Đà Lạt mạnh tay xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng

CHÍNH THÀNH 06:19, 18/07/2024

Cơ quan chức năng Đà Lạt nhận định, mặc dù số vụ vi phạm và diện tích đất rừng bị mất giảm dần qua các năm nhưng do quỹ đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, trong khi nhu cầu ngày càng cao, nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm, san gạt, cải tạo đất rừng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cơ quan chức năng phát hiện hồ nước trên đất lâm nghiệp tại Phường 10
Cơ quan chức năng phát hiện hồ nước trên đất lâm nghiệp tại Phường 10

Theo ghi nhận, những năm qua, giá đất sản xuất nông nghiệp, đất xây dựng tại TP Đà Lạt luôn ở mức cao và nhiều diện tích rừng đan xen, giáp ranh với các diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân đã gây nhiều áp lực lên công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, ken cây đổ hóa chất làm chết cây rừng, tái lấn chiếm,... mặc dù không có vụ việc nổi cộm nhưng vẫn diễn ra nhỏ, lẻ và có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo, qua 2 năm qua (năm 2022 và 2023) thành phố thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên số vụ vi phạm và diện tích đất rừng bị mất giảm dần qua các năm. Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, các đơn vị đã thực hiện trên 483 lượt kiểm tra, truy quét, qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép,...

Số vụ vi phạm đã được phát hiện, xử lý trong 2 năm 2022 và 2023 là 49 vụ, thiệt hại 15.095 m2 rừng và 201,269 m3 gỗ tròn. So với 2 năm liền kề (2020 - 2021): giảm 80 vụ, tỷ lệ giảm 62%; diện tích rừng thiệt hại giảm 23.945 m2, tỷ lệ giảm 61%; khối lượng gỗ tròn thiệt hại giảm 83,188 m3, tỷ lệ giảm 21%. Đã xử lý hình sự 1 vụ và xử lý hành chính 42 vụ. Tang vật tịch thu qua xử lý vi phạm 57,169 m3 gỗ tròn, 41,832 m3 gỗ xẻ các loại.

Đối với lĩnh vực quản lý đất đai, thống kê tổng số vụ vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp đã được phát hiện xử lý 111 vụ với diện tích 17,583 ha. So với 2 năm liền kề (2020 - 2021) giảm 30 vụ, tỷ lệ giảm 21%, diện tích giảm 3,707 ha, tỷ lệ giảm 17% (trong 2 năm 2020 - 2021, xảy ra 141 vụ lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 21,29 ha.

Theo UBND TP Đà Lạt nhận định, tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm, san gạt đất lâm nghiệp trái pháp luật có giảm nhưng số vụ chưa phát hiện đối tượng vi phạm còn nhiều, nhất là các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép, ken cây, khoan đổ hóa chất làm chết cây rừng. Một số vụ vi phạm còn chậm phát hiện dẫn đến ngăn chặn, xử lý kém hiệu quả. Bên cạnh đó, do đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn, thiếu đất canh tác, khai thác gỗ để dựng nhà, chòi trại; một số đối tượng là dân di cư tự do; các hộ dân lấn chiếm, mở rộng vườn rẫy.

Thực tế ghi nhận, nhiều nơi, diện tích bị lấn chiếm nhỏ, manh mún, không tập trung, một số người dân sau khi bị xử lý đã tái lấn chiếm. Đối với những trường hợp này, thành phố đã chỉ đạo kiên quyết xử lý, giải tỏa thu hồi và đơn vị chủ rừng tổ chức trồng rừng để chống lấn chiếm, đồng thời vận động các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm, chặt phá cây rừng, cây phân tán trên diện tích giáp ranh để làm cơ sở kiểm tra sau này.

Thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp, UBND TP Đà Lạt đã đề ra một nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Mục tiêu tổng quát hướng tới là xây dựng kế hoạch triển khai, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có, đưa đất lâm nghiệp vào sử dụng đúng mục đích, phát triển và sử dụng rừng bền vững, từng bước nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ hàng năm. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, phấn đấu giảm 10% - 15% về số vụ vi phạm, 15% - 20% mức độ thiệt hại về diện tích rừng bị phá, khối lượng lâm sản bị thiệt hại, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm năm sau giảm dần so với năm trước.

Bên cạnh đó, các đơn vị chủ rừng, phường, xã quán triệt các chỉ đạo của tỉnh và thành phố, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong kiểm tra, lập hồ sơ, kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, san ủi đất lâm nghiệp; đặc biệt đối với các vụ việc nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng trái phép, tình trạng tái lấn chiếm đất lâm nghiệp sau cưỡng chế, giải tỏa. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, triệt để nhằm từng bước kiểm soát, giảm số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại đối với rừng...

Đức Trọng: Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp tăng so với cùng kỳ

Theo UBND huyện Đức Trọng, trong 6 tháng đầu năm 2024, địa phương đã phát hiện 14 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số vụ có đối tượng là 12 vụ, chưa xác định đối tượng là 2 vụ. Qua đó, ngành chức năng đã tiến hành xử lý hành chính 9 vụ, với số tiền xử phạt và thu nộp ngân sách nhà nước 10,4 triệu đồng. 

Cũng trong những tháng đầu năm 2024, ngành chức năng huyện Đức Trọng đã phát hiện 18 vụ lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật, diện tích 26.278 m2; các đơn vị chủ rừng đã giải tỏa 202.585 m2 cây trồng trái phép trên đất rừng. Đến nay, đã tháo dỡ, vận động tháo dỡ 25/26 công trình, với tổng diện tích 34.813 m2; còn lại 1 công trình, diện tích 810 m2 tại khu vực đồi Hương Ly, xã Hiệp An.

Ngoài ra, theo kết quả ghi nhận trên điểm cháy vệ tinh và phản ánh qua hệ thống camera tầm cao, trong mùa khô năm 2023-2024, toàn huyện đã xảy ra 301 điểm cháy, với tổng diện tích 139,15 ha, chủ yếu là cháy thảm cỏ dưới tán rừng, không gây thiệt hại về người và tài nguyên rừng.

N.MINH