(LĐ online) - Theo quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, UBND TP Bảo Lộc giao UBND phường Lộc Phát trong thời hạn 15 ngày (từ 15 đến 30/7) phải phá dỡ cây cầu xây dựng không phép bắc qua sông Da Riam (còn gọi là suối Su Ba Giăng). Việc này, đang khiến hơn 100 hộ dân nơi đây lâm vào nỗi lo mất cầu, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản, phân bón.
• VÌ SAO BUỘC PHÁ DỠ CẦU?
Cây cầu bắc qua suối Su Ba Giăng nối 2 tổ dân phố 8 và 15 (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) được xây dựng kiên cố nhưng chưa được cấp phép |
Căn cứ các hồ sơ, tài liệu liên quan cho thấy, cây cầu bắc qua suối Su Ba Giăng nối 2 tổ dân phố 8 và 15 (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) được xây dựng từ năm 2020. Cầu có diện tích khoảng 60 m2, với kết cấu móng đá, khung chịu lực cột kèo thép và sàn bê tông trên mặt có thảm nhựa.
Tuy nhiên, qua kiểm tra và căn cứ biên bản vi phạm hành chính của UBND phường Lộc Phát lập cho thấy, cây cầu này “vô chủ”, xây dựng trong hành lang bảo vệ nguồn nước mà không có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng.
Việc xây cầu đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trong lĩnh vực nguồn nước và khoáng sản của Nhà nước tại phường Lộc Phát.
Theo kết quả kiểm tra của UBND TP Bảo Lộc thì cây cầu này xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước suối Su Ba Giăng nên buộc phá dỡ để khắc phục hậu quả |
Qua kiểm tra, UBND phường Lộc Phát và các cơ quan chức năng TP Bảo Lộc không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính xây dựng cây cầu không phép nói trên. Do đó, UBND TP Bảo Lộc không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nói trên.
Từ những hành vi vi phạm về việc xây dựng cầu bắc qua suối Su Ba Giăng, ngày 15/7/2024, UBND TP Bảo Lộc đã ban hành quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là phải phá dỡ cây cầu này.
Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Văn Phương, trao đổi: “Do cầu xây dựng không phép và vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước, khoáng sản nên buộc phải tháo dỡ để đảm bảo các quy định của pháp luật. Tới đây, sau khi tháo dỡ, địa phương sẽ xem xét nhu cầu đi lại của người dân để có kế hoạch xây dựng cầu mới đúng quy định của pháp luật”.
• NGƯỜI DÂN NÓI GÌ?
Từ khi xây dựng kiên cố đến nay, hơn 100 hộ dân khu vực này đi lại, vận chuyển nông sản, phân bón thuận lợi hơn |
Theo tìm hiểu, tại 2 tổ dân phố 8 và 15 (phường Lộc Phát) có hàng trăm hộ dân sinh sống. Từ năm 2019 trở về trước, đây chỉ là cây cầu tạm bằng gỗ và sắt được người dân bắc qua suối để đi vào khu sản xuất. Đến năm 2020, khi khu vực này có dự án phân lô, bán nền, cây cầu này đã được xây dựng kiên cố như trên.
Tuy đường qua cầu không phải là “độc đạo”, nhưng từ khi được xây dựng kiên cố đến nay, người dân 2 tổ dân phố nói trên đi lại, vận chuyển nông sản, phân bón qua cây cầu này thuận tiện hơn.
Ông Lê Thanh (ngụ tại Tổ dân phố 8, phường Lộc Phát), cho hay: “Cây cầu được xây dựng kiên cố giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản, phân bón và đưa con em đến trường thuận tiện. Hơn nữa, nhiều nơi người ta đi kêu gọi nguồn xã hội hóa để xây cầu, nhưng ở đây có cầu lại phá bỏ nên người dân chúng tôi thấy chưa hợp lý. Nếu chính quyền địa phương kiên quyết phá bỏ cây cầu này, thì phải làm rõ trách nhiệm quản lý của các tổ chức, cá nhân liên quan ngay từ khi cây cầu được xây dựng”.
Người dân mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng TP Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trước khi thực hiện phá dỡ cây cầu |
Ông Trần Văn Quốc - Tổ trưởng Tổ dân phố 15 (phường Lộc Phát), cho biết: “Cây cầu này được xây dựng theo hình thức xã hội hóa do một số người có điều kiện hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu, còn người dân địa phương góp công. Vì vậy, đây là cây cầu chung, phục vụ cho nhu cầu chung của tất cả mọi người dân.
Trong khu vực còn có 2 trường học, cây cầu này đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các cháu học sinh rút ngắn khoảng cách và thời gian đến trường. Hiện tại, đang vào mùa mưa bão, nhưng UBND TP Bảo Lộc lại có quyết định buộc phá dỡ cây cầu này khiến bà con rất lo lắng, bất an. Vì vậy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp cần xem xét, đánh giá cụ thể những lợi ích mà cây cầu đang mang lại cho người dân. Từ đó, có quyết định phá dỡ hay không cũng chưa muộn".
Cũng theo ông Quốc, thời gian qua, người dân 2 tổ dân phố 8 và 15 đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri và bằng văn bản lên UBND TP Bảo Lộc xin được giữ lại cây cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản, phân bón.
Hiện tại, người dân đang viết đơn đề nghị các cấp xem xét thấu đáo, đảm bảo nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Người dân cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP Bảo Lộc trực tiếp làm việc, đối thoại với bà con trước khi thực hiện tháo dỡ cầu để tránh gây bức xúc trong dư luận.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin