Đơn giá đất bồi thường tại Dự án hồ Ta Hoét phù hợp với giá thị trường

NGUYỄN THÀNH 08:24, 23/07/2024

(LĐ online) - Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chấp thuận ranh giới, diện tích đất để thực hiện Dự án hồ chứa nước Ta Hoét tại huyện Đức Trọng với tổng diện tích gần 123 ha, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tiến hành các bước theo đúng quy trình và thủ tục quy định để xây dựng và trình phê duyệt hệ số giá đất cụ thể, làm cơ sở tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án.

TÍNH TOÁN KỸ LƯỠNG PHƯƠNG ÁN BỒI THƯỜNG

Đến hiện tại, còn 109 hộ chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng để triển khai Dự án hồ chứa nước Ta Hoét
Đến hiện tại, còn 109 hộ chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng để triển khai Dự án hồ chứa nước Ta Hoét. Ảnh: Chính Thành

Liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi triển khai Dự án hồ chứa nước Ta Hoét, nhiều người dân trong vùng dự án cho rằng giá đền bù khi nhà nước thu hồi đất còn thấp, gây thiệt thòi cho người dân, từ đó bày tỏ mong muốn được nâng giá đền bù tương đương với giá thị trường.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn bản liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại dự án này cho thấy, quá trình xây dựng giá đất cụ thể để làm cơ sở lập phương án bồi thường khi thu hồi đất được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xem xét và tính toán kỹ lưỡng, sau khi điều chỉnh lần 2 thì đơn giá đất bồi thường được xác định phù hợp với giá thị trường.

Cũng như những dự án đầu tư công khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, công tác xây dựng giá đất cụ thể để làm cơ sở lập phương án bồi thường tại Dự án hồ chứa nước ta Hoét cũng căn cứ vào các cở sở pháp lý như: Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 44 ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Thông tư số 36 ngày 30/6/2014 và Quyết định số 1351 ngày 04/6/2015 của Bộ Tài nguyên Môi trường và các quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng… quy định về giá đất, phương pháp định giá đất, giá các loại đất và hệ số điều chỉnh giá đất…

Từ những cơ sở pháp lý này, giá đất để tính bồi thường tại Dự án hồ Ta Hoét là giá đất cụ thể. Sau khi khảo sát thông tin các thửa đất có đặc điểm tương tự với thửa đất cần định giá về mục đích sử dụng, khu vực, khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, diện tích và tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, Tổ xây dựng giá đã lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp để áp dụng tại khu vực này.

Đơn giá bồi thường đối với đất nông nghiệp ngoài khu dân cư áp dụng tại Dự án hồ chứa nước Ta Hoét
Loại đất
Vị trí
Đơn giá (đồng)
Hệ số (lần)
Thành tiền (đồng/m2)
Đất trồng cây lâu năm
Tiếp giáp trục chính (lớn)
55.000
5,16
283.800
Tiếp giáp đường (nhỏ)
55.000
4,84
265.980
Không tiếp giáp đường
55.000
4,67
256.850
Đất trồng cây hàng năm
Tiếp giáp trục chính (lớn)
47.000
5,89
276.830
Tiếp giáp đường (nhỏ)
47.000
5,32
250.040
Không tiếp giáp đường
47.000
5,17
242.990

Trên cơ sở kết quả phương án giá đất của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên môi trường và Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Đức Trọng đã giao các ngành chức năng thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Sau khi Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định và trình UBND tỉnh, ngày 17/9/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2359/QĐ-UBND về việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án hồ chứa nước Ta Hoét. Sau đó, quyết định này đã được thay thế bằng Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 của UBND tỉnh để đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân và phù hợp với quy định hiện hành.

Đối với Dự án xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét, toàn bộ phần diện tích thu hồi của người dân áp dụng giá đất bồi thường là giá đất nông nghiệp nằm ngoài khu dân cư.

KHẢO SÁT THỊ TRƯỜNG ĐỂ TÍNH GIÁ ĐỀN BÙ CỤ THỂ

Phối cảnh Dự án hồ chứa nước Ta Hoét
Phối cảnh Dự án hồ chứa nước Ta Hoét với dung tích hồ chứa 13,86 triệu mét khối, dự kiến cung cấp nước tưới cho hơn 2.600 ha và nước sinh hoạt cho khoảng 65.000 dân

Để đánh giá về mức giá bồi thường so với giá thị trường, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên môi trường và Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Đức Trọng, UBND xã Hiệp An và chủ đầu tư tiến hành khảo sát thị trường để thu thập thông tin chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Hiệp An, làm cơ sở xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét.

Từ tháng 3/2021 đến tháng 6/2021, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên môi trường và Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng đã khảo sát, thu thập thông tin thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất cơ bản hoàn thiện. Tại thời điểm xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, chưa có thông tin triển khai Dự án hồ chứa nước Ta Hoét tại xã Hiệp An nên giá đất tại khu vực này vẫn còn thấp, kết quả khảo sát giá đất của đơn vị tư vấn là phản ánh đúng thị trường.

Đồng thời, qua thu thập thông tin của đơn vị tư vấn thì tại khu vực dự án ít có giao dịch chuyển nhượng thành nên đơn vị tư vấn đã khảo sát giá đất ở vị trí khác có giá cao hơn và dùng các phương pháp điều chỉnh giá đất để điều chỉnh giảm giá đất về thửa đất cần định giá.

Bên cạnh đó, qua khảo sát giá đất nông nghiệp thuần túy tại khu vực nêu trên thì tại thời điểm giữa năm 2021, giá đất nông nghiệp vị trí 3 thuộc quy hoạch đất nông nghiệp chỉ sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp thuần túy; không bị ảnh hưởng bởi các dự án, không có hướng nhìn ra hồ nước, không sử dụng vào mục đích khác như xây dựng nhà ở, nhà chòi để làm farmstay thì giá dao động từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng/1 sào (đã bao gồm giá trị cây trồng). Sau khi bóc tách giá trị cây trồng thì giá trị đất nông nghiệp vị trí 3 trung bình từ 180 triệu đồng đến 230 triệu đồng/1 sào. Do đó, giá đất đề xuất phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện Dự án hồ chứa nước Ta Hoét là phù hợp với thị trường.

Tuy nhiên, sau thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra, người dân các tỉnh lân cận về huyện Đức Trọng mua đất (chủ yếu tại xã Hiệp An, xã Hiệp Thạnh và thị trấn Liên Nghĩa) thì thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất có sự biến động về giá, làm cho hệ số điều chỉnh giá đất tại quyết định nêu trên không còn phù hợp so với thời gian thu thập thông tin xây dựng giá. Do đó, UBND tỉnh đã xem xét phê duyệt điều chỉnh và bổ sung hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể để tính toán bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án tại Quyết định số 1619/QĐ-UBND ngày 12/9/2022.

Đối với đất ở tại dự án, diện tích đất ở bị ảnh hưởng rất ít chỉ có 0,29 ha/8 hộ. Do trong quá trình triển khai thực hiện, các hộ dân không có ý kiến liên quan tới đề nghị xem xét điều chỉnh hệ số giá đất ở, nên trong năm 2022, UBND huyện đã không tham mưu điều chỉnh.

Trên thực tế, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, khu vực Dự án hồ Ta Hoét và khu vực lân cận ít có giao dịch đất đai. Do đó, giá đất thị trường không biến động so với thời điểm năm 2022. Để đảm bảo sự công bằng giữa các hộ dân, nên thời điểm hiện tại vẫn áp dụng Quyết định số 1619 của UBND tỉnh để tính toán bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp cho toàn dự án.

KHÔNG CÓ VIỆC “GÂY SỨC ÉP” BUỘC DÂN BÀN GIAO MẶT BẰNG

Số hộ dân chưa nhận tiền đền bù vẫn canh tác hoa màu bình thường, không có chuyện bắt ép
Số hộ dân chưa nhận tiền đền bù vẫn canh tác hoa màu bình thường, không có việc "gây sức ép" buộc người dân phải bàn giao mặt bằng. Ảnh: Chính Thành

Tổng số hộ dân có đất thu hồi để triển khai dự án là 190 hộ với khoảng 96,87 ha; trong đó, có 0,29 ha đất ở và 96,58 ha sản xuất nông nghiệp. Qua rà soát, cơ bản các hộ đủ điều kiện bồi thường về đất, chỉ có 6 trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất do diện tích của các hộ nằm trong ranh quy hoạch lâm nghiệp và khai phá sử dụng sau ngày 01/7/2004.

Đến nay, UBND huyện Đức Trọng đã phê duyệt 54 quyết định phương án tính toán bồi thường, hỗ trợ với tích 93,93 ha; trong đó, diện tích của hộ người dân tộc thiểu số là 46,07 ha và hộ người Kinh là 47,86 ha. Tổng số tiền phê duyệt là 262,9 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, UBND huyện Đức Trọng đã thành lập tổ chi trả tiền và chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện ban hành thông báo, giấy mời chi tiền kể cả thứ 7, chủ nhật, tổ chức chi trả lưu động tại UBND xã Hiệp An. Tuy nhiên, đến nay, mới có 73 hộ nhận đền bù với số tiền 97,6 tỷ đồng và diện tích đã bàn giao khoảng 33,8 ha; trong đó, hộ người đồng bào dân tộc thiểu số 30 hộ/9,8 ha và hộ người Kinh 43 hộ/24 ha. Số hộ chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng là 109 hộ với số tiền 128,26 tỷ đồng.

Có nhiều lý do để các hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chưa đồng ý nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng triển khai dự án, như: Một số hộ dân cho rằng giá đền bù chưa thỏa đáng, không bằng giá thị trường; vị trí tái định canh xa vị trí canh tác cũ, đất đai khô cằn, không màu mỡ; phải bố trí tái định canh cho tất cả các hộ dân có đất thu hồi tại khu vực dự án, không được phân biệt người có người không; việc chuyển đổi mục đích đất trồng lúa của người đồng bào dân tộc thiểu số sang đất chuyên dụng để làm hồ thủy lợi là không đúng chủ trương; khi người dân bị thu hồi đất, không còn đất sản xuất thì không thể hưởng những lợi ích mà mục tiêu dự án đặt ra...

Những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng này của người dân đã được chính quyền địa phương nắm bắt qua các buổi đối thoại và đã giải thích trực tiếp, cũng như có văn bản trả lời cho người dân có kiến nghị, khiếu nại, trên tinh thần vừa “thấu tình”, vừa “đạt lý” đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật.

Hiện nay, đối với diện tích đất nông nghiệp nằm trong khu vực dự án nhưng người dân chưa nhận tiền đền bù, chưa bàn giao mặt bằng thì người dân vẫn đang canh tác hoa màu bình thường. Chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục xem xét, giải quyết các kiến nghị chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật của người dân; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân đủ điều kiện sớm bàn giao mặt bằng để dự án được triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Hoàn toàn không có chuyện “cán bộ” xuống “đe dọa” hoặc “gây sức ép” buộc người dân phải nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.