Dự án hồ Ta Hoét: Chỉ phục vụ lợi ích cộng đồng, không có lợi ích nhóm

NGUYỄN THÀNH 07:45, 29/07/2024

(LĐ online) - Dự án hồ chứa nước Ta Hoét (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) được Trung ương bố trí nguồn vốn 981,591 tỷ đồng để triển khai xây dựng. Dự án được UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư hợp phần xây dựng công trình đầu mối hồ chứa và hệ thống kênh; UBND huyện Đức Trọng làm chủ đầu tư hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định canh.

Đồng chí Trần Trung Hiếu - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cùng lãnh đạo các phòng, ban kiểm tra tiến độ thi công khu tái định canh phục vụ Dự án hồ chứa nước Ta Hoét
Đồng chí Trần Trung Hiếu - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cùng lãnh đạo các phòng, ban kiểm tra tiến độ thi công khu tái định canh phục vụ Dự án hồ chứa nước Ta Hoét. Ảnh: Võ Lan

Ngay khi Dự án hồ Ta Hoét đang triển khai các thủ tục đầu tư theo trình tự quy định và cả đến khi tiến hành khởi công công trình đập đầu mối, một bộ phận người dân (có cả người bị ảnh hưởng hoặc không bị ảnh hưởng từ dự án) đã phản đối việc triển khai thi công và đòi hủy bỏ dự án này. Có nhiều lý do được đưa ra; trong đó, nhiều người dân cho rằng Dự án hồ chứa nước Ta Hoét không mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư, mà sau này sẽ giao cho công ty tư nhân khai thác du lịch, phục vụ lợi ích nhóm.

Việc người dân quan tâm về hiệu quả đầu tư của dự án cũng như bày tỏ lo lắng có thể có lợi ích nhóm khi triển khai dự án cũng là lẽ đương nhiên. Bởi lẽ, đây là dự án có quy mô lớn được triển khai trên địa bàn huyện Đức Trọng, có tác động đến nhiều hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn K’Rèn (xã Hiệp An). Tổng diện tích thực hiện dự án là 122,8 ha; trong đó, có gần 96,87 ha đất sản xuất nông nghiệp của 190 hộ dân trong diện phải thu hồi, diện tích 24,67 ha còn lại là đất công do UBND xã quản lý.

Hơn nữa, trên thực tế, đã có một số công trình, dự án khi triển khai đã để xảy ra tình trạng nhóm lợi ích chi phối, làm ảnh hưởng đến một số khâu, công đoạn đầu tư hoặc toàn bộ dự án. Do đó, việc người dân lo lắng về nguy cơ xảy ra tình trạng này cũng là một cách để thực hiện có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để quá trình đầu tư, thi công được chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh xảy ra những vấn đề tiêu cực.

Trở lại với Dự án hồ chứa nước Ta Hoét, về mặt chủ trương, đây là dự án khởi công mới, được bổ sung vào kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định 1145 ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ với tổng mức đầu tư là 981,591 tỷ đồng.

Đồng thời, hồ Ta Hoét cũng là 1 trong 7 dự án nhóm B được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 171 ngày 27/4/2020 của HĐND tỉnh Lâm Đồng, Kỳ họp thứ 13. Để ban hành nghị quyết này thì HĐND tỉnh đã xem xét các tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX.

Chủ trương đầu tư được HĐND tỉnh phê duyệt là căn cứ để Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung kế hoạch đầu tư và bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để triển khai dự như đã nêu ở trên.

.
Tổng diện tích thực hiện dự án Dự án hồ chứa nước Ta Hoét là 122,8 ha; trong đó, có gần 97 ha đất sản xuất nông nghiệp của 190 hộ dân trong diện phải thu hồi, diện tích còn lại là đất công

Viện dẫn quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của HĐND tỉnh Lâm Đồng, 2 trong số rất nhiều văn bản pháp lý liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư, để thấy rằng, Dự án hồ Ta Hoét đã được thẩm tra qua nhiều ngành, nhiều cấp trước khi được phê duyệt đầu tư và bố trí nguồn vốn. Hơn nữa, dự án hoàn toàn sử dụng nguồn vốn do Trung ương cấp để đầu tư nhằm phục vụ cho cộng đồng, góp phần thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Mục tiêu phục vụ cho cộng đồng được thể hiện rõ trong Nghị quyết 171 của HĐND tỉnh. Theo đó, mục tiêu đầu tư Dự án hồ Ta Hoét là để cấp nước tưới cho diện tích 2.580 ha đất canh tác thuộc các khu vực: Cấp nước tưới tự chảy cho 2.080 ha lúa, màu, cây công nghiệp thuộc địa bàn xã Tân Hội và xã Tân Thành (huyện Đức Trọng); cấp nước bổ sung tưới cho 500 ha thuộc khu tưới của hồ Tuyền Lâm.

Ngoài ra, dự án triển khai còn nhằm mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho khoảng 15.000 người dân sinh sống tại xã Tân Hội, xã Tân Thành và 50.000 người dân sinh sống tại thị trấn Liên Nghĩa; kết hợp tạo cảnh quan du lịch và góp phần cải thiện tiểu khí hậu của vùng dự án, nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ.

Chính vì vậy, quan điểm cho rằng Dự án hồ chứa nước Ta Hoét “không mang lại lợi ích cho cộng đồng”, chỉ “phục vụ lợi ích nhóm” là hoàn toàn không chính xác và không có cơ sở. Có thể, mục tiêu “kết hợp tạo cảnh quan du lịch” đã gây ra sự hoài nghi “sau này sẽ giao cho công ty tư nhân khai thác du lịch, phục vụ lợi ích nhóm” của một bộ phận người dân, nên đã không hiểu đúng về mục tiêu đầu tư và lợi ích thực sự mà dự án hướng tới.

Ngay cả nếu mục tiêu tạo cảnh quan du lịch được thực hiện sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng thì càng khẳng định được giá trị tăng thêm của hồ chứa nước Ta Hoét trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi đó, việc đầu tư du lịch trên hồ sẽ phải tiến hành với các trình tự, thủ tục theo quy định và cả cộng đồng xã hội sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch bên cạnh những mục tiêu lớn hơn đã đề ra thì trước hết Dự án hồ chứa nước Ta Hoét cần được triển khai đúng tiến độ. Trong khi đó, đến nay, dự án đã bị chậm so với kế hoạch bố trí vốn là khởi công – hoàn thiện trong giai đoạn 2020 - 2023. Điều này đặt ra yêu cầu các cấp chính quyền cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đặc biệt rất cần sự thấu hiểu, đồng thuận của người dân để dự án sớm được triển khai, đem lại những lợi ích cho cộng đồng dân cư trong vùng dự án và toàn xã hội.