Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lâm Đồng chỉ thu hút được 1 nhà đầu tư. Lý do vì sao thu hút đầu tư gặp khó khăn và để tháo gỡ “điểm nghẽn” này cần nhìn nhận thẳng thắn lý do và sớm có giải pháp cần thiết.
Cần sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư |
• GIÁ CHO THUÊ ĐẤT CAO VÀ CHƯA PHÙ HỢP?
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã phân tích và cho rằng việc định giá đất, áp giá cho thuê đất không sát thực tế, đúng vào thời điểm giá thị trường tăng cao, chậm điều chỉnh giá đất khi không còn phù hợp... đây chính là một trong số những nguyên nhân khiến cho tỉnh Lâm Đồng giảm mạnh thu hút đầu tư.
Các doanh nghiệp cũng nhiều lần phản ánh việc đang thực hiện các dự án đầu tư cũng như có ý định đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng thời gian qua được biết, một trong những nguyên nhân quan trọng là do chính sách tiếp cận đất đai để duy trì sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư thời gian qua chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đa số các doanh nghiệp đang thực hiện các dự án thuê đất trên địa bàn TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đều cho rằng, việc định giá và áp giá cho thuê đất của tỉnh khá cao so với thời điểm hiện nay, khiến nhiều doanh nghiệp thuê đất để sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào, giảm nguồn thu nhập sau thuế, thậm chí một số doanh nghiệp nợ thuế với số tiền lớn.
Theo phân tích việc định giá đất theo chu kỳ 5 năm (2020-2025) theo Quyết định 02 của UBDN tỉnh Lâm Đồng nhằm theo sát với giá thị trường lại rơi trúng vào thời điểm giá đất trên thị trường cả nước nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng có rất nhiều biến động, có thời điểm "tăng đột biến". Ngay sau đó dịch COVID-19 bùng phát, đến thời điểm cuối năm 2022, đầu 2023 dịch được kiểm soát, giá đất trên thị trường chững lại và xuống mức rất thấp so với thời điểm định giá và áp giá cho thuê đất.
Đơn cử, theo ông Trần Mến - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (TTC Lâm Đồng), chủ đầu tư Khu du lịch Thung lũng Tình yêu Đà Lạt cho biết, năm 2020, TTC Lâm Đồng thuê diện tích mặt nước hồ Đa Thiện, số tiền tạm tính khi đó là 6,07 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Quyết định 02 của UBDN tỉnh, số tiền này đã tăng gấp hơn 5 lần, lên tới 31,8 tỷ đồng. Căn cứ quyết định này, doanh nghiệp bị Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng truy thu, từ năm 2020 đến 2023, tổng số tiền lên đến gần 96,5 tỷ đồng. Hay tại Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist), đơn vị đang thuê diện tích có khách sạn Dream tại Phường 1, TP Đà Lạt. Khuôn viên khách sạn này có diện tích 3.177 m2, năm 2014, Công ty ký hợp đồng thuê đất của Nhà nước và tiến hành sửa chữa do khách sạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong giai đoạn 2015 - 2019, số tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp gần 730 triệu đồng/năm, tới giai đoạn 2020 - 2024, áp dụng theo Quyết định 02 thì khoản tiền này đã tăng hơn 12 lần, lên tới gần 9 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, mật độ cho phép xây dựng khu vực này chỉ chiếm 43% diện tích đất. Khách sạn có 42 phòng ngủ tiêu chuẩn 3 sao, nếu công suất hoạt động tới 70% thì tối đa doanh thu khách sạn chỉ đạt 8,2 tỷ đồng/năm.
Ngoài những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp thuê đất để sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng đang rất khó khăn và có đơn kiến nghị UBND tỉnh xem xét…
Trước các kiến nghị khẩn cấp, đề xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn, tháng 2/2024, ông Đinh Minh Quý - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, Hiệp hội cũng đã có văn bản số 12, gửi HĐND, UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan, tổng hợp báo cáo khó khăn của các doanh nghiệp và đề xuất phương án tháo gỡ.
Về những nội dung kiến nghị này, ngày 26/2/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 1409, giao Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét giải quyết theo quy định hoặc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Trả lời kiến nghị này, UBND tỉnh cho biết, dù biết giá thuê đất để sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là khá cao; tuy nhiên, đây là quy định chung của Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng không thể vận dụng 1 quy chế đặc thù nào khác.
• CẦN SỚM THÁO GỠ “ĐIỂM NGHẼN”
Theo Quyết định 02 của UBND tỉnh, việc định giá thu tiền thuê đất theo phương pháp thứ 5 trong 5 phương pháp được quy định tại Điều 4 của Nghị định 44 của Chính phủ: bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất, nhân với giá trong bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành là chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Trong khi đó, tại Điều 4, Nghị định số 44, ngày 15/5/2014 của Chính phủ đã quy định có 5 phương pháp định giá đất là phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp triết trừ, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư và phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Tỉnh Lâm Đồng hiện đang định giá thuê đất theo phương pháp thứ 5, nghĩa là định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất, nhân với giá trong bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.
Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng định giá đất thương mại dịch vụ trên toàn địa bàn TP Đà Lạt phổ biến ở mức 18,129 triệu đồng/m2 không phân biệt trong phố hay trong rừng, đất có nhà cao tầng hay đất chỉ để làm khuôn viên cây cảnh và thu theo hệ số 1,2% áp dụng cho toàn thành phố. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, xem xét và áp dụng phương pháp 3 - Phương pháp thu nhập được quy định tại Điều 4, Nghị định số 44, bởi nhiều địa phương đang áp dụng phương pháp này. Cụ thể, phương pháp thu nhập là phương pháp định giá đất tính bằng thương số giữa mức thu nhập ròng thu được bình quân một năm trên một đơn vị diện tích đất so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân một năm, tính đến thời điểm định giá đất của loại tiền gửi VNĐ kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng thương mại Nhà nước có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên địa bàn cấp tỉnh. Theo các doanh nghiệp đây là phương pháp được cho là phù hợp với thực tế hơn, để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và doanh nghiệp, để nhà đầu tư có đủ nội lực tiếp tục tái sản xuất và phát triển trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Trãi - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, thời gian qua Sở cũng đã nhận được phản ánh của doanh nghiệp. Sở đã rà soát, báo cáo UBND tỉnh và có văn bản gửi Bộ TNMT để cùng có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Giải pháp thu hút đầu tư trong năm 2024 được Lâm Đồng đặt ra là: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch và thân thiện; thu hút đầu tư có chọn lọc và theo quy hoạch…; tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng thế mạnh và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; tăng cường quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, trọng tâm là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; mở rộng thị trường, phát triển mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…; đẩy mạnh cải cách hành chính, và nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa liên thông trong đầu tư; công khai quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền trên hệ thống thông tin. Song song đó, giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư trên mạng thông tin điện tử, từng bước thực hiện cấp phép đầu tư qua mạng; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử…
Tuy nhiên, cũng cần có các giải pháp sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” để thông suốt trong thu hút đầu tư vào Lâm Đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin