Đồng bào DTTS mong muốn bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

NGUYỆT THU 06:09, 19/07/2024

Qua tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe, đa số đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh bày tỏ sự phấn khởi yên tâm tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ có nhiều chính sách cho vùng DTTS đã tạo nên nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên đáng kể. Thế hệ trẻ người DTTS cũng bắt kịp xu hướng thời đại công nghệ số, có cách tạo dựng thương hiệu và phát triển kinh tế - văn hóa theo cách riêng của mình. Đáng chú ý, đa số bà con người DTTS đều mong muốn ngoài phát triển kinh tế thì luôn khao khát lưu giữ bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, mong có sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ của Nhà nước. 

Đại biểu các DTTS kiến nghị, đề xuất về nhiều tồn tại, khó khăn
Đại biểu các DTTS kiến nghị, đề xuất về nhiều tồn tại, khó khăn

Sau khi kiến nghị, đề xuất giải quyết tháo gỡ khó khăn liên quan các lĩnh vực hỗ trợ giải quyết việc làm cho con em người DTTS, nhất là những trường hợp đã qua đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp nghề; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phục vụ sản xuất; quan tâm việc cấp quyền sử dụng đất, hỗ trợ thêm đất sản xuất sau đền bù tái định canh, định cư; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đối với lĩnh vực giao thông khu vực nông thôn… thì tận sâu thẳm trong lòng bà con luôn mong muốn và tự hào về bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình với nhiều nét đẹp đa dạng, phong phú, mong muốn được bảo tồn và phát triển. 

Già làng K’Tiếu - Nghệ nhân Ưu tú thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh cho biết: Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho bà con được vay vốn phát triển sản xuất, đời sống của bà con được nâng cao, nay trong làng, trong buôn đã có nhà xây, có xe ô tô, đường nông thôn xanh - sạch - đẹp, bà con trồng hoa hai bên đường, thi đua làm cổng - hàng rào đẹp, chúng tôi mừng lắm… Tuy nhiên, riêng về văn hóa giáo dục có phát triển nhưng hiện nay còn nhiều tồn tại, tôi lo ngại nét văn hóa bản sắc dân tộc dần bị mai một. Mặc dù đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, song trước thời buổi phát triển kinh tế thị trường, Không gian văn hóa cồng chiêng ở Tây Nguyên vẫn luôn đối mặt với nguy cơ bị mai một. Văn hóa cồng chiêng từ lâu đã thấm vào máu thịt của người K’Ho, với tôi đã hơn 60 năm qua gắn bó, say mê và gìn giữ cách chơi cồng chiêng - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình mà từ đời cha ông truyền lại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay còn ít người biết đánh cồng chiêng, các cháu thanh thiếu niên lại càng không biết. 

Già làng K’Tiếu đau đáu suy nghĩ và đã dành dụm nguồn kinh phí khá lớn mua riêng bộ cồng chiêng cho mình để thực hiện khát khao đi dạy đánh cồng chiêng cho các thế hệ cháu con. Hàng trăm lượt người đã được già truyền dạy, già còn được mời đi các huyện, các tỉnh để dạy và nói về cồng chiêng. Được biết, già làng K’Tiếu vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Ngoài ra, Nghệ nhân Ưu tú K’Tiếu là một trong 31 cá nhân vừa được Thủ tướng Chính phủ có quyết định tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; là điển hình tiên tiến của tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân dịp 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).

Còn chị Ma Liêng - xã Tu Tra, huyện Đơn Dương lại chia sẻ: Phụ nữ Churu chúng tôi luôn tự hào về nghề làm gốm Churu có từ lâu đời và được bạn bè các tỉnh lân cận, có cả du khách trong và ngoài nước yêu thích và đánh giá rất cao về kỹ thuật làm gốm thủ công. Chúng tôi mong Nhà nước, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quan tâm định hướng phát triển để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Trong đó có cả nghề làm nhẫn bạc khá nổi tiếng do đôi bàn tay khéo léo rèn giũa của những người đàn ông Churu làm nên. Nét đẹp mộc mạc, tự nhiên của những cặp nhẫn, những bộ gia dụng bằng gốm đã tạo nên nét riêng của vùng đất Tu Tra, Pró và một số xã khác của huyện Đơn Dương. Chúng tôi mong được vay vốn, từ đó đầu tư phát triển mạnh hơn, kết hợp với du lịch để thu hút khách đến tham quan, mua sắm, tạo việc làm, thu nhập cho bà con. 

 Được biết, trước đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng triển khai Đề án “Làng văn hóa các DTTS huyện Đơn Dương” tại xã Pró. Đề án gồm nhiều hạng mục như: xây dựng các dãy nhà sàn; tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; khôi phục các nghề truyền thống của người Churu; sưu tầm, phục chế các hiện vật, dụng cụ sinh hoạt văn hóa đã bị mai một... phục vụ du lịch và nghiên cứu khoa học. Đề án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của các DTTS bản địa ở Đơn Dương; mở ra hướng khai thác, phát triển loại hình du lịch mới - du lịch văn hóa, dựa trên việc trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa độc đáo của người DTTS bản địa. Tuy nhiên, việc đánh giá, tổng kết thực hiện hiệu quả của đề án và đề ra hướng khắc phục hạn chế, đề xuất giải pháp hiệu quả hơn cần được quan tâm hơn nữa.

Trong thời gian tới, vẫn rất cần ngành chức năng quan tâm, khảo sát, đánh giá và tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề làm gốm, nghề đúc nhẫn bạc của dân tộc Churu xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và một số ngành nghề khác, loại hình văn hóa khác. Từ đó xác định những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một, làm tư liệu, cơ sở nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống và phát triển du lịch.