Với 28 dân tộc anh em cùng chung sống, những năm qua, cùng với việc thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, bà con Nhân dân trên địa bàn huyện Di Linh đã cùng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên cội nguồn sức mạnh bền vững để góp sức vào sự phát triển chung của địa phương.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Di Linh đã trở thành "món ăn tinh thần" thu hút đông đảo Nhân dân tham gia |
• THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN TỘC
Huyện Di Linh có tổng diện tích đất tự nhiên trên 161.000 ha. Dân số toàn huyện khoảng trên 165.000 người, với 28 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 42,5% dân số. Toàn huyện có 19 đơn vị hành chính; trong đó có 15 xã và 1 thị trấn với 85/183 thôn, tổ dân phố thuộc vùng đồng bào DTTS.
Ông Nguyễn Thế Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: UBND huyện đã xây dựng Chương trình hành động và Kế hoạch phát triển vùng đồng bào DTTS theo từng năm, từng giai đoạn; trong đó, xác định việc phát triển vùng đồng bào DTTS vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện đã tập trung vào giải quyết những vấn đề khó khăn của vùng dân tộc, tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các thôn nghèo và cận nghèo,...
Cụ thể, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, 5 năm qua, các chương trình, chính sách của tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS huyện Di Linh hơn 143 tỷ đồng. Đồng thời, đã thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi cho các hộ là đồng bào DTTS vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi với nguồn vốn vay trên 311 tỷ 554 triệu đồng cho 7.161 hộ. Đặc biệt, 203 hộ đồng bào DTTS được vay hỗ trợ làm nhà với tổng số tiền 11 tỷ 520 triệu đồng.
Ngoài ra, giai đoạn 2019 - 2024, chương trình giảm nghèo bền vững đã đầu tư 14 tỷ 199 triệu đồng để xây dựng các hạng mục công trình gồm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Di Linh. Bên cạnh đó, thông qua Đề án 654 và Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, tỉnh và các nguồn vận động khác đã hỗ trợ xây và sửa chữa nhà ở cho hơn 300 hộ là đồng bào DTTS. Qua thực hiện các chương trình, dự án đã giúp đồng bào DTTS nghèo được sử dụng nước sạch, có nhà ở và đất canh tác, góp phần tích cực đến công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 563 hộ nghèo, 754 hộ nghèo là đồng bào DTTS.
Đồng thời, huyện thường xuyên đẩy mạnh chuyển đổi, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào DTTS và phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng. Hiện nay, trong vùng đồng bào DTTS của huyện Di Linh cơ bản đã hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp, đầu tư thực hiện có hiệu quả 3 mục tiêu trong vùng đồng bào DTTS, gồm xây dựng vườn hộ - chăn nuôi - quản lý, bảo vệ rừng.
• NÂNG CAO MỌI MẶT ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu DTTS huyện Di Linh lần thứ III năm 2019, huyện Di Linh đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân tộc, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS. Tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; củng cố, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc.
Đến cuối năm 2023, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đường nhựa kiên cố đến trung tâm xã; 100% xã, thôn đồng bào DTTS có điện lưới quốc gia... Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức đồng bào DTTS được bố trí tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện ngày càng tăng với 389/2.528 người, chiếm tỷ lệ 15,4%. Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên và việc phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS luôn được quan tâm chú trọng. Toàn huyện hiện có 932/4.493 đảng viên là người DTTS, chiếm 20,7%.
Bên cạnh đó, các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được quan tâm bảo tồn và phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho con cháu, mà còn là một tài nguyên mới cho sự phát triển du lịch của huyện nhà.
Nhiều phong trào thi đua yêu nước được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phát động, đã thu hút đông đảo đồng bào DTTS hưởng ứng và tham gia. Điển hình như phong trào hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn, giao thông đô thị; Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”,... Đến nay, 85/85 thôn, tổ dân phố đồng bào DTTS được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn huyện diễn ra sôi nổi rộng khắp và có hiệu quả, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư. Trong đó, tiêu biểu là Ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc huyện Di Linh được tổ chức định kỳ hàng năm được đông đảo Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tham gia hưởng ứng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Nguyễn Thế Học khẳng định: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện; sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ và trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương; sự hưởng ứng nhiệt tình và tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong huyện, cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh; là tấm gương đoàn kết các dân tộc, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn huyện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin