Để thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng trong năm 2024, Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã đưa vào thử nghiệm trồng rừng theo phương pháp cải tiến mới, qua đó hiệu quả rừng trồng được nâng lên rõ rệt.
Trồng rừng theo phương pháp mới giúp cây giống nhanh bén rễ và sinh trưởng rất nhanh so với phương pháp trồng truyền thống |
Hiện nay, tranh thủ thời tiết có mưa, đất đủ độ ẩm, chính quyền và ngành chức năng huyện Lạc Dương đang dồn sức vận động và hỗ trợ người dân tích cực trồng rừng, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Đình Công - Phó Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, trong thời gian vừa qua, trên lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Việc tổ chức trồng rừng trên diện tích đất trống là nhiệm vụ quan trọng để nhanh chóng phủ xanh những diện tích đất trống để tránh tình trạng các diện tích này bị người dân lấn chiếm, canh tác, sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, có một số khu vực có điều kiện thổ nhưỡng kém không thuận lợi để trồng rừng bằng biện pháp truyền thống hiện nay.
Đứng trước vấn đề đó, sử dụng phương tiện cơ giới là biện pháp hiệu quả nhất phát huy tối đa khả năng tái sinh, diễn thế tự nhiên để phục hồi rừng bằng các biện pháp bảo vệ, chống chặt phá, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát dọn thực bì cây bụi để thúc đẩy thành rừng. Chính vì vậy, đơn vị đã có sáng kiến thử nghiệm trồng rừng bằng phương pháp sử dụng phương tiện cơ giới cuốc lật cải tạo đất trên diện tích đất trống có điều kiện thổ nhưỡng kém. Mô hình trồng rừng mới này sẽ được thực hiện tại vị trí đất cằn cỗi, rậm rạp, khó trồng rừng bằng phương pháp trồng rừng truyền thống.
Theo ông Nguyễn Đình Công, đầu mùa mưa năm 2024, Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim tiếp tục thực hiện trồng rừng bằng phương pháp sử dụng phương tiện cơ giới để cuốc lật đất trống tại các vị trí có điều kiện thổ nhưỡng kém trên 11 vị trí có diện tích 6 ha thuộc lâm phần của đơn vị nằm trên địa bàn quản lý của các xã Đa Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais, thị trấn Lạc Dương.
Qua thực tế cho thấy, việc áp dụng trồng rừng theo phương pháp mới giúp nâng cao hiệu quả rõ rệt. Trong đó, diện tích đất được cuốc lật có bề mặt đất tơi xốp, giúp việc trồng cây được nhanh chóng, dễ dàng; đồng thời, cây giống cũng nhanh bén rễ và sinh trưởng rất nhanh so với phương pháp trồng truyền thống trước đây. Qua đó, giúp đơn vị nhanh chóng khôi phục, phủ xanh lại các diện tích rừng đã bị mất trước đó.
Ông Lê Chí Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, xác định rừng là tài nguyên vô cùng quý giá, rừng không chỉ cung cấp gỗ, lâm sản mà còn điều hoà khí hậu nguồn nước, giảm thiên tai hạn hán, lũ lụt, bảo vệ sinh thái môi trường. Vì vậy, song song với việc bảo vệ rừng, phát triển và tái tạo rừng thì trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc là những biện pháp lâm sinh quan trọng nhất đang được các cấp, ngành chức năng huyện Lạc Dương thực hiện để đẩy nhanh độ che phủ của rừng. Trong đó, đối với phương pháp mới là trồng rừng bằng phương pháp sử dụng máy cơ giới cuốc lật được Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim áp dụng đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác trồng rừng; đồng thời, UBND huyện cũng đang chỉ đạo các đơn vị thẩm định để có kế hoạch nhân rộng thực hiện trong thời gian đến.
Theo ông Lê Chí Quang Minh, hiện nay, UBND huyện Lạc Dương cũng đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cho các đơn vị thực hiện việc trồng rừng trong năm 2024. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn cũng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức trồng rừng ngay trong mùa mưa đối với các diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp trống và đất lấn chiếm, tái lấn chiếm đã giải tỏa.
Trong đó, trong năm 2024, huyện Lạc Dương phấn đấu đạt chỉ tiêu trồng 1.226.582 cây xanh, theo Kế hoạch số 161, ngày 29/10/2021 của UBND huyện về việc trồng cây xanh trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, xã Đưng K’nớ trồng 36.000 cây, xã Lát trồng 64.586 cây, thị trấn Lạc Dương trồng 63.720 cây, xã Đạ Sar trồng 126.736 cây, xã Đa Nhim trồng 67.550 cây, xã Đạ Chais trồng 40.000 cây, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Tà Nung trồng 229.721 cây, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đa Nhim trồng 211.142 cây, Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà trồng 361.600 cây và các doanh nghiệp trồng 25.545 cây.
Mặt khác, UBND huyện Lạc Dương cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành chức năng tổ chức các đợt truy quét, giải tỏa các điểm nóng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý. Phấn đấu giảm đến mức thấp nhất các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đôn đốc kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp các xã, các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, canh gác thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin