Dự án hồ Ta Hoét: Quan tâm đến chính sách hỗ trợ và tái định canh cho người dân

NGUYỄN THÀNH 09:42, 25/07/2024

(LĐ online) - Ngoài thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật về tính đơn giá đất đền bù để giải phóng mặt bằng triển khai Dự án hồ chứa nước Ta Hoét, chính quyền địa phương còn quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ và bố trí tái định canh (bồi thường bằng đất) cho người dân bị ảnh hưởng.

Phối cảnh Dự án hồ chứa nước Ta Hoét
Phối cảnh Dự án hồ chứa nước Ta Hoét. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 2.080 ha lúa, rau màu, cây công nghiệp

BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ ĐẦY ĐỦ GIÁ TRỊ TÀI SẢN TRÊN ĐẤT

Căn cứ các văn bản liên quan hướng dẫn tính toán bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất, đến nay, các phòng ban chuyên môn đã tham mưu UBND huyện Đức Trọng phê duyệt tính toán bồi thường, hỗ trợ về đất, cây trồng, vật kiến trúc và một số chính sách hỗ trợ khác theo đúng quy định.

Trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã ban hành các giấy mời, thông qua Trưởng thôn K’Rèn, xã Hiệp An để thông báo các hộ dân phối hợp kiểm kê; đồng thời, cùng UBND xã Hiệp An, chủ đầu tư, các phòng ban liên quan đến từng thửa đất theo từng thông báo thu hồi đất của huyện để tiến hành ghi nhận đầy đủ vật kiến trúc, cây trồng của từng hộ theo đúng các trình tự, thủ tục quy định. Đến nay, công tác kiểm kê nhà, vật kiến trúc, cây trồng… đã thực hiện xong. 

Sau khi kiểm kê, những tài sản trên đất như nhà ở, vật kiến trúc và cây trồng cũng được căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành để xây dựng nguyên tắc tính toán bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho người dân.

Đến nay, công tác kiểm kê vật kiến trúc, cây trồng… đã thực hiện xong
Tại khu vực Dự án hồ Ta Hoét, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm kê đầy đủ nhà, vật kiến trúc, cây trồng của từng hộ dân theo đúng các trình tự, thủ tục quy định. Ảnh: Chính Thành

Theo đó, đối với nhà và vật kiến trúc, đơn giá tính toán bồi thường, hỗ trợ căn cứ theo Quyết định số 03/2019/QĐ-UBND ngày 13/3/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành đơn giá xây dựng mới biệt thự, nhà ở, nhà kính và đơn giá cấu kiện tổng hợp để xác định giá trị tài sản là công trình trên địa bàn tỉnh.

Đối với những công trình, nhà ở xây dựng hợp pháp trên đất nếu bị tháo dỡ toàn bộ thì được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Nếu tháo dỡ một phần mà phần còn lại không còn sử dụng được thì tính toán bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình như trường hợp tháo dỡ toàn bộ; nếu phần còn lại còn sử dụng được thì bồi thường phần bị tháo dỡ theo quy định và hỗ trợ thêm chi phí sửa chữa hợp lý của phần còn lại.

Những công trình, nhà ở xây dựng không hợp pháp trên đất nhưng thỏa mãn một số điều kiện theo quy định thì được tính hỗ trợ tối đa bằng 80% mức bồi thường.

Các trường hợp không được hỗ trợ, bao gồm: Xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được cắm mốc; không được phép xây dựng, hoặc đã bị lập biên bản vi phạm xử phạt và yêu cầu tháo dỡ; nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất được tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Đối với những tài sản phải hỗ trợ di dời, thì đơn giá tính cho một công di dời là 300.000 đồng/công. Đối với vật kiến trúc khác, do chưa kiểm tra hiện trạng cụ thể từng loại vật kiến trúc, công trình khác nên giá trị bồi thường, hỗ trợ của vật kiến trúc, công trình khác tạm tính bằng 10% giá trị nhà ở và công trình xây dựng nêu trên.

Đối với cây trồng trên đất trước ngày thông báo chủ trương thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì được tính toán bồi thường 100% giá trị cây trồng theo thực tế hiện trạng. Đối với cây trồng gắn liền với đất thuộc trường hợp không được bồi thường thì được xem xét hỗ trợ theo quy định.

• ĐẢM BẢO CÁC CHẾ ĐỘ, TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN TRONG NHÂN DÂN

Một phần khu vực bố trí đất tái định canh cho người dân có đất bị thu hồi để làm Dự án hồ chứa nước Ta Hoét có thể thực hiện canh tác ngay, ổn định đời sống
Một phần khu vực bố trí đất tái định canh cho người dân có đất bị thu hồi để làm Dự án hồ chứa nước Ta Hoét có thể canh tác ngay, ổn định đời sống. Ảnh: Chính Thành

Ngoài tính toán bồi thường giá trị đất và tài sản trên đất thì người dân trong vùng dự án còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác, như: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, học nghề và tạo việc làm...

Đặc biệt, Dự án hồ Ta Hoét ban đầu không bố trí quỹ đất tái định canh mà chỉ thực hiện chi trả bồi thường bằng tiền theo quy định của pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, trên cơ sở kiến nghị của các hộ dân, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số với tập quán chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và cần đất nông nghiệp để tiếp tục sản xuất, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương bồi thường bằng đất đối với các hộ dân có đất thu hồi để làm Dự án hồ chứa nước Ta Hoét.

Theo phương án của UBND huyện Đức Trọng, có 110 hộ đủ điều kiện bồi thường bằng đất theo các tiêu chí; trong đó, có 100 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số và 10 hộ người Kinh.

Khu tái định canh có tổng diện tích 28 ha; trong đó, khu vực đất 5% tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An có diện tích 11 ha, gồm 10 lô với diện tích 500 m² và 96 lô với diện tích 1000 m²; khu vực Khoảnh 6, Tiểu khu 277A tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An diện tích 17 ha gồm 31 lô với diện tích 500 m² và 136 lô với diện tích 1000 m². Khu tái định canh này đã có hệ thống đường quản lý, đường sản xuất, hệ thống cấp điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Đến hiện tại, UBND huyện Đức Trọng đã phê duyệt các trường hợp đủ điều kiện bồi thường bằng đất tái định canh và kết quả bốc thăm nhận đất, bố trí đất tái định canh được 23 hộ/28 hộ (các hộ có nhu cầu và có đơn đề nghị bố trí tái định canh) tại khu vực đất 5%; các hộ còn lại đang vận động nhận đất tái định canh và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo quy định. Trong số 23 hộ đã nhận đất tái định canh, có 20 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hiện tại, huyện Đức Trọng đang tiếp tục tổ chức bốc thăm nhận đất tái định canh cho 5 hộ có đơn đăng ký. Đồng thời, tiến hành rà soát và xem xét phê duyệt các trường hợp đủ điều kiện, cũng như tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bàn giao đất cho các hộ theo đúng quy định.

Lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng và xã Hiệp An trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định canh cho người dân. Ảnh: Võ Lan
Lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng và xã Hiệp An trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định canh cho người dân vào tháng 3/2024. Ảnh: Võ Lan

Liên quan đến công tác bố trí đất tái định canh, nhiều bà con, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, bày tỏ mong muốn được bố trí tái định canh với diện tích bằng với diện tích thu hồi, hoặc có ý kiến cho rằng đất tại định canh sỏi đá nhiều, không màu mỡ.

Tuy nhiên, theo phương án tái định canh của UBND huyện Đức Trọng, căn cứ trên tổng diện tích đất tái định canh hiện có và diện tích đất Nhà nước thu hồi của người dân, cũng như diện tích đất người dân còn lại sau thu hồi để xem xét đưa ra phương án bồi thường bằng đất phù hợp.

Các hộ đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên bị thu hồi đất từ 500 m² trở lên để làm Dự án hồ Ta Hoét thì được ưu tiên bồi thường bằng đất 500 m² hoặc 1000 m² tại vị trí đất công 5% thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An để có thể thực hiện canh tác ngay, ổn định đời sống. Tuy nhiên, để đảm bảo sinh kế lâu bền cho người dân, nên ngoài nhận đất tái định canh tại khu vực trên thì UBND huyện sẽ rà soát, xem xét bố trí tiếp cho đủ diện tích sản xuất nông nghiệp là 6.000 m² tại khu vực đồi Trung Hiệp, tiểu khu 277A, xã Hiệp An.

Do quỹ đất công hiện có trên địa bàn huyện không đủ để bố trí tái định canh cho toàn bộ hộ dân bị thu hồi đất nên phần diện tích bị thu hồi còn lại đề nghị các hộ nhận tiền bồi thường bằng tiền.

Về chất đất, khu vực đất công 5% thuộc nhóm đất nâu vàng, có địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất các loại cây rau như cà chua, đậu leo, xà lách, cải các loại... và hoa như lay ơn, cúc... Ví trí này sẽ dành bố trí tái định canh cho các hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc có hộ khẩu tại địa phương, có đủ điều kiện được bồi thường bằng đất.

Còn đối với khu vực đồi Trung Hiệp, tiểu khu 277A, xã Hiệp An thuộc nhóm đất nâu vàng, một số diện tích đất có lẫn đá mồ côi, tỷ lệ đá lộ thiên được xác định từ 10-30% có thể nhìn thấy trên bề mặt đất. Tuy nhiên, diện tích này sau khi được cải tạo giữ lại phần đất mặt, thu gom đá thì đáp ứng sản xuất các loại cây như cà chua, đậu leo, xà lách, cải các loại... và hoa như lay ơn, cúc... và các cây trồng lâu năm như cà phê (thích hợp nhất là cả phê chè), dâu tằm, một số loại cây ăn trái như chanh dây, chuối, hồng, bơ...

Do đây là dự án tái định canh (bồi thường bằng đất) đầu tiên trên địa bàn huyện Đức Trọng kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực nên việc triển khai thực hiện vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng và UBND huyện Đức Trọng vẫn đang nỗ lực khắc phục nhằm kịp thời giải quyết dứt điểm nhu cầu tái định canh cho các hộ dân. Từ đó, tạo niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân với chính quyền địa phương để Dự án hồ chứa nước Ta Hoét được đẩy nhanh tiến độ triển khai.