lâm như nội dung phản ánh tại bài báo nêu trên để kịp thời xử lý nghiêm, dứt điểm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo Công an huyện Bảo Lâm điều tra, xác minh vụ việc, nếu đủ điều kiện thì khởi tố hình sự theo định của pháp luật; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/5/2024.

Ngay sau văn bản chỉ đạo này của UBND tỉnh, UBND huyện Bảo Lâm cũng đã có văn bản giao UBND thị trấn Lộc Thắng, Phòng Tài nguyên Môi trường và đề nghị Công an huyện kiểm tra, xử lý các nội dung nêu trên. Thời hạn báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh được đưa ra là trước ngày 30/5.

Xét về mặt thời gian, báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm chậm hơn 1 tháng so với yêu cầu của UBND tỉnh. Về nội dung, sau thời gian tổng hợp, UBND huyện báo cáo “chưa phát hiện được đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật” (?!).

Theo báo cáo này, vị trí xảy ra tình trạng đào múc, vận chuyển đất không phép như Báo Lâm Đồng đưa tin thuộc khu vực đất tái định canh tại Tổ 22, thị trấn Lộc Thắng do Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng quản lý. Diện tích khu vực đào múc đất khoảng 100m2, tại vị trí cũ trước đây đã phát hiện vào khoảng năm 2019.

Tại thời điểm kiểm tra, không phát hiện được đối tượng, phương tiện, máy móc. Qua nhiều lần tuần tra, kiểm tra, UBND thị trấn Lộc Thắng chưa phát hiện được đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Từ thời điểm Báo Lâm Đồng phản ánh đến nay, tại khu vực này không còn xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép.

Các phương tiện đào múc, vận chuyển đất liên trong trong bài viết tại Công an huyện Bảo Lâm
Các phương tiện đào múc, vận chuyển đất tại Công an huyện Bảo Lâm sau khi Báo Lâm Đồng có bài viết phản ánh

Việc UBND huyện Bảo Lâm báo cáo “chưa phát hiện được đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật” có thể thấy là cách thức báo cáo “qua loa”. Bởi, ngay trong nội dung thông tin mà Báo Lâm Đồng phản ảnh đã có nêu rõ hình ảnh đào múc, vận chuyển đất cũng như biển kiểm soát của các phương tiện tham gia. Hơn nữa, theo thông tin phóng viên ghi nhận được, ngay sau bài báo được đăng, Công an huyện Bảo Lâm đã mời chủ các phương tiện có liên quan trong bài báo mang phương tiện đến trụ sở công an để làm căn cứ kiểm tra, xác minh.

Chính vì vậy, báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm cho rằng “không phát hiện”, “chưa phát hiện” đối tượng và phương tiện vi phạm là chủ quan, bỏ qua các thông tin mà báo chí phản ánh. Bên cạnh đó, cả văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng và huyện Bảo Lâm đều có nội dung đề nghị Công an huyện Bảo Lâm điều tra, xác minh vụ việc, nếu đủ điều kiện thì khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, báo cáo lại không đề cập, không làm rõ về nội dung này, mà lại tiếp tục “chỉ đạo Công an huyện tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản nói chung và khoáng sản chưa khai thác (đất san lấp) nói riêng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp, phương tiện vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ và gây ô nhiễm môi trường”.

Một vị trí đào múc đất ngay cạnh bìa rừng tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm
Một vị trí đào múc đất ngay cạnh bìa rừng tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm. Ảnh chụp tháng 6/2024

Trên thực tế, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp, phương tiện vận chuyển đất vi phạm trên địa bàn huyện Bảo Lâm vẫn còn bị buông lỏng.

Trước đó, ngày 27/3, Báo Lâm Đồng đã có bài phản ánh về tình trạng đào múc, vận chuyển đất sai phạm qua bài viết Bảo Lâm: Hơn 180 ha đất tái định canh dự án bô xít đã về đâu?. Tiếp đó là đến bài viết Tiếp diễn tình trạng đào múc, vận chuyển đất không phép đăng tải ngày 16/5.

Khi 2 vụ việc này chưa có kết quả kiểm tra, xác minh thì đầu tháng 6/2024, phóng viên Báo Lâm Đồng tiếp nhận thông tin phản ánh từ bạn đọc và ghi nhận có tình trạng đào múc đất diễn ra trên địa bàn xã Lộc Bảo. Thậm chí, có trường hợp đào múc, vận chuyển đất tại vị trí sát bìa rừng nhưng không ghi nhận bất cứ hoạt động kiểm tra, xử lý nào của cơ quan chức năng.

CÒN CHẬM TRỄ TRONG XỬ LÝ

Công trình xây dựng sai phạm tại khu vực hồ Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm
Công trình xây dựng sai phạm tại khu vực hồ Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Ảnh chụp tháng 5/2024

Đây không phải lần đầu UBND huyện Bảo Lâm chậm xử lý hoặc xử lý chưa triệt để các thông tin mà Báo Lâm Đồng phản ánh.

Trước đó, từ tháng 7/2023, Báo Lâm Đồng đã có các bài viết liên quan đến một số công trình xây dựng sai phạm ven hồ Lộc Thắng kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa được xử lý triệt để. Đến tháng 2/2024, UBND huyện Bảo Lâm đã có văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan khẩn trương xử lý các công trình xây dựng sai phạm mà Báo Lâm Đồng phản ánh.

Theo đó, UBND huyện Bảo Lâm giao UBND thị trấn Lộc Thắng yêu cầu ông Trịnh Xuân Hưng tự tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm tại các thửa đất số 647, 783, 174 tờ bản đồ 34, Tổ 8, thị trấn Lộc Thắng (ven hồ Lộc Thắng) theo đúng nội dung, biện pháp khắc phục hậu quả xử phạt vi phạm hành chính tại các quyết định đã được UBND huyện Bảo Lâm ban hành. Nếu ông Hưng không thực hiện việc tự tháo dỡ thì các phòng chức năng lập kế hoạch cưỡng chế, tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm theo quy định.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, các công trình sai phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị cơ quan chức năng của huyện cưỡng chế tháo dỡ dù thời hạn tự tháo dỡ đã hết.

Liên quan đến các công trình sai phạm ven hồ Lộc Thắng, báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bảo Lâm vào đầu tháng 2/2024 chỉ đề cập đến công trình xây dựng của ông Hưng mà “phớt lờ” một công trình xây dựng sai phạm khác mà Báo Lâm Đồng cũng nêu trong bài viết.

Trong khi đó, báo cáo này mang tính chất tham mưu và làm cơ sở để UBND huyện Bảo Lâm ra quyết định xử lý vi phạm. Do đó, đến hiện tại, công trình không được đưa vào báo cáo này vẫn tồn tại, chưa bị xử lý.

Xe vận chuyển đất từ vị trí đào múc sát bía rừng tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm
Xe vận chuyển đất từ vị trí đào múc sát bìa rừng tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm. Ảnh chụp tháng 6/2024

Có thể thấy, công tác chỉ đạo xử lý các thông tin mà báo chí phản ánh nói riêng và các văn bản chỉ đạo điều hành nói chung được UBND huyện Bảo Lâm ban hành khá kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là các cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ lại chậm triển khai thực hiện. Thậm chí, có nhiều nội dung bị bỏ ngỏ, không thực hiện nhưng thiếu sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở. Điều này dẫn đến một số vụ việc mà báo chí nêu, hoặc người dân kiến nghị, khiếu nại hoặc cơ quan công an, tòa án đề nghị cung cấp thông tin bị kéo dài, chậm trễ trong xử lý.

Đơn cử như kiến nghị của ông Nguyễn Văn Thuấn (trú tại Phường II, TP Bảo Lộc) liên quan đến việc tranh chấp đất đai, hủy hoại tài sản tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) có nguồn gốc từ Nông trường Kohinda trước đây. Vụ việc này cũng được Báo Lâm Đồng có bài viết phản ánh từ tháng 3/2023. Khi đó, tranh chấp này đã kéo dài 15 năm nhưng không được giải quyết triệt để, nên đã làm phát sinh nhiều hệ lụy.

Gần đây nhất, ngày 28/6/2024, UBND huyện Bảo Lâm đã có báo cáo kết quả giải quyết đơn của ông Thuấn liên quan đến việc UBND huyện Bảo Lâm chậm trễ trong việc chỉ đạo cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm dẫn đến việc cơ quan công an đình chỉ giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm mà ông là người tố cáo về hành vi hủy hoại tài sản.

Theo báo cáo này, từ năm 2023, UBND huyện nhận được đơn của ông Thuấn và các văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc huỷ hoại tài sản của gia đình ông Thuấn, xảy ra năm 2022 tại Thôn 7, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm.

Qua xem xét, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Phòng Tài nguyên Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, UBND xã Lộc Tân triển khai thực hiện. Tuy các đơn vị đã cung cấp thông tin nhưng chưa đầy đủ nên Cơ quan Cảnh sát điều tra có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Đến nay, các đơn vị đã cung cấp đẩy đủ thông tin theo yêu cầu, vì vậy, ngày 10/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm đã có quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc nêu trên.

Một bài viết liên quan đến vụ việc của ông Nguyễn Văn Thuấn được Báo Lâm Đồng viết bài phản ánh
Một bài viết liên quan đến vụ việc của ông Nguyễn Văn Thuấn được Báo Lâm Đồng phản ánh

Ngoài ra, còn có một số vụ việc khác mà báo chí và người dân địa phương đã phản ánh, kiến nghị nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm còn chậm trễ, kéo dài hoặc chưa triệt để như: Việc thu hồi diện tích rừng cộng đồng tại Thôn 4 (xã Lộc Phú), triển khai thực hiện bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Lộc Phú trên đất lâm nghiệp chưa chuyển đổi mục đích, xử lý các công trình xây dựng thuộc khu nhà liền kề tại Thôn 10A (xã Lộc Thành)…

Các vụ việc Báo Lâm Đồng phản ánh đều xuất phát từ nguồn tin của bạn đọc cung cấp. Do đó, sau khi đăng bài viết, phóng viên đã liên tục đeo bám, đề nghị các cơ quan chuyên môn và UBND huyện Bảo Lâm cung cấp thông tin về kết quả xử lý để kịp thời phản hồi đến bạn đọc nhưng hầu như tỷ lệ phản hồi từ phía chính quyền rất thấp.