Bất cập trong quản lý khai thác, đấu giá khoáng sản (Bài 1)

DIỄM THƯƠNG 03:00, 09/07/2024

Bài 1: Nhận diện bất cập

Giá cát xây dựng tăng gấp đôi so với các địa phương lân cận, trong khi đó hàng triệu mét khối cát của các doanh nghiệp tại chỗ thì đang “đắp chiếu” không thể đưa ra thị trường vì chờ đấu giá. Đó là thực trạng đang diễn ra với nhiều vướng mắc, bất cập khi triển khai công tác đấu giá tận thu khoáng sản. Cát tận thu đến khi nào mới đấu giá? Câu hỏi của các doanh nghiệp vẫn chưa có câu trả lời dù UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa thể triển khai vì sao? 

Cát đắp chiếu chờ đấu giá
Cát "đắp chiếu" chờ đấu giá

HƠN 1 NĂM “ĐẮP CHIẾU”

Theo khảo sát của phóng viên, do nguồn cung cát khan hiếm dẫn đến nguyên vật liệu xây dựng khan tăng cao, cả người dân và nhiều doanh nghiệp đều gặp khó khăn và tốn chi phí trong xây dựng khi giá cát hiện tại đã tăng gấp đôi (khoảng hơn 500 ngàn/m3). Theo công bố giá vật liệu xây dựng (VLXD) tháng 5/2024 của Sở Xây dựng Lâm Đồng, cát xây, tô; cát đúc từ 360 - 600 ngàn đồng/m3. Trong khi đó, giá bán lẻ cát xây dựng ở Ninh Thuận chỉ 250 - 280 ngàn đồng/m3; Bình Thuận 280 - 300 ngàn đồng/m3… Theo giá này, cát xây dựng tại Lâm Đồng cao tới gấp đôi so với các địa phương lân cận.

Vì sao nguồn cung cát đột nhiên khan hiếm, giá cát xây dựng ở Lâm Đồng tăng mạnh? Vì sao là địa bàn có trữ lượng khoáng sản lớn, nhất là cát, sỏi làm VLXD thông thường, nhưng người dân Lâm Đồng đang phải chi trả chi phí VLXD, nhất là cát, cao hơn nhiều so với các tỉnh?

Câu hỏi này được các doanh nghiệp cho hay, nguyên nhân xuất phát từ lý do nguồn cát “đứt gãy” sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao Sở này tham mưu tỉnh thu hồi, chấm dứt hiệu lực các văn bản đã xác nhận khối lượng khoáng sản cát, sỏi thu hồi trong quá trình nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi cho các tổ chức, cá nhân còn hiệu lực, phối hợp UBND huyện tổ chức đấu giá khoáng sản thu hồi trong quá trình nạo vét lòng hồ vào tháng 2/2023.

Từ những cơ sở trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các Văn bản chỉ đạo số 2096, ngày 22/3/2023; số 5869, ngày 6/7/2023; số 7033, ngày 14/8/2023 và số 7530, ngày 29/8/2023. Theo đó, UBND tỉnh giao UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp tổ chức xác định khối lượng khoáng sản thu hồi trong quá trình nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản làm VLXD thông thường trong phạm vi công trình hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện tại địa bàn. Xác định, phê duyệt giá khởi điểm, chi phí liên quan và triển khai thực hiện đấu giá tài sản theo quy định như đề xuất của Sở TN&MT.

Với sự thay đổi này, 11 doanh nghiệp nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi phải dừng bán cát tận thu, chờ đấu giá.

Theo đại diện Công ty TNHH Đại Cát, huyện Đức Trọng, đơn vị đang nạo vét lòng hồ Thuỷ điện Đồng Nai 2, để được cấp phép nạo vét lòng hồ phải chi phí cho đơn vị tư vấn lập hồ sơ hơn 1,2 tỷ đồng; mua sắm tàu, máy móc khoảng 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã thuê nhân công nạo vét; quản lý, bảo vệ khoáng sản… tuy nhiên, thay đổi này khiến chưa thể xuất bán cát, doanh nghiệp không có nguồn thu, khó khăn chồng chất. Hay tại các công ty cần vật liệu thì như ông Lê Nam Đồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản và vật liệu xây dựng Lâm Đồng cũng cho biết: Thời gian qua, do nguồn cung cát khan hiếm do một số mỏ ngưng hoạt động và nguồn cát từ các hồ nạo vét không được cung cấp ra thị trường do đó công ty phải mua cát từ Ninh Thuận, Đắk Lắk… nên giá thành đã bị đẩy lên cao gấp đôi, bên cạnh đó còn gặp khó khăn trong công tác vận chuyển cát từ các nơi chở về Lâm Đồng. 

Như vậy, hệ quả trước mắt có thể nhận diện rõ là thị trường VLXD bị tác động tiêu cực, các cơ sở kinh doanh phải nhập cát từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk… với giá tăng cao do các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bến bãi… Bên cạnh đó, việc tạm dừng hoặc ít nạo vét sẽ khiến các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi bị bồi lắng, giảm dung tích chứa, dung tích hữu ích phát điện; gây khó khăn cho hoạt động vận hành hồ chứa, giảm công suất phát điện, ảnh hưởng môi trường sinh thái hồ chứa.

QUY ĐỊNH “CHỒNG CHÉO”

Theo các quy định trước đây, các doanh nghiệp muốn bán cát tận thu cần đăng ký tại Sở TN&MT để được cấp phép trữ lượng. Sau khi UBND tỉnh cấp phép, doanh nghiệp được bán cát, đóng thuế dựa trên khối lượng thực tế, căn cứ hoá đơn xuất ra. Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh về đấu giá cát tận thu, các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vận chuyển, tiêu thụ.

Còn theo một số doanh nghiệp có ý kiến rằng, qua nghiên cứu, rà soát, đối chiếu Luật Khoáng sản, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Nghị định 23, Văn bản 3179, ngày 8/6/2022 của Bộ TN&MT, Quyết định 1202, ngày 24/6/2013 của UBND tỉnh; thì hoạt động nạo vét cục bộ, kết hợp thu hồi cát, sạn, sỏi và bùn đất trong phạm vi bảo vệ an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh không thuộc vùng nước đường thủy nội địa của tỉnh nên không thuộc đối tượng đấu giá theo điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 23 của Chính phủ. Theo luật và nghị định hướng dẫn thì dự án nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi không thuộc đối tượng đấu giá.

Cũng theo Quyết định 1202 của UBND tỉnh Lâm Đồng về quy hoạch phát triển đường thủy tỉnh, thì hiện mới khai thác gần 60 km trên sông Đồng Nai từ Cát Tiên về Đồng Nai (thuộc huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai).

Vậy nhưng, tại Văn bản 3315 ngày 31/10/2022 hướng dẫn đăng ký thu hồi khoáng sản với dự án nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản lại nêu: Các dự án nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi mà quá trình nạo vét có thể thu hồi được cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm VLXD thông thường thì UBND tỉnh xem xét, xác định khối lượng, giá trị sản phẩm thu hồi được để tổ chức đấu giá theo điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 23. 

Với các dẫn chứng trên, các doanh nghiệp cho rằng, các quy định đang “chồng chéo” nhau. Đơn cử như trường hợp của 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đắc Thắng Lợi và Công ty TNHH Tài Hòa Phú, tại huyện Lạc Dương đã nộp hồ sơ xin đấu giá cát, sỏi tận thu vào giữa năm 2023; nhưng qua triển khai bộc lộ nhiều vướng mắc. 

Sau khi nhận văn bản đề nghị đấu giá cát tận thu của 2 công ty trên thì Phòng Tài chính - Kế hoạch đã chủ trì, phối hợp Phòng TN&MT, Kinh tế và Hạ tầng, Chi cục Thuế khu vực, UBND hai  xã Đạ Nhim và Đưng K’nớ kiểm tra thực địa, sử dụng thước dây đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài của bãi cát để tạm xác định khối lượng cát. Như vậy, có thể thấy bất cập đầu tiên là việc tính toán, xác định khối lượng cát tận thu để đấu giá mới thực hiện bằng phương pháp thủ công, chưa bảo đảm tính chính xác.

Tiếp đó, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá hiện chưa có quy định cụ thể mà dựa vào khảo sát, tham khảo giá của một số doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh VLXD trên địa bàn. Đồng thời chưa có hướng dẫn chi tiết việc xác định chi phí nạo vét và hoàn trả chi phí này cho doanh nghiệp sau đấu giá. “Hiện chưa có văn bản xác định nguồn kinh phí mà doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện nạo vét có được khấu trừ vào chi phí tổ chức bán đấu giá cát tận thu hay không” -  theo báo cáo của UBND huyện Lạc Dương. Từ đó cũng có thể nhận diện bất cập tiếp theo là  việc tạm tính chi phí hoàn trả doanh nghiệp chưa có căn cứ pháp lý, nên không chỉ doanh nghiệp mà các địa phương cũng không dám triển khai.

Còn về cơ sở pháp lý tổ chức đấu giá, Sở Tư pháp hướng dẫn xác định khối lượng, giá trị sản phẩm; trình tự, thủ tục theo Luật Đấu giá tài sản 2016, Thông tư 02 của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cũng theo Sở Tư pháp, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục trong đấu giá tài sản là cát tận thu; mà chỉ có thể “tham khảo” Chương II Thông tư liên tịch 14/2015/TTLUT-BTNMT-BTP.

Các vướng mắc, bất cập mà hai doanh nghiệp này gặp phải cũng chính là khó khăn chung các doanh nghiệp nạo vét cát tại Lâm Đồng đang cần tháo gỡ.

Đấu giá quyền khai thác là một trong những giải pháp được Chính phủ triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản. Hiệu quả đem lại từ chính sách này là không thể phủ nhận, tuy nhiên, nhiều vấn đề bất cập, khó khăn cũng đã nảy sinh khiến các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản lao đao, không biết cách xử lý. 

Câu chuyện này đã phần nào cho thấy nỗi khổ của doanh nghiệp cũng như cái khó của chính quyền địa phương khi cơ chế chính sách còn bất hợp lý và thiếu đồng bộ.

(CÒN NỮA)